PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về những kết quả đạt được trong quan hệ thương mại giữa 2 nước?
Ông HONG SUN: - Kể từ khi thiết lập ngoại giao, Hàn Quốc và Việt Nam đã cùng nhau viết lên những trang sử hợp tác thành công, trở thành đối tác tin cậy hàng đầu trên lĩnh vực thương mại và đầu tư. Nhìn lại kết quả hợp tác sau 30 năm, có thể nói kinh tế là thành tựu lớn nhất trong hợp tác 2 bên.
Giao dịch thương mại giữa 2 nước trong năm đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao chỉ đạt 500 triệu USD (1992), nhưng sau gần 30 năm, con số này đã tăng lên 78 tỷ USD vào năm 2021, dự kiến đạt 100 tỷ USD vào năm tới (2023). Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, ngược lại Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc.
Có điều rất thú vị, là lâu nay dư luận chỉ nói đến các DN Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, nhưng thực tế đang có rất nhiều DN Việt Nam đầu tư vào Hàn Quốc. Có được những thành quả nêu trên nhờ sự quyết tâm của lãnh đạo cấp cao và Chính phủ 2 nước, sự nỗ lực không ngừng của DN cũng như vai trò kết nối của Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam.
- Dòng vốn đầu tư của DN Hàn Quốc vào Việt Nam hiện đang tập trung vào lĩnh vực nào, thưa ông?
- DN Hàn Quốc đã có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, từ may mặc đến điện tử, hạ tầng, năng lượng, ô tô, hàng không vũ trụ, bất động sản, tài chính ngân hàng, start up đến cổ phần hóa DNNN, logistics và dịch vụ. Tôi cho rằng, giai đoạn tiếp theo sẽ có bước chuyển dịch và không đơn thuần là đầu tư trực tiếp, mà tập trung cho đầu tư gián tiếp, do nguồn vốn tại Hàn Quốc đang dư thừa với chi phí vốn tương đối thấp.
Các công ty Hàn Quốc đã góp vốn mua cổ phần tại rất nhiều công ty Việt Nam, như SK Group đầu tư 1 tỷ USD vào Tập đoàn Vingroup và 470 triệu USD vào Tập đoàn Masan, hay KEB Hana Bank mua lại 15% vốn điều lệ của Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV)…
Cho đến nay, đã có 16 công ty tài chính là thành viên của Hiệp hội Tài chính (KOFIA) đang hoạt động ở Việt Nam trong lĩnh vực mua bán cổ phiếu, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh…, với tổng đầu tư lên tới hàng tỷ USD. Các tập đoàn Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam ngày càng nhiều trong lĩnh vực tài chính nhằm cung cấp dịch vụ cho các DN Hàn và tập đoàn lớn của Việt Nam, nhờ mạng lưới khách hàng rộng lớn tại Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới. Đây đều là các tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh tại Hàn Quốc, có khả năng huy động vốn với giá thấp.
Vì vậy, tài chính - ngân hàng là lĩnh vực được dự báo đón làn sóng đầu tư mạnh từ Hàn Quốc trong thời gian tới, với việc hỗ trợ tài chính cho phương án hơn 9.000 DN Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các DN Hàn Quốc sẽ đầu tư mạnh trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), khi Chính phủ Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý lĩnh vực này.
- Ông có kiến nghị gì để Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thuận lợi hơn?
- Hàn Quốc có thế mạnh về công nghệ cao, trong khi Việt Nam đang hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, cũng như tạo hành lang môi trường kinh doanh hấp dẫn cho DN trong nước và nước ngoài. Bởi vậy, DN Hàn Quốc sẵn sàng hợp tác với Việt Nam về chuyển đổi số, an ninh mạng, công nghệ sinh học.
Ở hướng ngược lại, tại Việt Nam một số DN có vị thế lớn cũng muốn mở rộng đầu tư sang Hàn Quốc khi thấy có thị trường tiềm năng và cơ hội phát triển kinh doanh. Đơn cử, trong ngành dịch vụ ăn uống, do sự khác biệt ẩm thực nhưng DN Việt Nam hoàn toàn có thể đầu tư thành công tại Hàn Quốc. Các sản phẩm nông nghiệp hay thực phẩm khô, tươi sống, trái cây đông lạnh có thể là lĩnh vực tốt để đầu tư xuất khẩu và phân phối tại Hàn Quốc.
Tôi mong Chính phủ Việt Nam tiếp tục có những cải cách về thủ tục hành chính, chính sách pháp luật đối với nhà đầu tư, chuyên gia và lao động người Hàn đến đầu tư và làm việc tại Việt Nam, như chính sách về cấp visa, thẻ tạm trú, giấy phép lao động cho người nước ngoài.
- Ông đánh giá thế nào sau sự kiện chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Hàn Quốc vừa qua?
- Chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mối quan hệ 2 nước. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã ra thông báo chung, nhất trí nâng cấp quan hệ song phương 2 nước lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Như vậy, mối quan hệ đã được nâng cấp lên tầm cao mới chỉ sau 10 năm kể từ khi 2 bên thống nhất nâng cấp lên thành đối tác chiến lược nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ (1992-2012).
Vì vậy, 2 nước đều mở rộng mọi quan hệ và quy mô về kinh tế, văn hóa, xã hội và các lĩnh vực khác, trong đó kinh tế là trụ cột. Trong kinh tế, vai trò của các DN sẽ mang lại sự phồn thịnh, giải quyết vấn đề tăng trưởng, việc làm, giữ vững ổn định vĩ mô và luật ngân sách.
Trong thời gian tới, cùng với việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ DN Hàn Quốc đầu tư và mở rộng quy mô đầu tư vào Việt Nam, tiềm năng hợp tác giữa 2 nước còn rất lớn. 2 bên sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
- Xin cảm ơn ông.
Việt Nam đã và sẽ là trọng tâm của làn sóng đầu tư của Hàn Quốc ở Đông Nam Á. Sự hợp tác của 2 nước đã trở thành một trong những mô hình mẫu mực trên thế giới về hợp tác kinh tế chặt chẽ.