Vì sao vừa thừa, vừa thiếu điện?

(ĐTTCO) - Trong khi nguy cơ thiếu điện rất lớn, nhưng việc huy động nguồn điện từ các dự án năng lượng tái tạo diễn ra khá đủng đỉnh.
Sự phát triển quá nóng của điện mặt trời nảy sinh nhiều hệ lụy đẩy nhà đầu tư vào cảnh trở đi mắc núi, trở về mắc sông. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Sự phát triển quá nóng của điện mặt trời nảy sinh nhiều hệ lụy đẩy nhà đầu tư vào cảnh trở đi mắc núi, trở về mắc sông. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Kiểm soát lạm phát khi giá điện tăng

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có quyết định điều chỉnh tăng 3% giá bán lẻ điện. Mức tăng 3% được đánh giá là tác động không lớn đến người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và người dân vẫn lo lắng về tình trạng "tát nước theo mưa".

Tình trạng tát nước theo mưa sẽ khó tránh khỏi, theo báo Người lao động, và nhấn mạnh đến vai trò của các cơ quan quản lý. Theo đó, giải pháp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng giá điện để tăng giá hàng hóa, dịch vụ là rất cần thiết để ổn định thị trường.

Còn trong sản xuất công nghiệp, giá điện tăng 3% có thể khiến giá thành sản xuất thép đội thêm khoảng 0,18%, giá thành xi măng tăng khoảng 0,45%, giấy tăng 0,4%. Như vậy có thể dễ dàng nhận thấy sự sụt giảm của lợi nhuận khi chi phí điện tăng thêm làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, theo tờ Đại đoàn kết.

Tại sao EVN độc quyền về điện mà vẫn lỗ?

Giải thích cho câu hỏi: "Tại sao EVN độc quyền về điện mà vẫn lỗ", tờ Người lao động cho biết, EVN từ chỗ nắm 100% nguồn điện hiện chỉ còn chiếm 58%. Để có nguồn phát điện, EVN phải trả tiền cho các nhà máy, trong khi giá nhiên liệu hóa thạch tăng không ngừng, giá mua có lúc lên đỉnh điểm là 4.000 đồng/kWh, trong khi giá bán lẻ bình quân chỉ là 1.920 đồng/kWh.

Rõ ràng, tập đoàn đang gồng lỗ rất nặng. EVN đang chịu đựng để người dân có giá điện thấp, đồng thời không gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng, tránh nguy cơ lạm phát cho nền kinh tế. Thời gian tới, hai nhiệm vụ cần được thực thi, phải ngăn chặn triệt để tình trạng té nước trong mưa và giải quyết rốt ráo vấn đề của hàng chục dự án điện gió, điện mặt trời đang đối diện nguy cơ phá sản, để lại 58.000 tỷ đồng nợ xấu.

Giải pháp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng giá điện để tăng giá hàng hóa, dịch vụ là rất cần thiết để ổn định thị trường. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Lãng phí nguồn năng lượng tái tạo: Đầu tư hàng nghìn tỷ rồi... "đắp chiếu"

Các dự án điện gió, điện mặt trời cũng là nội dung được nhiều trang báo đăng tải trong thời gian qua. Cặp từ thường xuyên xuất hiện là dự án năng lượng tái tạo và đắp chiếu.

Thống kê cho thấy, có 87 dự án đã lỡ chuyến đò cuối giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) nên phải chấp thuận cơ chế chuyển tiếp với mức giá thấp hơn. Sự nở rộ của các nguồn năng lượng tái tạo tập trung ở phía Nam đã gây thêm nhiều khó khăn cho công tác vận hành hệ thống.

Điện mặt trời, điện gió cần khuyến khích là đúng, nhưng khi triển khai lại không chuẩn bị kỹ các điều kiện pháp lý, đầu tư thiếu đồng bộ với hệ thống truyền tải đã khiến nhiều nhà máy điện tái tạo không thể phát điện cũng như chia lửa cho các nguồn điện than, khí, theo báo Tuổi trẻ.

Tại sao vừa thừa, vừa thiếu điện?

Nghịch lý là trong khi nguy cơ thiếu điện rất lớn, nhưng việc huy động nguồn điện từ các dự án năng lượng tái tạo diễn ra khá đủng đỉnh.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, tiến sĩ Ngô Đức Lâm nhận xét: "Chưa bao giờ ngành điện Việt Nam lại phát triển một cách bấp bênh như vừa qua".

Để nguồn năng lượng tái tạo lãng phí thời gian dài, lỗi lớn của chính sách, chứ không phải nhà đầu tư. Sự bùng nổ của điện mặt trời từng được khen ngợi đi tắt đón đầu năng lượng tái tạo nay trở thành nạn nhân, nói đúng hơn là bị vướng, cơ chế vốn không theo kịp nhu cầu.

Sự phát triển quá nóng của điện mặt trời đến nay nảy sinh nhiều hệ lụy đẩy nhà đầu tư vào cảnh trở đi mắc núi, trở về mắc sông.

Mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị tham vấn quốc tế về Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII). Đại diện các quốc gia và tổ chức quốc tế đều đánh giá cao và ủng hộ dự thảo Quy hoạch điện VIII theo hướng linh hoạt, hiệu quả thực thi cao, gắn liền với quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam; đồng thời đưa ra những khuyến nghị trong phát triển hạ tầng truyền tải điện, tăng mức độ tham gia của khu vực tư nhân và quốc tế.

Các tin khác