Như vậy, với 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được coi là “khó báu thiên nhiên” trong giai đoạn 2000-2021, Việt Nam đã trở thành quốc gia có số lượng khu dự trữ sinh quyển thế giới đứng thứ 2 Đông Nam Á. Đây là những khu vực có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao, có tiềm năng trở thành các mô hình phát triển bền vững.
Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam còn được cộng đồng quốc tế xem là nơi giữ gìn nguồn sống, dự trữ cả tương lai sinh tồn và sự phát triển cho quốc gia sở hữu; gắn kết giữa con người và thiên nhiên – nơi có thể áp dụng những kiến thức tích lũy được trong quá trình nghiên cứu vào việc bảo tồn và phát triển của xã hội hiện tại và tương lai.
20 năm gìn giữ “tương lai sinh tồn”
Được thiên nhiên ưu ái cho cảnh quan tươi đẹp, hệ thống động thực vật đa dạng, phong phú cả về số lượng và chủng loại, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam (nằm trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới) vào ngày 21/1/2000. Đây cũng là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam được UNESCO ghi danh.
Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh gần 40km, có tổng diện tích hơn 75.000 hécta, trong đó vùng lõi rộng 4.721 hécta, vùng đệm 41.000 hécta và vùng chuyển tiếp 29.000 hécta. Nơi đây là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng và thủy sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các sông Đồng Nai, Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây.
Theo kết quả tổng hợp của Viện Sinh thái học miền Nam, hệ thực vật rừng ngập mặn Cần Giờ ghi nhận 296 loài, nhóm thực vật ngập mặn; là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật quý hiếm thuộc Danh mục Sách đỏ Việt Nam. Không chỉ là địa điểm lý tưởng phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ còn có ý nghĩa to lớn đối với bảo vệ môi trường. Đây được coi là “lá phổi” có chức năng làm sạch không khí và nước thải từ các thành phố trong thượng nguồn sông Ðồng Nai-Sài Gòn đổ ra biển Ðông.
Gần 1 năm sau khi Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ được ghi danh, ngày 10/11/2001, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai tiếp tục được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam. Nơi đây được xem như “lá phổi xanh” của miền Ðông Nam Bộ với giá trị đa dạng sinh học cao, có rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền Nam và rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
Trong các năm tiếp theo, Việt Nam tiếp tục có thêm 9 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đó là Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (được xem là trung tâm đa dạng sinh học lớn của Việt Nam), Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Cả hai khu dự trữ sinh quyển này đều được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới từ ngày 2/12/2004.
Tiếp đó là Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang được UNESCO công nhận năm 2006; Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An (năm 2007); Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau và Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (năm 2009); Khu dự trữ sinh quyển Langbiang được công nhận năm 2015.
Mới đây nhất là Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng. Cả hai khu dự trữ sinh quyền này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới tại kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển diễn ra từ ngày 13-17/9/2021 tại Nigeria.
-
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN) -
Một góc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN) -
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là điểm cuối cùng của lãnh thổ Việt Nam, nơi du khách có thể ngắm nhìn mặt trời mọc ở biển Đông và lặn ở phía biển Tây. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN) -
Hệ thống đê bao bêtông vững chắc chống xâm thực vào đất liền bao quanh Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Đây là điểm cuối cùng của lãnh thổ Việt Nam, nơi du khách có thể ngắm nhìn mặt trời mọc ở biển Đông và lặn ở phía biển Tây. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững
Nhìn lại quá trình phát triển “kho báu thiên nhiên” Việt Nam trong suốt 20 năm qua, có thể thấy các khu dự trữ sinh quyển thế giới của nước ta không chỉ là danh hiệu được UNESCO công nhận, trở thành quốc gia có số lượng khu dự trữ sinh quyển đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, mà còn đang dần trở thành mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương. Trong số đó, có những khu dự trữ sinh quyển sau khi được ghi danh đã trở nên nổi tiếng thế giới, thu hút đông đảo khác h du lịch tới tham quan, nhờ đó tốc độ phát triển nhanh hơn gấp nhiều lần.
Điển hình như Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (thành phố Hải Phòng), trong vòng 16 năm qua đã liên tục bứt phá nhiều dấu mốc mới trong phát triển kinh tế-xã hội. Không chỉ dự trữ sinh quyển cho nhân loại, đây còn được xem là khu vực dự trữ nguồn sống, dự trữ cả tương lai sinh tồn và sự phát triển cho quốc gia sở hữu nó.
Cũng như Cát Bà, khu vực Núi Chúa của Ninh Thuận đặc biệt ở chỗ đây là một vùng địa hình thấp, ven biển thuộc tiểu vùng khí hậu khô hạn nhất Việt Nam. Nơi đây có trên 300 ngày nắng trong một năm, lượng mưa tương đối ít. Vì vậy, hệ thực vật Núi Chúa rất đặc trưng gồm đá sa thạch già, núi thoải, cây bụi gai rất nhiều để tiết chế mất nước với hệ động thực vật đặc trưng riêng. Núi Chúa là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam cũng như của Đông Nam Á và là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu được lựa chọn là vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất trong tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên Trái Đất.
Việc Núi Chúa và Kon Hà Nừng vừa được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thể hiện rõ nét những nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như thể hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Đặng Hoàng Giang
Hiện nay, phía giáp biển của Vườn Quốc gia Núi Chúa được xây mới một con đường ven biển lượn vòng cung theo địa hình, tuyệt đẹp để du ngoạn với một bên là biển, một bên là rừng. Đây cũng là con đường nối tour du lịch trọng điểm của Ninh Thuận gồm Vườn Quốc gia Núi Chúa, Hang Rái và vườn nho, bãi rùa đẻ, lặn biển ngắm san hô, giao tiếp với dân tộc Raglai… Khu vực này thực sự giàu tiềm năng và tài nguyên, trước mắt cũng như lâu dài cho du lịch.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, việc hai khu dự trữ sinh quyển thế giới vừa được công nhận (là Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng) thể hiện rõ nét những nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như thể hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
-
Mai Anh Đào bung nở rực rỡ ở núi rừng Langbiang – Khu dự trữ sinh quyển Langbiang. (Ảnh: TTXVN) -
Hoa dã quỳ nhuộm vàng các cung đường miền Tây Nghệ – Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An. (Ảnh: TTXVN) -
Đảo Ngọc Phú Quốc – Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang. (Ảnh: TTXVN) -
Một thoáng Cù lao Chàm – Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. (Ảnh: TTXVN)
Việc Núi Chúa và Kon Hà Nừng được ghi danh là khu dự trữ sinh quyển thế giới cũng cho thấy đây là giải pháp đột phá để đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; thể hiện rõ nét sự hợp tác giữa Bộ Ngoại giao với hai tỉnh Ninh Thuận và Gia Lai. Chính vì vậy, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam mong muốn hợp tác giữa Bộ Ngoại giao với hai tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển trong thời gian tới nhằm triển khai hiệu quả chủ trương hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu rộng mà Đảng và Nhà nước đã xác định trong thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cũng nhấn mạnh việc được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đã tạo nhiều cơ hội để Việt Nam, nhất là các địa phương sở hữu được tiếp cận, áp dụng các sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
Đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận thời gian qua, tại các khu dự trữ sinh quyển đã có nhiều khởi xướng, nỗ lực để triển khai các chiến lược và Kế hoạch hành động LIMA của Chương trình Con người và sinh quyển, nhằm cải thiện sinh kế, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở tồn trọng, duy trì các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống. Các nỗ lực đã đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học cũng như các cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên.
Hơn 20 năm tham gia mạng lưới khu dự trữ sinh quyển thế giới, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc mở rộng mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển thế giới: Xếp hạng thứ 16 trong số các nước có đa dạng sinh học cao nhất thế giới và là một trong 10 trung tâm giàu đa dạng sinh học nhất của hành tinh.
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển mạng lưới khu dự trữ sinh quyển thế giới đã huy động được sự tham gia của nhiều bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương sở hữu khu dự trữ sinh quyển thế giới, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế; từ đó đóng góp vào việc bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, các loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới.
“Để đạt được những kết quả trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Ngoại giao thông qua việc xúc tiến đề cử các khu dự trữ sinh quyển, sự ủng hộ của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; sự hợp tác của UNESCO, đặc biệt là Văn phòng đại diện tại Việt Nam; quan trọng hơn cả là sự vào cuộc tích cực của ủy ban nhân dân các tỉnh có khu dự trữ sinh quyển, Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam và các bên liên quan trong 20 năm qua,” ông Nhân nhấn mạnh.
-
Kỳ quan thác 50 trong khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng – Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng. (Ảnh: TTXVN phát)
Một “chiến lược xanh” hiệu quả hơn nữa
Dù đã đạt được những kết quả nổi bật, song một số chuyên gia cũng cho rằng việc quản lý và phát triển các khu dự trữ sinh quyển hiện đang tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Hầu hết các khu bảo tồn, dự trữ sinh quyển nằm ở các khu vực có tỷ lệ nghèo đói cao nên việc đạt được mục tiêu vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế gặp không ít khó khăn.
Ngoài ra, cũng còn các rào cản khác như thiếu khuôn khổ chung để thực hiện các giải pháp tích hợp trong phát triển bền vững; việc tổ chức và điều phối sự tham gia của các bên liên quan tại các khu dự trữ sinh quyển còn chưa hiệu quả; năng lực về lập kế hoạch, quy hoạch trên cơ sở tiếp cận cảnh quan chưa tốt.
Để giải quyết vấn đề trên, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thực hiện dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” trong giai đoạn 2019-2024.
-
Một góc rừng của Khu dự trữ sinh quyển Núi Chú. ( Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN ) -
Thềm đá san hô cổ tại Hang Rái, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. -
Vooc Chà vá chân đen tại Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. -
Khu vực cứu hộ, bảo tồn rùa biển thuộc Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Trong khi đó, bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng điều cần thiết là phải nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của các khu dự trữ sinh quyển đối với việc bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học phong phú.
“Chúng ta cần có các quan hệ đối tác công mạnh mẽ hơn và các chiến lược hiệu quả để có được sự tham gia tích cực của các bên liên quan tại địa phương nhằm tăng cường các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam vì một tương lai tốt đẹp hơn của quốc gia và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững,” bà Sitara Syed nhấn mạnh.
Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cụ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc công nhận các khu dự trữ sinh quyển có ý nghĩa lớn với quốc gia, đó là hỗ trợ thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và các công ước, cam kết quốc tế. Với các địa phương, khu dự trữ sinh quyển sẽ giúp bảo tồn dự trữ sinh học và phát triển bền vững, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tăng cường sự hợp tác và sự tham gia, tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong mạng lưới, thúc đẩy nghiên cứu, giáo dục…
“Theo định hướng chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục khuyến khích việc đề cử và áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả các khu vực được công nhận danh hiệu quốc tế này. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn việc đề cử và tổ chức quản lý khu dự trữ sinh quyển, khu Ramsar tại Việt Nam,” bà Nhàn chia sẻ thêm./.