Vốn mỏng
Những năm gần đây, hệ thống NHTM Việt Nam đã lao vào cuộc đua tăng vốn khốc liệt hướng đến áp dụng Basel II theo lộ trình Chính phủ và NHNN ấn định. Trước làn sóng tăng vốn ồ ạt của các nhà băng, từ năm 2011-2018 Viet Capital Bank lại liên tục duy trì vốn điều lệ đúng bằng mức pháp định 3.000 tỷ đồng. Trong thời gian này NH cũng có kế hoạch tăng vốn nhưng không thành công.
Cụ thể năm 2016, Viet Capital Bank được NHNN chấp thuận kế hoạch tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, thông qua phát hành 100 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 3:1. Song giữa năm 2017, trong báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, NH này cho biết chưa thể tiến hành tăng vốn vì nhu cầu góp vốn mới của cổ đông lớn và các cổ đông khác không khả quan.
Khách hàng giao dịch tại Viet Capital Bank.
Tại ĐHCĐ năm 2018, Viet Capital Bank lại thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng. Theo đó, NH sẽ phát hành 20 triệu cổ phần với tỷ lệ 15:1 cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn lên 3.200 tỷ đồng. Nguồn vốn này được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.
Tiếp theo, NH sẽ tiếp tục phát hành 50 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 6:1 để nâng vốn điều lệ lên 3.700 tỷ đồng. Nhưng ghi nhận vào cuối năm 2018, vốn điều lệ không tăng được như dự kiến. Năm 2019, nhà băng này không nhắc đến kế hoạch tăng vốn, tuy nhiên báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý II cho thấy vốn điều lệ có điều chỉnh nhẹ, ở mức 3.171 tỷ đồng.
Hiện Viet Capital Bank chỉ nổi bật là NH huy động lãi suất cao với mức lãi suất huy động thông thường cao nhất lên đến 8,6%/năm. Gần đây, NH còn phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 10,2%/năm, ngay sau đó đã bị NHNN đã tuýt còi.
Diễn biến huy động này cũng cho thấy Viet Capital Bank hiện đang tập trung cao độ vào vấn đề đảm bảo thanh khoản. Ngược lại, đến thời điểm này vẫn chưa thấy có phương án tăng vốn điều lệ nào được đưa ra. Chưa có kế hoạch tăng vốn nhưng lại muốn sớm áp dụng Basel II là việc khá mâu thuẫn tại NH này.
Chưa đủ độ minh bạch
Chưa đủ độ minh bạch
Kết thúc nửa đầu năm 2019, Viet Capital Bank đã công bố BCTC. Tuy nhiên, báo cáo này lại thể hiện những thông tin cơ bản, còn tình hình cụ thể, chi tiết các khoản mục hoạt động không được đề cập. Theo BCTC hợp nhất quý II đã kiểm toán, thu nhập lãi thuần 6 tháng đạt 418,9 tỷ đồng. Mảng dịch vụ và hoạt động khác có mức tăng 185% và 739%, lần lượt đạt 28,3 tỷ đồng và 19,3 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư giảm mạnh 42% và 44%, chỉ đạt 19,6 tỷ đồng và 21,6 tỷ đồng. Trong khi chi phí hoạt động tăng 26% so với cùng kỳ, đạt gần 414 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế cũng chỉ đạt 47,8 tỷ đồng, còn khoảng cách rất lớn so với mục tiêu lợi nhuận 205 tỷ đồng cho cả năm 2019.
Cũng theo BCTC, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 6 tháng đầu năm 2019 của NH giảm mạnh 61%, chỉ trích lập 46 tỷ đồng so với 117,9 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Trên BCTC hợp nhất quý II do NH công bố không có phần thuyết minh hoạt động. Vì vậy, không thể nắm được các thông tin về phân loại nợ cũng như nợ xấu, nên chưa xác định được NH chủ động giảm trích lập dự phòng hay do nợ xấu giảm.
Mới đây, NH cũng công bố BCTC hợp nhất bán niên 2019 được KPMG kiểm toán, khi xin NHNN áp dụng sớm Basel II và tiến hành niêm yết giao dịch trên UPCoM ngày 16-9 vừa qua. Song BCTC đã kiểm toán khá sơ sài, không bổ sung phần thuyết minh các khoản mục.
Đáng chú ý, KPMG nêu trong báo cáo: “Công việc soát xét thông tin tài chính giữa niên độ bao gồm việc thực hiện các cuộc phỏng vấn, chủ yếu là phỏng vấn những người chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính kế toán, thực hiện thủ tục phân tích các thủ tục soát xét khác.
Một cuộc soát xét về cơ bản có phạm vi hẹp hơn một cuộc kiểm toán được thực hiện theo các Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam, do vậy không cho phép đạt được sự đảm bảo sẽ nhận biết được tất cả vấn đề trọng yếu có thể được phát hiện trong cuộc kiểm toán”. Theo đó, KPMG không đưa ra kết luận về BCTC, nhưng lưu ý người đọc đến các thuyết minh liên quan tới việc trích lập bổ sung dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) phát hành.
Trong Basel II ngoài trụ cột 1 là yêu cầu về vốn tối thiểu, trụ cột 2 là rà soát giám sát, còn có một trụ cột quan trọng thứ 3 là yêu cầu các NH công khai thông tin định tính và định lượng, tập trung vào các thông số quan trọng của hồ sơ kinh doanh của họ, nguy cơ rủi ro và quản lý rủi ro.
Đây được xem như là điều kiện tiên quyết cho tính hiệu quả hoạt động của nguyên tắc thị trường NH. Nhưng một BCTC bán niên chỉ đáp ứng được các yêu cầu về công bố thông tin, khuyết phần thuyết minh chi tiết các khoản mục đặt ra vấn đề về sự minh bạch thông tin của nhà băng này.
Trước đó BCTC hợp nhất năm 2018 cũng được công bố với hình thức tương tự. Đặt trong ngữ cảnh đó, điều kiện để nhà băng này áp dụng sớm Basel II rõ ràng còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, sau khi Viet Capital Bank công bố đã nộp hồ sơ lên NHNN xin chấp thuận về việc áp dụng Basel II sớm hơn dự kiến, đã thu hút sự chú ý của nhà đầu tư đón xem về cách thức triển khai của NH này.
Đến thời điểm này vẫn chưa thấy có phương án tăng vốn điều lệ nào được đưa ra. Chưa có kế hoạch tăng vốn nhưng lại muốn sớm áp dụng Basel II là việc khá mâu thuẫn tại NH này. |