Từ từng phải nhập khẩu 2 triệu tấn lương thực, nay Việt Nam không chỉ đảm bảo tiêu dùng trong nước mà đã xuất khẩu hàng chục triệu tấn lương thực thực phẩm. Việt Nam có thể đảm bảo an ninh lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết với việc đảm bảo sản lượng 43 triệu tấn lúa, Việt Nam sẽ cung ứng cho thị trường thế giới trên 7,5 triệu tấn gạo năm nay, góp phần chung tay đảm bảo an ninh lương thực trên thế giới.
Hiện nhiều quốc gia vẫn phải đối mặt với tình trạng giá lương thực leo thang, đẩy áp lực lạm phát cũng tăng theo. “Cơn khát” lương thực dường như chưa có dấu diệu dừng lại. Nhiều nước đã phải tung ra các giải pháp nhằm ổn định thị trường gạo như thắt chặt xuất khẩu, tăng nhập khẩu để tăng dự trữ…
Trước tình hình giá gạo trên thị trường thế giới tăng. Với lợi thế tự nhiên của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn nhiều địa phương gia tăng diện tích sản xuất vụ Thu Đông.
Điều này vừa góp phần tăng cung ứng nguồn lương thực cho khu vực và thế giới, đồng thời mang lại thu nhập cho nông dân. Đến nay, nhiều diện tích lúa Thu Đông đã cho thu hoạch và đem lại lợi nhuận tốt cho nông dân.
Nối tiếp mùa vụ, nhằm “né” hạn mặn trước dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 ở Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ xuất hiện sớm, ngành nông nghiệp chỉ đạo một số địa phương xuống giống sớm vụ Đông Xuân 2023-2024.
Khung thời vụ xuống giống vùng có nguy cơ hạn cuối vụ, thiếu nước như vùng ven biển Nam Bộ đã được hướng dẫn tập trung gieo trồng trong tháng 10.
Kết thúc xuống giống vụ Đông Xuân của Đồng bằng Sông Cửu Long là tháng 12/2023. Việc gieo trồng tập trung trong khung thời vụ như vậy sẽ bảo đảm né hạn mặn, né rầy… đem lại hiệu quả sản xuất cao.
Gạo hiện vẫn là mặt hàng tiêu dùng lương thực chính của hộ gia đình. Do vậy, việc giữ đất lúa là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; đồng thời bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa trên cơ sở phát huy nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế.
Bộ Chính trị đã có Kết luận Số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”; trong đó nêu rõ sự cần thiết nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, sản lượng lúa hàng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định chính trị, xã hội trong mọi tình huống.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030; trong đó yêu cầu đến năm 2030 giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, với sản lượng lúa hàng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo.
Cùng với đảm bảo sản lượng lúa gạo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng an ninh lương thực giờ không chỉ lúa gạo mà còn cả thực phẩm. Việt Nam có thể sản xuất rau quả với 19 triệu tấn, 7,6 tấn thịt các loại, 18,5 tỷ quả trứng, 1,2 triệu tấn sữa, thủy sản trên 9 triệu tấn... Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam luôn đảm bảo an ninh lượng thực trong mọi hoàn cảnh.
Riêng trong chăn nuôi, từ đầu năm, nhờ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát nên chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tốt. Tổng đàn vật nuôi đều tăng (trừ đàn trâu tiếp tục có xu hướng giảm do diện tích chăn thả thu hẹp, hiệu quả kinh tế không cao). Sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,83 triệu tấn trong chín tháng, tăng 6,14% so cùng kỳ năm ngoái.
Từ đầu năm đến nay, gia súc gia cầm phát triển tốt. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)
Tuy có khả năng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu lương thực, nhưng sản xuất lương thực thực phẩm tại Việt Nam cũng đang tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và suy thoái đất, nước, rừng và đa dạng sinh học nông nghiệp.
Năm nay, kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 43 (16/10) có chủ đề “Nước là sự sống, nước là thực phẩm. Không ai bị bỏ lại phía sau” nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về vai trò, tầm quan trọng của việc quản lý nước hợp lý.
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam cho rằng, nước là động lực cho con người, nền kinh tế, môi trường tự nhiên và cũng là nền tảng để sản xuất lương thực thực phẩm.
Trên thực tế, nông nghiệp chiếm tới 70% lượng nước ngọt được sử dụng trên toàn cầu, nhưng giống như tất cả các nguồn tài nguyên khác, nước ngọt không phải là vô hạn. Việc hợp tác là rất quan trọng để đảm bảo quản lý nước bền vững và thúc đẩy tiến bộ trong tất cả Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết ngành nông nghiệp đang nỗ lực chuyển đổi từ sản xuất số lượng sang chất lượng; chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp với quan điểm đa mục tiêu, đa ngành để tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường và nhu cầu đa dạng của thị trường quốc tế và trong nước. Đồng thời, ngành cũng phải tổ chức lại sản xuất, năng lực tổ chức hợp tác xã, hiệp hội theo chuỗi giá trị.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch Hành động Quốc gia Chuyển đổi Hệ thống Lương thực Thực phẩm Minh bạch, Trách nhiệm và Bền vững đến năm 2030 để khắc phục những tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp, đồng thời tạo ra sức mạnh tổng hợp và giảm thiểu sự đánh đổi về phát triển kinh tế với môi trường và sức khỏe cộng đồng.