Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục có những chuyến công tác vào TPHCM và các tỉnh phía Nam để chỉ đạo công tác chống dịch. Việc TPHCM phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là một trong những sự kiện được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm và chia sẻ. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mỗi năm có 52 tuần, có thể hy sinh 2 tuần để đổi lại 50 tuần bình yên. Vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị TPHCM quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ chống dịch, vì vậy các thủ tục đã giảm 2/3.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến khích TPHCM cứ mạnh dạn làm, quan trọng là dứt khoát không để bỏ sót, với tư tưởng chăm lo, không để người dân thiếu ăn thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm và đảm bảo bình đẳng khi tiếp cận các gói hỗ trợ. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị TPHCM thành lập các trung tâm cứu trợ, tổ chức đường dây nóng và thông qua công nghệ, mạng xã hội để nắm bắt các khó khăn của người dân, những người yếu thế. Đồng thời, tổ chức các xe hàng lưu động vào tận các ngõ hẻm, đường phố gặp khó khăn để phục vụ nhân dân từng khu phố, tổ dân cư.
Sự gợi ý của người đứng đầu Chính phủ rõ ràng đã mở đường cho đô thị lớn nhất phương Nam được triển khai “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Mỗi ngày, TPHCM đóng góp cho ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng. Như vậy, hy sinh 2 tuần thì TPHCM hoàn toàn có thể chi ra số tiền khoảng 14.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân đang vất vả chịu cảnh phong tỏa. Cao điểm chống dịch hạn chế người dân ra khỏi nhà. Vì vậy, những đối tượng lao động tự do sẽ mất thu nhập.
Họ là những người bán hàng rong, tài xế xe ôm, bán vé số dạo… Họ vốn không có khoản tiền dành dụm, hoặc nếu có cũng đã dè sẻn chi tiêu hết trong suốt thời gian virus corona thâm nhập vào Việt Nam hơn một năm qua. Hỗ trợ những người nghèo vượt qua gieo neo, thì chắc chắn cuộc chiến đẩy lùi Covid-19 cũng sẽ thành công như mong đợi.
Về công tác hỗ trợ người nghèo chống dịch, năm ngoái Chính phủ từng có gói 62.000 tỷ đồng. Sau hơn một năm triển khai, tính đến cuối tháng 5-2021 đã có gần 13,2 triệu người nhận được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt trích từ ngân sách nhà nước. Trong đó hơn 11,9 triệu người có công, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách nhận hỗ trợ gần 11.800 tỷ đồng.
Với nhóm lao động có hợp đồng phải hoãn, nghỉ việc không lương, bị chấm dứt hợp đồng hoặc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, chính sách đã hỗ trợ gần 229.000 người với tổng kinh phí trên 258 tỷ đồng. Với nhóm lao động tự do như người bán hàng rong, xe ôm không có hợp đồng lao động bị mất việc làm, đã hỗ trợ được hơn 1 triệu người với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng; hơn 37.000 hộ kinh doanh tạm đóng cửa đã hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng.
Giải thích lý do việc giải ngân hơi chậm chạp đối với gói 62.000 tỷ đồng, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội cho rằng do gói hỗ trợ "chưa từng có tiền lệ", nhóm hỗ trợ rộng, thuộc mọi thành phần kinh tế, trong khi chỉ có 2 - 3 tuần để nghiên cứu, ban hành chính sách ngay, khiến quá trình đánh giá tác động và lấy ý kiến góp ý chưa thực sự đầy đủ, chưa sát thực tiễn khiến người lao động khó tiếp cận. Bên cạnh đó, việc Việt Nam nhanh chóng khống chế được dịch bệnh cũng khiến gói hỗ trợ không phải giải ngân hỗ trợ...
Bây giờ, Chính phủ tiếp tục triển khai Nghị quyết 68 về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Lao động tự do không còn nhận hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách với mức tối đa 1 triệu đồng/người/tháng kéo dài không quá 3 tháng như trước đây. Thay vào đó, các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể, khả năng ngân sách địa phương để xác định người được hưởng và mức hỗ trợ cụ thể, song không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người hoặc 50.000 đồng mỗi ngày.
Với tư cách Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, ông Đào Ngọc Dung chia sẻ: “Tinh thần là phải rà soát, mạnh dạn cắt bỏ 60% thủ tục rườm rà, không cần thiết. Chấp nhận rủi ro, cứ mạnh dạn cắt giảm, làm sao tiền hỗ trợ nhanh nhất đến được người dân. Người dân đang điêu đứng, đói khổ vì Covid-19. Nếu có sai cũng là để cho người dân nhanh được hỗ trợ, đừng vì thủ tục chặt chẽ, rườm rà mà kéo dài thời gian nữa…
Cần thiết lập ngay 3 số điện thoại đường dây nóng tại văn phòng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Thanh tra bộ để tiếp nhận, giải quyết các vấn đề liên quan đến gói hỗ trợ lần này. Văn phòng bộ cần tổng hợp kết quả hàng ngày, hàng tuần để báo cáo bộ trưởng, nếu có vướng mắc gì sẽ giải quyết ngay”.
Nghị quyết 68 mở rộng đối tượng được hỗ trợ cho nhiều ngành nghề, trong đó có cả giáo viên mầm non (kể cả trường công và tư thục), nghệ sĩ trong đơn vị nhà nước và hướng dẫn viên du lịch đều được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt. Lao động nữ phải hoãn, ngừng, nghỉ việc không lương hoặc mất việc đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi hoặc mang thai còn được nhận thêm 1 triệu đồng ngoài các chính sách đã được hỗ trợ theo quy định.
Thay vì được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng như gói hỗ trợ trước, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương sẽ được hỗ trợ một lần với mức 1,855 triệu đồng/người nếu nghỉ việc từ 15 ngày đến dưới 1 tháng, hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người nếu nghỉ việc từ 1 tháng trở lên. Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng lao động được hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người/lần duy nhất…
Không chỉ vận dụng Nghị quyết 68, Hội đồng Nhân dân TPHCM còn đưa ra nghị quyết riêng để tăng cường hỗ trợ người nghèo trong bối cảnh phong tỏa. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng người nghèo tại TPHCM kiệt sức lắm rồi. Lao động tự do trong tháng 6-2021 còn loay hoay kiếm việc, nay phải ngồi yên cho chính quyền chống dịch. Nên sự hỗ trợ nhanh nhất có thể, bớt thống kê, bớt thủ tục sẽ hữu ích và hợp đạo lý hơn. Phải tận dụng các hội đoàn, tổ chức xã hội, những người từng có kinh nghiệm và lăn lộn với lực lượng này trong thời gian qua.
Họ cũng là những người âm thầm hỗ trợ các suất ăn thiện nguyện cho những người lao động tự do bị mất việc. Nếu tận dụng được nhóm này, họ có thể giúp thống kê khu vực họ giúp, đặc biệt đối với người không giấy tạm trú, tạm vắng, sống nay đây mai đó, nhưng có đóng góp cho TPHCM trong thời gian qua… Điều đó rất quan trọng và chính sách trọn vẹn tính nhân văn, hiệu quả hơn.
Để người nghèo không bị đứt bữa, thì lương thực là bài toán cần đáp số đầu tiên. TPHCM đã cấp mã vận tải hàng hóa cho 2.800 xe vận tải ra vào các cảng, khu công nghiệp, chủ động phân luồng xanh, điều tiết từ xa bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt. TPHCM cũng chủ động khai trương lại “siêu thị mini 0 đồng” tại 6 điểm cung cấp nhu yếu phẩm cho khoảng 16.000 người nghèo. Bên cạnh đó, TPHCM cũng quyết tâm không để bất kỳ người dân nào, trong đó cả những người không thuộc 6 nhóm đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết 09/NQ-TPHCM bị thiếu đói trong thời gian giãn cách xã hội.
TPHCM là trung tâm kinh tế của cả nước. Ở đó, có những người ngụ cư với hàng trăm nghề lao động tự do khác nhau, không chỉ góp phần tạo nên sức sống cho một thị trường năng động, mà họ còn cưu mang nhiều mảnh đời thân nhân nơi quê nhà của họ. Hy sinh 2 tuần ngưng đọng tại TPHCM, đừng ngần ngại sử dụng nguồn lực tài chính chăm lo cho những mảnh đời khốn khó, để họ tin yêu cùng TPHCM và cả nước vun đắp 50 tuần bình yên như ý muốn của Thủ tướng Phạm Minh Chính.