Trái ngược với đà tăng điểm tích cực của TTCK thế giới, diễn biến chỉ số VN Index lại là nỗi thất vọng lớn của giới đầu tư khi ghi nhận chuỗi giảm điểm mạnh trong các tháng cuối năm về dưới mốc 960 điểm. Đâu là nguyên nhân khiến TTCK Việt Nam biến động trái chiều với thế giới, liệu hiện tượng này có kéo dài sang nửa đầu năm 2020 và nhà đầu tư (NĐT) cần lưu ý điều gì với những bất thường diễn ra trên TTCK hiện nay.
Đang trong chu kỳ tích lũy 960-1.000 điểm
Đang trong chu kỳ tích lũy 960-1.000 điểm
Việc VN Index liên tục điều chỉnh giảm phần nào đã làm giới đầu tư bi quan về TTCK và mất dần niềm tin. Nhưng xét về toàn cảnh thị trường, NĐT cần bình tĩnh trong nhìn nhận, đánh giá xu hướng TTCK hiện nay. Giai đoạn 2017 và đầu năm 2018, khi VN Index của Việt Nam được coi là top các chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới, đã vượt nhanh qua mốc 800 điểm, 1.000 điểm và lăm le vượt 1.200 điểm trong thời gian ngắn. Dòng tiền chảy mạnh vào các cổ phiếu (CP) bluechip, CP hàng đầu của các nhóm ngành ngân hàng, công nghệ, xây dựng, tiêu dùng…
Về lý thuyết, không có chỉ số CK nào có thể tăng mạnh trong thời gian ngắn mà không có giai đoạn điều chỉnh sau đó. Vì thế, không phải không có lý khi rất nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín trên TTCK đều không đánh giá cao mức độ tăng điểm của VN Index sau giai đoạn bùng nổ 2017, đầu 2018, và đều đưa ra dự báo VN Index sẽ điều chỉnh đi ngang trong phần lớn giai đoạn 2019-2020. Và việc điều chỉnh “sideway” này là điều chỉnh kỹ thuật bình thường trước khi TTCK bước vào giai đoạn tăng điểm mới.
Quan sát kỹ diễn biến thị trường trong năm 2019, sẽ thấy cuối năm 2018 là giai đoạn điều chỉnh khá sâu khi VN Index giảm từ mốc 1.200 điểm về sát mốc 860 điểm thời điểm đầu năm 2019. Vì thế, đặc điểm giai đoạn điều chỉnh của TTCK 2019 là đi ngang, chủ yếu ở vùng 960-1.000 điểm. Diễn biến điều chỉnh tích lũy có thể tiếp tục cho đến khi dòng tiền nội và ngoại đồng thuận tham gia TTCK.
Ảnh minh họa: LONG THANH
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, biểu đồ tháng/tuần của VN Index vẫn đang ở giai đoạn uptrend trung hạn, cho dù diễn biến từ tháng 4-2018 đến nay vận động đi ngang là chủ yếu. Như vậy có thể nói VN Index vẫn chưa đến thời điểm tăng điểm mạnh, dù kinh tế vĩ mô khởi sắc. Song chỉ số CK được neo giữ quanh mốc 1.000 cũng không hề tệ đối với thị trường đang tăng trưởng như Việt Nam.
Cơ cấu danh mục diễn ra mạnh mẽ
Cơ cấu danh mục diễn ra mạnh mẽ
Dòng tiền khối ngoại vốn được coi là yếu tố nâng đỡ thị trường khi phần lớn chảy vào các CP largecap, hỗ trợ chỉ số VN Index/VN30. Tuy nhiên, trong năm 2019, đặc biệt là 6 tháng cuối năm, khối ngoại lại đẩy mạnh hoạt động bán ròng, trong đó tập trung bán các CP lớn như VHM, VIC, GAS, MSN, VNM… đã khiến chỉ số CK bị ảnh hưởng và giảm sâu, nhất là thời điểm từ giữa tháng 1 cho đến nay.
Điều khác biệt, so với các tháng cuối năm 2018, việc khối ngoại mua ròng đã không diễn ra đối với TTCK trong các tháng cuối năm 2019. NĐTNN liên tục bán ròng trên 2 sàn HSX, HNX. Chỉ tính từ ngày 1 đến 17-12 khối ngoại bán ròng tổng cộng gần 9.000 tỷ đồng và bán ra rất mạnh các CP MSN, VHM, VNM…
Nhiều quỹ lớn hàng đầu Việt Nam như Dragon Capital, Vinacapital, đặc biệt các quỹ ETFs, đã thực hiện cơ cấu và giảm tỷ trọng danh mục các CP đang nắm giữ. Các CP đã có sự sụt giảm giá rất mạnh như VNM, MSN, VHM giai đoạn gần đây, cũng đến từ việc các quỹ cấu trúc lại danh mục đầu tư. Ngay cả CP riêng lẻ như MSN cũng khiến NĐT mất niềm tin, khi có thông tin Tập đoàn Masan thu nhận lại mảng bán lẻ, hệ thống Vinmart của Vingroup. Theo đó, giá trị cổ đông MSN đang bị đặt câu hỏi.
Ngoài ra, có thể kể đến quá trình cơ cấu danh mục các quỹ ETFs giai đoạn cuối tháng 12 sẽ khiến TTCK bước vào khoảng trống thông tin, cũng như chờ đợi việc chốt NAV của các quỹ. NĐT cũng đợi chờ việc các quỹ thực hiện xong cơ cấu danh mục và lúc đó mới thực hiện giải ngân.
Dù diễn biến trái chiều của TTCK thế giới và Việt Nam đã và đang là thực trạng khiến NĐT cá nhân hoang mang và lo ngại, nhưng chắc chắn đó không phải là vấn đề quá lớn. Đôi khi thông tin vĩ mô đi trước, hoặc phản ánh đồng thời thông qua diễn biến TTCK. Biến động của TTCK đôi lúc phản ánh biến động của các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, hoặc đơn thuần là bị chi phối bởi tâm lý NĐT.
Do vậy, có thể giai đoạn hiện nay VN Index có diễn biến trái chiều so với TTCK thế giới, nhưng đặc tính của các chỉ số CK luôn diễn ra bất định và khó dự đoán.
Mỗi chỉ số CK của một nền kinh tế phản ánh thực trạng kinh tế và bị ảnh hưởng bởi các thông tin vĩ mô hoàn toàn khác nhau. Diễn biến dao động đồng pha của các chỉ số CK các nước có thể diễn ra vào thời điểm này và có thể trái chiều vào thời điểm khác. Nhìn chung, xu hướng vận động của TTCK Việt Nam hiện nay không đáng lo ngại. Diễn biến điều chỉnh chỉ tạm thời và xu hướng sẽ hồi phục trong thời gian ngắn.
Theo đó, dự báo giai đoạn đầu năm 2020 sẽ khởi sắc hơn, khối ngoại nhiều khả năng sẽ mua ròng trở lại, sẽ giúp tâm lý NĐT được cải thiện.
Dù triển vọng nền kinh tế tươi sáng về bề nổi, nhưng những rủi ro tiềm ẩn vẫn ảnh hưởng đến tâm lý NĐT. Chỉ một trong nhiều tin tức vĩ mô bất lợi cũng khiến TTCK Việt Nam giảm điểm mà không cần thêm các lý do khác. |