Vị thủ tướng quyết liệt với 'giấy phép con'

(ĐTTCO) - Nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024, ĐTTC đã có cuộc trò chuyện thân tình với TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, về những kỷ niệm sâu sắc với cố Thủ tướng Phan Văn Khải. 

Vị thủ tướng quyết liệt với 'giấy phép con'

Tính đến tháng 12-2023, ông Sáu Khải (tên gọi thân mật Thủ tướng Phan Văn Khải) đã đi xa hơn 5 năm, nhưng công lao và những đóng góp của ông đối với sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế vẫn để lại dấu ấn sâu sắc trong nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Những gì ông đã làm cho môi trường kinh doanh, trong đó phải kể tới việc xây dựng Luật Doanh nghiệp và việc cắt bỏ hàng loạt giấy phép trái luật, là một phần quan trọng trong sự nghiệp của ông, một nhà kỹ trị, một nhân cách lớn.

Quyết liệt xây dựng thể chế kinh tế thị trường

Gần 2 nhiệm kỳ là người đứng đầu Chính phủ (1997-2006), dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và những khó khăn, thử thách của giai đoạn đầu đổi mới đất nước, ông Sáu Khải cùng tập thể lãnh đạo Chính phủ đã chèo lái con tàu đất nước ổn định, phát triển, vượt qua được nhiều thời điểm khó khăn.

Đặc biệt, ông rất quan tâm và dành nhiều tâm huyết cho việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường, giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế, tạo nền tảng cho việc Nhà nước chuyển phương thức quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tổ chức, quản lý, giám sát theo nguyên tắc công khai, minh bạch.

nam-2005-thu-tuong-phan-van-khai-la-lanh-dao-cap-cao-dau-tien-cua-viet-nam-gap-tong-thong-my-george-w-bush-tai-nha-trang-o-hoa-ky-1613.jpg
Nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải là giai đoạn Việt Nam có sự chuyển biến tích cực trong quá trình hội nhập với thế giới. Đó là giai đoạn mà Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) được đàm phán, ký kết, cũng như Việt Nam tăng tốc và đàm phán thực chất để vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). (Trong ảnh: Năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam gặp Tổng thống Mỹ George W. Bush tại Nhà Trắng, Mỹ).

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 10 ngày 30-9-1997, chỉ 5 ngày sau khi nhận chức, tân Thủ tướng Phan Văn Khải, nêu rõ một trong những ưu tiên trong định hướng chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ mới là: “Hoàn chỉnh khung pháp lý, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đi đôi với cơ chế kiểm soát độc quyền kinh doanh”.

Thực hiện đúng phương châm đó, Thủ tướng đã lãnh đạo Chính phủ lần đầu tiên xây dựng và đưa vào cuộc sống các văn bản pháp quy đặc biệt quan trọng, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, văn kiện Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), văn kiện Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học - công nghệ…

Từng là một trong những người được giao chắp bút soạn thảo Luật Doanh nghiệp 1999, có hiệu lực từ năm 2000 - đạo luật được coi đã cởi trói và mở đường cho sự phát triển kinh tế nói chung, cho sự phát triển của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế nói riêng, nhất là kinh tế tư nhân.

TS. Nguyễn Đình Cung, nhớ lại: “Một số nội dung mới trong luật có thể gây “sốc” cho những đầu óc bảo thủ, chẳng hạn quan điểm “người dân có thể làm bất kể việc gì pháp luật không cấm”, thay vì “người dân chỉ có thể làm những gì được cho phép” đã tồn tại trong thời gian dài trước đó; hoặc “Nhà nước chỉ làm những gì người dân không làm được hoặc không muốn làm”.

31979d276478cf269669-4779.jpg
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải (thứ 4 từ trái sang), TS. Nguyễn Đình Cung (thứ 2 từ trái sang), bà Phạm Chi Lan (thứ 5 từ trái sang).

Dẫn ra nhiều quy định vô lý đến khó tin, vị chuyên gia kỳ cựu nói ở thời điểm trước Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực, muốn hành nghề bán báo lẻ, đánh máy chữ phải có giấy phép hiệu lực trong 3 tháng, tức 3 tháng phải đi xin phép 1 lần. Nhặt kim loại, giấy vụn, vẽ tranh truyền thần cũng phải xin phép…

Rất may mắn, tổ soạn thảo, biên tập Luật Doanh nghiệp được sự ủng hộ quyết liệt của Thủ tướng. Tháng 8-2000, trả lời phỏng vấn của báo chí về những ý kiến phản biện, Thủ tướng Phan Văn Khải thẳng thắn: “Một bộ máy vốn quen với cơ chế xin - cho, quen cấp phép, nay bỏ những cái không cần và gây hại, đương nhiên, không ít người bỡ ngỡ. Theo tôi, phản ứng là điều dễ hiểu”.

Tôi rất hiểu các thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp… Tôi thay mặt Chính phủ cam kết với các bạn rằng, những vụ việc như thế nhất định phải được đối thoại và xử lý kịp thời, tạo thuận lợi đến mức cao nhất cho doanh nghiệp tiến hành sản xuất, kinh doanh. Cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, những phiền hà đó sẽ được loại bỏ dần dần.

Thủ tướng Phan Văn Khải, phát biểu với đại diện doanh nghiệp và nhà khoa học - công nghệ tại Hà Nội, ngày 9-1-1998

Bản lĩnh của người sẵn sàng chịu trách nhiệm

TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ điều ông ấn tượng nhất ở Thủ tướng Phan Văn Khải, không chỉ thúc đẩy việc hoàn thiện luật Doanh nghiệp, còn trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thi hành Luật: “Chỉ trong vòng 58 ngày sau khi luật có hiệu lực thi hành, Thủ tướng đã ký quyết định thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đứng đầu, trong đó bao gồm nhiều “chuyên viên trơn” lúc đó như tôi.

Theo tôi biết, đây là lần đầu tiên có một tổ công tác như vậy. Đây cũng là lần đầu tiên đại diện cộng đồng doanh nghiệp được Chính phủ mời tham gia soạn thảo luật. Nhiều cuộc họp của chúng tôi, Thủ tướng đến để lắng nghe và tranh luận sòng phẳng chứ không phải để phát biểu chỉ đạo. Ông ấy xem xét, ra quyết định rất nhanh. Có lần chúng tôi báo cáo vụ việc chiều hôm trước, sáng hôm sau đã thấy ông ký văn bản xử lý”.

Hơn 20 năm đã trôi qua, ông Cung vẫn nhớ Quyết định 19/2000/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ 84 loại giấy phép trái với quy định của Luật Doanh nghiệp - có thể coi là “Big Bang” trong đời sống kinh tế - xã hội thời điểm đó: “Chúng tôi đề xuất hơn 100 loại, và ông quyết định bãi bỏ tới 84 loại.

Như thế là quyết liệt kinh khủng, bởi vì tước bỏ “quyền hành” của hàng loạt bộ ngành, ngăn chặn cung cách làm việc quan liêu và tệ sách nhiễu của bộ máy công quyền liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chưa bao giờ chúng tôi được làm việc sảng khoái như thế”.

Sự tin tưởng của Thủ tướng Phan Văn Khải đặt vào những chuyên gia không ở trong bộ máy quản lý, nhiều người thậm chí chưa có chức vụ, vị trí quan trọng đã khiến họ tâm phục. Người đứng đầu Chính phủ đã sẵn sàng chấp nhận những rủi ro chính trị rất lớn, khi chấp nhận những đề xuất táo bạo của họ, sẵn sàng đứng mũi chịu sào trước những “mũi dùi” công kích từ các cơ quan bỗng dưng bị mất quyền ban phát xin - cho.

Không chỉ trong công tác xây dựng thể chế, Thủ tướng nhất quán coi trọng, vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân và luôn cầu thị lắng nghe tiếng nói từ những người đang va đập với thực tiễn kinh doanh. Ông đã tổ chức hàng loạt cuộc tiếp xúc, đối thoại thẳng thắn và cởi mở với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tổ chức tại khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp.

“Thủ tướng luôn kiên nhẫn lắng nghe doanh nghiệp trình bày tâm tư, nguyện vọng kiến nghị về các điều kiện, môi trường kinh doanh. Trước mỗi cuộc tiếp xúc, qua đội ngũ tư vấn, tổ công tác, Thủ tướng đều tìm hiểu tình hình môi trường kinh doanh rất kỹ nên nhiều khi quyết đáp ngay tại chỗ cho doanh nghiệp. Ông ấy không đến đấy chỉ để bắt tay hay bày tỏ thiện chí chung chung” - TS. Cung kể lại với sự nể phục sâu sắc.

Ông Phan Văn Khải là “người đàn em” đúng nghĩa của ông Võ Văn Kiệt. Ông Khải đã có một thời gian tương đối dài làm Phó cho ông Kiệt. Và sau này, khi trở thành Thủ tướng, ông thực sự đã cố gắng đi theo đường lối của người tiền nhiệm. Những gì ông Kiệt chưa kịp làm hết thì ông Khải cố gắng làm tốt hơn. Theo đó, ông đã kế thừa những ý tưởng, đường hướng lớn về tư duy kinh tế thị trường, phát triển khu vực tư nhân.

Ví dụ như Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật công ty ra đời năm 1990-1991 bị nhiều hạn chế của thời đại, chỉ cho phép doanh nghiệp tư nhân thành một khu vực hoạt động chính thức và vẫn chịu cơ chế xin cho của Nhà nước, bị hạn chế quyền tự do kinh doanh thì đến thời ông Khải đã ra được Luật doanh nghiệp năm 1999 trả lại quyền kinh doanh cho khu vực này.

Bà PHẠM CHI LAN, Cựu thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 1996-2006

Các tin khác