Việt Nam - Điểm đến của nhiều tập đoàn lớn

(ĐTTCO)- Nhiều tập đoàn lớn tiếp tục chọn Việt Nam để đầu tư. Tuy nhiên các tập đoàn lớn đã cẩn trọng và kỹ lưỡng hơn trong quá trình xem xét, quyết định đầu tư.
Cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt trong bối cảnh các tập đoàn lớn đang định hình lại chuỗi sản xuất. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt trong bối cảnh các tập đoàn lớn đang định hình lại chuỗi sản xuất. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Thu hút đầu tư chất lượng cao

Kinh tế thế giới suy giảm, cùng với những biến động khó lường khiến dòng vốn đầu tư toàn cầu sụt giảm. Việt Nam không nằm ngoài sự ảnh hưởng này, nhưng tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 5 tháng vẫn tăng trên 10% so với 4 tháng đầu năm.

Cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt trong bối cảnh các tập đoàn lớn đang định hình lại chuỗi sản xuất. Vì vậy, thời điểm này các dự án đầu tư chất lượng cao cần được sàng lọc, phù hợp với ưu tiên của Việt Nam.

Cách đây 5 năm, nhà đầu tư Hoa Kỳ khởi đầu với mô hình liên doanh để tìm hiểu cách thức hoạt động sản xuất. Hiện một doanh nghiệp độc lập đã được thành lập. Đầu năm sau, một dự án quy mô 40 triệu USD, mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp xe máy phân khối lớn sẽ đi vào hoạt động.

"Dự án mới, ngoài xe thành phẩm, chúng tôi còn đầu tư một dây chuyền để lắp ráp động cơ. Việc lắp ráp này giúp giảm việc phải nhập khẩu động cơ từ Mỹ. Chúng tôi còn cung cấp cho thị trường châu Á và châu Âu", bà Đoàn Thị Vân Anh, Giám đốc tài chính, Công ty Polaris Việt Nam, cho biết.

Với lợi thế là một trong những trung tâm công nghiệp lớn về cơ khí ô tô - xe máy, tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng thu hút các dự án có quy mô đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chất lượng cao, qua đó giúp tỉnh qua nửa đầu năm nay, đã thu hút 300 triệu USD vốn FDI, bằng 75% mục tiêu cả năm.

"Chúng tôi định hướng rõ ràng Vĩnh Phúc phải là một trung tâm phát triển ô tô - xe máy và công nghiệp ô tô - xe máy của cả nước. Chính vì vậy các ngành nghề lĩnh vực xoay quanh trục này để phát triển tạo nên giá trị gia tăng tốt hơn và đặc biệt là hỗ trợ nhau trong hệ sinh thái", ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận định.

Thực tế, không dễ để tách bạch chọn lọc dự án theo tiêu chí về vốn hay công nghệ khi các doanh nghiệp vệ tinh đa phần là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nằm trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn. Theo báo cáo PCI 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp FDI có vốn siêu nhỏ từ 1 - 3 tỷ đồng chiếm tới 22,5%.

Việt Nam là điểm đến của các tập đoàn lớn

Nhiều tập đoàn lớn có chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam để đầu tư, như việc Apple công bố sự kiện ra mắt cửa hàng trực tuyến cho thị trường Việt Nam; hay Boeing mở văn phòng đại diện tại Hà Nội, hướng tới đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không bền vững ngay tại Việt Nam.

Tới đây, khu công nghiệp VSIP III Bình Dương là khu công nghiệp thông minh và bền vững đầu tiên của Sembcorp tại Việt Nam. Với diện tích năng lượng mặt trời tại chỗ rộng 50 ha, mang lại lợi ích về độ tin cậy và tính bền vững của lưới điện cho các đối tác công nghiệp lớn, trong đó có nhà sản xuất đồ chơi Đan Mạch LEGO Group.

"Chúng tôi tập trung vào việc mở rộng danh mục đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam, phù hợp với mục tiêu khí hậu của Việt Nam. Có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh doanh tương ứng với quá trình chuyển đổi năng lượng này khi chuỗi cung ứng đang mở rộng", ông Koh Chiap Khiong, Tổng Giám đốc phụ trách Singapore và Đông Nam Á, Sembcorp Industries, thông tin.

Trong bối cảnh dòng vốn FDI đang hướng đến phát triển bền vững, củng cố chuỗi cung ứng dài hạn, việc hoàn thiện hạ tầng, công nghệ mới, chuỗi sản xuất giảm phát thải là những bài toán cấp bách được đặt ra giữa Việt Nam với các đối tác lớn như: Singapore, Hoa Kỳ, Hàn Quốc.

"Trong thập kỷ qua, các doanh nghiệp đã tích hợp tính bền vững vào hoạt động kinh doanh. Một chiến lược bền vững mạnh mẽ, cùng với chính sách hiệu quả đóng vai trò quan trọng, giúp các doanh nghiệp đạt được các mục tiêu về khí hậu và đầu tư lâu dài tại Việt Nam", ông Lim Boon Heng, Chủ tịch Temasek Holdings, Ban cố vấn Diễn đàn Quản trị cấp cao Việt Nam - Singapore, nhận định.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bình quân trong những tháng đầu năm số lượng dự án đầu FDI vào Việt Nam không chững lại mà vẫn tăng khoảng 19% và tổng vốn đã đạt 10,86 tỷ USD. Tuy nhiên các tập đoàn lớn đã cẩn trọng và kỹ lưỡng hơn trong quá trình xem xét, quyết định đầu tư đòi hỏi cải cách môi trường đầu tư kinh doanh hơn nữa.

Các tin khác