Ngày 14-11, tại TPHCM, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức hội thảo "Đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm thực phẩm Halal”.
Thị trường Hồi giáo hiện có khoảng trên 2 tỷ người, chiếm khoảng 25% tổng dân số toàn cầu. Đặc biệt, người dân theo đạo Hồi chiếm số đông ở khu vực châu Á, nhất là trong khối ASEAN.
Những năm qua, nhu cầu đối với các sản phẩm Halal ngày càng gia tăng và đang trở thành xu hướng toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.
Theo đánh giá, Việt Nam đã nằm trong Top 20 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới và là một trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, đồng thời là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, khu vực và liên khu vực đã được ký kết…
Tuy nhiên, xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Năng lực xuất khẩu Top 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20-30 nước cung cấp thực phẩm Halal toàn cầu.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết được cơ hội do gặp phải một số khó khăn nhất định đối với sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal như chi phí đầu tư cao, thông tin về văn hóa thị trường Halal, tiêu chuẩn Halal chưa nhiều...
Để sản phẩm Halal của doanh nghiệp có thể xuất khẩu sang các nước Hồi giáo, theo Cục Xúc tiến thương mại, điều quan trọng là phải lựa chọn tổ chức chứng nhận Halal uy tín và được công nhận quốc tế. Một số tổ chức chứng nhận Halal tại Việt Nam tuy có thể cung cấp dịch vụ chứng nhận, nhưng nếu không được công nhận bởi các tổ chức quốc tế, chứng nhận của họ sẽ không có giá trị khi xuất khẩu vào nhiều nước Hồi giáo.
Chứng nhận từ một tổ chức không uy tín có thể khiến sản phẩm của doanh nghiệp bị từ chối nhập khẩu hoặc phải trải qua quá trình kiểm định bổ sung, gây lãng phí thời gian và chi phí.
Để tránh những rủi ro này, doanh nghiệp cần chọn các tổ chức chứng nhận Halal đã được công nhận bởi các cơ quan Halal hàng đầu như Bộ Phát triển Hồi giáo Malaysia (Jakim), Cơ quan tổ chức đảm bảo sản phẩm Halal của Indonesia (BPJPH), Bộ Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến (MoIAT) UAE... hoặc các tổ chức uy tín khác được chấp nhận tại các nước Hồi giáo.
Hiện nay, tại Việt Nam mới chỉ có 1 tổ chức được công nhận quốc tế bởi các tổ chức Hồi giáo nêu trên là Văn Phòng Chứng nhận Halal HCA Việt Nam.
Tháng 2-2023, Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Đây là đề án đầu tiên có ý nghĩa quan trọng, đưa ra định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu, hiệu quả vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu.