Vụ việc kéo dài hơn 12 năm
Theo ông Lê Bá Toàn, gia đình rất bức xúc vì vụ việc kéo dài từ năm 2011 đến nay, trong khi hiện quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TPHCM đã có hiệu lực pháp luật và Cục THADS tỉnh Sóc Trăng cũng đã có quyết định cưỡng chế nhưng ngân hàng vẫn không thực hiện xoá thế chấp, trả lại tài sản.
“Trong suốt thời gian này, gia đình chịu nhiều thiệt thòi, do đây là tài sản có giá trị lớn, nhưng hơn 12 năm nay không thể sử dụng vào mục đích nào được”, ông Toàn nói.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 3-10-2011, vợ chồng bà Nguyễn Thị Mỹ Linh thực hiện hợp đồng thế chấp số 105/2011/VCB.ST đưa 4 tài sản cá nhân (gồm giấy tờ nhà và đất tại TP Sóc Trăng) cho Vietcombank Sóc Trăng để tăng thêm hạn mức tín dụng từ 150 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng giữa 3 bên (ngân hàng, Công ty Kim Anh và người có tài sản).
Sáng 1-11, ông Lê Bá Toàn, đại diện gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, đã làm việc với Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Sóc Trăng) để làm rõ đơn kiến nghị liên quan đến 4 tài sản không được ngân hàng giao trả.
Tuy nhiên, Vietcombank Sóc Trăng không chấp nhận mà còn giảm hạn mức vay từ 150 tỷ đồng xuống 100 tỷ đồng. Vụ việc sau đó được các bên đưa ra tòa án để giải quyết.
Ngày 23-12-2020, TAND TP Sóc Trăng xét xử sơ thẩm, ra bản án số 13/2020/KDTM-ST tuyên bố hợp đồng thế chấp số 105/2011/VCB.ST là vô hiệu. TAND TP Sóc Trăng buộc ngân hàng xóa thế chấp đối với 4 tài sản của bên thứ 3 (vợ chồng bà Linh).
Tháng 1-2021, Vietcombank Sóc Trăng kháng cáo lên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng kháng nghị bản án sơ thẩm. Ngày 28-2-2022, TAND tỉnh Sóc Trăng ra bản án phúc thẩm số 02/2022/KDTM-PT tuyên ngược lại đối với 4 tài sản của bên thứ 3.
Đến ngày 29-3-2022, Công ty Kim Anh và bà Mỹ Linh có đơn đề nghị giám đốc thẩm. Ngày 30-11-2022, toàn thể ủy ban thẩm phán do ông Bùi Đức Xuân, Phó chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM làm chủ tọa đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM, ban hành quyết định giám đốc thẩm số 33/2022/KDMT-GĐT tuyên hủy bản án phúc thẩm số 02/2022/KDTM-PT và giữ nguyên bản án sơ thẩm bản án sơ thẩm số 13/2020/KDTM-ST.
Sau khi có quyết định giám đốc thẩm số 33, Chi cục THADS TP Sóc Trăng đã ban hành quyết định số 451/QĐ-CTHADS để thi hành quyết định giám đốc thẩm. Đến ngày 8-6-2023, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng ban hành quyết định số 01 và 02/QĐ-CTHADS (cùng ngày) theo đơn đề nghị của gia đình bà Linh để tiếp tục thi hành án theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở đó, chấp hành viên đã yêu cầu Vietcombank Sóc Trăng xoá đăng ký thế chấp và giao trả các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho gia đình bà Linh theo nội dung bản án đã tuyên, nhưng ngân hàng không thực hiện.
Đến ngày 31-7-2023, chấp hành viên ban hành quyết định số 08/QĐ-CTHADS về việc cưỡng chế thi hành án đối với Vietcombank Sóc Trăng. Ngày 22-8-2023, tại buổi cưỡng chế ngân hàng vẫn kiên quyết không thực hiện xoá thế chấp và giao trả giấy CNQSDĐ cho người được thi hành án.
Vì sao Vietcombank Sóc Trăng không tự nguyện thi hành án?
Như vậy, sau gần 1 năm có quyết định giám đốc thẩm, Vietcombank Sóc Trăng vẫn chưa thực hiện việc xoá đăng ký thế chấp và giao trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng, dẫn đến việc bị cưỡng chế thi hành án.
Lý do được Vietcombank Sóc Trăng đưa ra là “ngân hàng đang đề nghị VKSND Tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định giám đốc thẩm số 33. Trong thời gian chờ VKSND Tối cao xem xét giải quyết, ngân hàng chưa thể thực hiện việc xoá đăng ký thế chấp và giao trả giấy CNQSDĐ cho gia đình bà Linh”.
Xét thấy Vietcombank Sóc Trăng có điều kiện thi hành án, nhưng không tự nguyện thi hành, ngày 26-10-2023 Cục THADS tỉnh Sóc Trăng tiếp tục ban hành 2 quyết định cưỡng chế. Trong đó, quyết định số 01/QĐ-CTHADS về việc cưỡng chế buộc Vietcombank Sóc Trăng xoá thế chấp đối với các tài sản thế chấp của gia đình bà Linh. Quyết định số 02/QĐ-CTHADS về việc cưỡng chế giao trả các giấy CNQSDĐ cho gia đình bà Linh”. Cả 2 quyết định cưỡng chế trên sẽ được triển khai vào ngày 10-11-2023.
Trước đó, ngày 24-8-2023, ông Nguyễn Văn Uốt, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Sóc Trăng đã có công văn gửi Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Sóc Trăng và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Sóc Trăng đề nghị huỷ giấy CNQSDĐ đã cấp và cấp lại giấy CNQSDĐ cho người được thi hành án là gia đình bà Linh.
Cụ thể, công văn cho rằng: “Hiện tại Quyết định giám đốc thẩm số 33/2022/KDMT-GĐT (ngày 30-11-2023) của Toà án nhân dân cấp cao tại TPHCM đã có hiệu lực pháp luật, mọi cá nhân, tổ chức đều phải nghiêm chỉnh chấp hành. Việc ngân hàng nêu ra lý do để không thực hiện việc xoá thế chấp và giao trả lại giấy CNQSDĐ là không có cơ sở để xem xét chấp nhận”.
Do đó, Cục THADS tỉnh đề nghị cơ quan cho thẩm quyền huỷ các giấy CNQSDĐ thế chấp và cấp lại các giấy CNQSDĐ cho gia đình bà Linh theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trao đổi với ĐTTC, Luật sư Trần Công Tú, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ cho biết: Trường hợp người phải thi hành án không giao, trả giấy tờ cho người được thi hành án theo nội dung bản án, quyết định thì chấp hành viên cưỡng chế buộc người phải thi hành án giao, trả giấy tờ đó.
Trường hợp không thu hồi được giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và giấy tờ về tài sản khác thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 106 của Luật Thi hành án Dân sự.
Cụ thể khoản 4 điều 106, Luật Thi hành án Dân sự quy định như sau: Trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà không có hoặc không thu hồi được Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Chính phủ.