Chiều 6/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Mai Văn Hải, đoàn Thanh Hóa cho rằng đường Hồ Chí Minh là tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng, an ninh. Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 38 về chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh và sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13, tuyến đường đã được đầu tư 2363 km trên tổng số 2744 km đạt 86,1%.
Đại biểu Mai Văn Hải cho biết, công trình đường Hồ Chí Minh đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của cả nước, đảm bảo quốc phòng và an ninh, góp phần xóa đói giảm nghèo, nhất là các khu vực địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa có tuyến đường đi qua. Tuy nhiên, đến nay đường Hồ Chí Minh vẫn chưa được thông toàn tuyến.
Đại biểu đoàn Thanh Hóa cho rằng, nguyên nhân của việc chậm trễ, kéo dài nêu trên là do trong quá trình triển khai dự án gặp không ít khó khăn nhất là việc ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Một số dự án thành phần cũng còn chậm. Công tác thực hiện giải phóng mặt bằng ở một số địa phương làm chưa quyết liệt và còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ.
Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét đầu tư để thông toàn tuyến trong giai đoạn 2021-2025, kể cả việc đầu tư đoạn Cổ Tiếp đến Chợ Bến. Đại biểu nhấn mạnh, "không để tuyến đường mang tên Bác kéo dài nhiều năm sang giai đoạn 2026-2030", có như thế, tuyến đường mới thực sự phát huy được hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, các địa phương có thiên đường đi qua và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ làm rõ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư các dự án thành phần, kết quả phát hiện các vi phạm và xử lý vi phạm sau kết luận thanh tra, kiểm toán của các dự án thành phần. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục xem xét, rà soát, sửa đổi các quy định về đầu tư PPP tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tham gia đầu tư theo hình thức đầu tư PPP để giảm áp lực về vốn cho ngân sách nhà nước.
Còn theo đại biểu Bế Minh Đức, đoàn Cao Bằng, báo cáo của Chính phủ nêu một trong những nguyên nhân khiến tuyến đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ do có nhiều dự án quan trọng cấp quốc gia được thực hiện cùng thời điểm dẫn tới nguồn lực hạn hẹp, khó khăn trong việc phân bổ đủ nguồn vốn. Tuy nhiên, đại biểu Bế Minh Đức nhấn mạnh, nguyên nhân này là chưa thuyết phục. Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc, hạn chế nguyên nhân thời gian qua, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong việc chậm hoàn thành nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh.
Còn theo đại biểu Trần Văn Tiến đoàn Vĩnh Phúc, một số dự án thành phần của tuyến đường Hồ Chí Minh giải phóng mặt bằng rất chậm, đến nay vẫn còn một số dự án thành phần giải phóng mặt bằng chưa xong, cắm mốc lộ giới chậm 2 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, tiến độ hoàn thành dự án không đạt so với Nghị quyết.
Đại biểu nhận định, nguyên nhân chậm trễ của dự án do ý thức của người dân trong việc chấp hành các chính sách giải phóng mặt bằng chưa nghiêm. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp có dự án đi qua chưa quyết liệt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng. Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan chưa lường hết được những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh.
Với kế hoạch triển khai tiếp dự án như hiện nay, đại biểu băn khoăn: "Tuyến đường mang tên Bác, qua 5 khóa Quốc hội chưa được thông tuyến, chưa rõ đến thời gian nào mới hoàn thành để thông tuyến từ Pác Bó đến Đất Mũi".
Trong khi đó, đại biểu Lê Hoàng Anh, đoàn Gia Lai lại đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, thiệt hại của việc không hoàn thành thông tuyến vào năm 2020 đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là ở các địa phương có tuyến đường đi qua.
Đặc biệt, đại biểu đoàn Gia Lai cũng cho rằng, hiện nay chất lượng công trình nhiều đoạn, tuyến chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quản lý, điều hành lang an toàn chưa tốt, để xảy ra tiêu cực theo những hạn chế, hiệu quả tổng hợp của công trình, gây lãng phí nguồn lực. Đại biểu đồng tình với báo cáo về những nguyên nhân chủ quan gây ra tồn tại, hạn chế này, theo đó có nguyên nhân về khâu tổ chức thực hiện thiếu quyết tâm chính trị, thiếu quyết liệt và thiếu kiểm tra, rút kinh nghiệm nên dẫn đến hạn chế nêu trên.