
Có rất nhiều nguyên nhân, như: nông dân sản xuất không ổn định sản lượng, chất lượng bấp bênh và thiếu nhà máy chế biến, xử lý đạt chuẩn xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư, nhưng lại thiếu chính sách, nguồn vốn.
Đơn cử, nông dân Australia trồng nho với cánh đồng mẫu lớn để sử dụng cơ giới hóa. Trang bị kho lạnh tại trang trại, đầu tư công nghệ chiếu xạ để ngay sau khi thu hoạch xong, nho vẫn đảm bảo độ tươi. Bên cạnh đó, Australia có hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc chặt chẽ và tất cả người trồng trọt đều phải tham gia đào tạo kỹ lưỡng trước khi được cấp phép xuất khẩu.
Là nước bốn mùa trái cây nhiệt đới, nhưng trái cây Việt Nam đang bị cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Khi trái cây nhập ngoại ồ ạt, năm 2019 cũng là năm xoài cát, thanh long, vú sữa, bưởi… đồng loạt đẩy vào tiêu thụ nội địa với giá thấp hơn nhiều so các năm trước. 2019 cũng là năm có thêm nhiều loại trái cây Việt Nam được cấp phép xuất ra nước ngoài, nhưng kim ngạch xuất khẩu chung lại giảm.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 9 tháng qua, rau quả xuất khẩu chỉ đạt 2,82 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2018. Đã đến lúc ngành nông nghiệp Việt Nam phải mở một cuộc vận động nông nghiệp xanh và có chính sách hỗ trợ để 3 nhà: Nhà nước - Nhà nông - Nhà doanh nhân… nhanh chóng liên kết đầu tư từ giống cây đến công nghệ sau thu hoạch, để đưa ra thị trường trái cây nhiệt đới ngon, sạch, rẻ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh, sạch trong nước và mở rộng xuất khẩu.