(ĐTTCO) - Ngân hàng (NH) niêm yết CP không có gì lạ khi trên cả 2 sàn HOSE và HNX đang có gần chục mã CP ngành này. Nhưng nếu NH giao dịch CP tại UPCoM như kế hoạch của NH Quốc Tế (VIB) sẽ có nhiều điều đáng nói.
Tích cực chừng mực?
Tính đến thời điểm 30-9-2016, vốn điều lệ của VIB đạt 4.845 tỷ đồng. Tính sơ tại mức giá 1.0, vốn hóa của VIB cũng đã lên đến 48.450 tỷ đồng, dư sức lọt top 10 vốn hóa trên sàn. Theo dõi giá giao dịch của VIB trên thị trường OTC (dù chỉ mang tính tương đối), CP này được chào mua/bán lên đến 1.5, thậm chí hơn. |
Gần đây, truyền thông đã đăng tải thông tin về việc VIB lưu ký CP của mình với mã CK VIB và có ý định lên UPCoM vào năm 2017. Tính đến thời điểm này, sàn UPCoM mặc dù đón nhận rất nhiều “hàng khủng” từ May Việt Tiến (VGG), đến Vissan (VSN), rồi mới đây là Đường Quảng Ngãi - đơn vị sở hữu thương thiệu sữa đậu nành Vinasoy (QNS)… nhưng tuyệt nhiên vẫn chưa có một NH nào xuất hiện. Và cũng đã lâu lắm rồi người ta mới nghe đến chuyện lên sàn của một NH mà lộ trình có vẻ rõ ràng như trường hợp của VIB, biểu hiện qua việc có mã CK. Cái gì lạ đều tạo ra sự tò mò và những quan điểm, nhận định khác nhau.
Có ý kiến cho rằng đây là điều tất nhiên, bởi lẽ lên UPCoM hay niêm yết là xu hướng tất yếu và không thể chần chừ, doanh nghiệp (DN) nào rồi cũng phải lên, không sớm thì muộn. Mặt khác, một loạt tên tuổi ngành NH từ Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG), BIDV (BID), ACB… đã hiện diện trên sàn rất lâu. Việc lên sàn đã góp phần để các NH này nâng cao vị thế của mình, góp phần quan trọng để huy động vốn, thu hút các NĐT… VIB đi theo con đường lên sàn với mục đích phát triển là điều đáng ghi nhận và phù hợp với xu thế tích cực chung.
Nhưng đồng thời xuất hiện những quan điểm khắt khe hơn đối với việc lên sàn của VIB, đơn cử: Nếu VIB lên UPCoM liệu có nên gọi đây là xu hướng “tiên phong” giao dịch CP tại UPCoM của một NH hay không? Vì rõ ràng đối với UPCoM chỉ là “lên” hoặc “giao dịch” CP, khác hẳn với việc niêm yết, nghĩa là nghĩa vụ công bố thông tin (CBTT) và những ràng buộc với quyền lợi của cổ đông chắc chắn sẽ không so bì được với HOSE hay HNX. Tính đến thời điểm này, nói đến việc lên sàn của NH đồng nghĩa với niêm yết, cho dù NH có quy mô như thế nào đi nữa.
NH được ví như những “huyệt đạo” của nền kinh tế, có vai trò cực kỳ quan trọng, nên việc niêm yết sẽ có ảnh hưởng không chỉ tới bản thân NH, mà còn có tác động đến ngành, ảnh hưởng đến thị trường và thậm chí cả nền kinh tế. Chẳng hạn, NH niêm yết, thu hút NĐT, có điều kiện tăng vốn sẽ ngày một phát triển và góp phần cung ứng vốn cho các DN nhiều hơn.
Hay như NH niêm yết, dữ liệu về ngành sẽ được phân tích, nhận định nhiều hơn, kỹ hơn. Tất nhiên, quyền giao dịch tại UPCoM hay niêm yết là do cổ đông của NH biểu quyết, và giao dịch tại UPCoM không có nghĩa là mức độ minh bạch kém hơn, hay thiếu trách nhiệm với cổ đông. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào diễn biến của CP NH trên sàn sẽ thấy mức độ phân hóa giữa các NH là không hề nhỏ.
VIB đủ mọi điều kiện niêm yết, nhưng chỉ chọn UPCoM. |
Thận trọng thái quá
Việc so sánh, định giá luôn có tính tương đối, tuy nhiên có một quy luật vốn đã tồn tại trên sàn CK từ khá lâu, liên quan đến vị thế của các NH: Bất cứ NH nào thương hiệu lớn, được ưa chuộng và quy mô hàng đầu đều có thị giá cao. Đó là 1 trong những lý do khiến VCB có thị giá cao nhất trong nhóm NH nhiều năm qua và CP này hiện cũng nằm trong top 3 CP có vốn hóa lớn nhất trên thị trường (128.000 tỷ đồng). Ngược lại, cũng có những CP thời gian niêm yết 5-10 năm, tức NĐT đã nhẵn mặt, và được soi sét rất kỹ lưỡng nhưng giá thậm chí ở mức dưới mệnh giá 1.0.
Giả sử VIB lên UPCoM, sự đánh giá của thị trường sẽ như thế nào? Trước nhất về mặt thông tin tại UPCoM, dù không quy định chặt như niêm yết nhưng nếu VIB “có tâm” CBTT tích cực như các NH niêm yết, đó là điều tích cực vì NĐT có thêm một món hàng mới lại có cơ hội đánh giá kỹ lưỡng. Nhưng VIB không làm như vậy cũng... chẳng sao, vì quy định của UPCoM không như vậy.
Nhưng nên nhớ rằng, sự đánh giá, chọn lọc CP đôi khi sẽ đi từ những địa chỉ dễ nhất, thuận lợi nhất, nghĩa là trên sàn đầy rẫy hàng hóa, CBTT liên tục, nhiều báo cáo phân tích, liệu có cần lặn lội đến UPCoM không? Dĩ nhiên rủi ro lớn thường đi kèm với lợi nhuận cao, nhưng đâu phải ai cũng thích hay cần đánh đổi rủi ro lấy lợi nhuận.
Như vậy, cùng một sàn niêm yết đã có những sự phân hóa nhất định, vậy liệu giữa niêm yết và UPCoM, CP NH có tiếp tục phân hóa hay không? Điều này có thể không, cũng có thể có vì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ nhu cầu của NĐT, diễn biến thị trường, việc ứng xử của các NH.
Với VIB, tất cả đến lúc này vẫn là kế hoạch, nhưng nhìn vào thực lực của NH này, giả dụ ý định là chọn lựa UPCoM, không ít người sẽ có chung câu hỏi: Đủ chuẩn niêm yết, sao lại lên UPCoM? Ngoài ra, VIB cũng là một thương hiệu khá nổi bật trong các NH, một thời NH này là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu. VIB cũng có cổ đông chiến lược ngoài cách đây khá nhiều năm.
Đến đây, một câu hỏi khác lại được đặt ra, với thực lực như vậy, nếu VIB chọn đường lên UPCoM, dù chỉ là chuẩn bị để niêm yết, phải chăng NH này đang quá thận trọng? Thận trọng cũng là điều tích cực, nhưng đôi khi thái quá có thể bị mất cơ hội, thậm chí tạo ra suy nghĩ về một sự tự ti.