Phiên giao dịch cuối tuần qua, hơn 158 triệu CP VIC phát hành thêm đã chính thức được giao dịch trên sàn HOSE. Đây là cột mốc đánh dấu việc hoàn tất thương vụ chuyển đối CP lớn nhất trong năm 2011 giữa CTCP Vinpearl (VPL) và CTCP Vincom (VIC).
Nếu các thương vụ chuyển đổi trước như trường hợp HT1 với HT2 hay NKD với KDC diễn ra không mấy suôn sẻ do giá CP liên tục suy giảm, thì ngược lại giá CP VIC không rơi vào tình trạng NĐT bán tháo. Thực tế, trong phiên giao dịch ngày 3-2, dù số lượng CP được niêm yết thêm rất lớn nhưng giá CP VIC vẫn giữ được ở mức cao “chót vót” 114.000 đồng/CP.
Không chỉ thành công với việc giữ giá trong bối cảnh thị trường đang rất xấu, tốc độ thực hiện thương vụ chuyển đổi của VIC cũng có thể xem như kỷ lục của TTCK Việt Nam.
Thông thường, thời gian để hoàn tất việc hoán đổi CP trong mỗi thương vụ sáp nhập thường kéo dài ít nhất 1 năm, nhưng trường hợp của VIC hoàn toàn ngược lại. Với sự tư vấn của CTCK Bảo Việt, thương vụ sáp nhập này được hoàn tất chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng.
Điều này cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ và chuyên nghiệp của doanh nghiệp lẫn đơn vị tư vấn là yếu tố cơ bản mang lại thành công cho thương vụ. Có thể nói việc sớm hoàn tất việc hoán đổi CP của VIC đã đảm bảo được lợi ích tối đa cho cổ đông, đảm bảo cho doanh nghiệp sớm ổn định cơ cấu tổ chức, bộ máy để vận hành theo mô hình mới.
Khu du lịch giải trí Vinpearl. Ảnh: LÃ ANH |
Theo công bố trước đó, lý do sáp nhập 2 CTCP này do mảng bất động sản của VIC và mảng kinh doanh khách sạn của VPL có mối liên hệ mật thiết nên sáp nhập sẽ giúp củng cố và tạo điều kiện thuận lợi cho cả 2 mảng kinh doanh này.
VIC là công ty bất động sản lớn nhất tại các khu vực trung tâm với các dự án căn hộ hay dự án tổ hợp quy mô lớn ở cả Hà Nội và TPHCM. Trong đó diện tích cho thuê kinh doanh thương mại từ trung đến cao cấp là phần quan trọng của hầu hết tòa nhà của VIC.
Bên cạnh đó, mảng kinh doanh căn hộ cũng đem lại doanh thu lớn cho VIC. Trong khi đó, VPL là công ty kinh doanh khách sạn hàng đầu với 3 khu nghỉ dưỡng/khách sạn đang hoạt động và 4 khu nghỉ dưỡng (sân golf, biệt thự và khách sạn time-share) đang được xây dựng. VPL phấn đấu đưa 10 khu nghỉ dưỡng/khách sạn vào hoạt động trong 5 năm tới.
Từ vài năm gần đây, VIC và VPL đã tiến hành đầu tư chéo cũng như giữ cổ phần tại các dự án bất động sản của nhau. Đây cũng chính là nguyên nhân tạo nên thương vụ sáp nhập này. Chẳng hạn, VIC giữ 24% cổ phần Vinpearland Hội An (công ty con của VPL chuyên phát triển một khu nghỉ dưỡng tại Hội An, Quảng Nam) và gần đây đã bán số cổ phần này. VPL cũng sở hữu 20% của Green City và đã bán số cổ phần này cho VIC.
Theo giới phân tích, việc sáp nhập này sẽ giúp tập trung quyền sở hữu dưới danh nghĩa một pháp nhân. Tập đoàn này cũng cho rằng việc hợp nhất cơ cấu sở hữu sẽ giúp NĐT có thể cùng lúc tham gia vào tất cả phân khúc lớn trong thị trường bất động sản.
Trên thực tế, sau khi sáp nhập, VIC sẽ có vốn điều lệ 5.493 tỷ đồng với tổng vốn hóa đạt khoảng 62.080 tỷ đồng, tương đương khoảng 3 tỷ USD.
Như vậy, sau khi sáp nhập VIC đã trở thành một trong những CP có mức vốn hóa lớn hàng đầu trên TTCK Việt Nam. Đồng thời, VIC đã đổi tên thành CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (Vingroup JSC hay còn gọi là Vingroup) và trở thành một doanh nghiệp hoạt động đa ngành trên các lĩnh vực trong ngành bất động sản, gồm bất động sản thương mại, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch, khách sạn, vui chơi giải trí tại các vị trí đắc địa.
Khi hoạt động thống nhất với pháp nhân mới, Vingroup JSC sẽ tập trung phát triển 4 nhóm thương hiệu chiến lược, gồm Vincom (bất động sản), Vinpearl (du lịch - giải trí), Vincharm (chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe) và Vinmec (dịch vụ y tế chất lượng cao).