Theo nhận định của báo chí, chuyên gia quốc tế tuần qua, kinh tế Việt Nam hiện đang đối mặt các thách thức, nhất là khi nhu cầu bên ngoài suy giảm khiến hoạt động xuất khẩu giảm. Tuy nhiên, triển vọng nền kinh tế Việt Nam thời gian tới vẫn có những điểm tích cực, nhất là trong trung và dài hạn.
Kinh tế Việt Nam cùng với Indonesia, Philippines vẫn được duy trì mạnh mẽ trong năm nay trong bối cảnh các nền kinh tế khác tăng trưởng chậm lại - nhận định từ trang Phil Star. Tờ báo trích dẫn đánh giá từ đơn vị nghiên cứu S&P Global Market Intelligence kỳ vọng châu Á - Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay.
Trang Economics Times thì cho rằng, Việt Nam cùng với Ấn Độ, sẽ được hưởng lợi từ việc thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và việc tái định hình các địa điểm sản xuất, nhờ vị trí thuận lợi cùng các yếu tố về chính sách, lao động và việc tham gia rộng rãi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đánh giá: "Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp thiết thực nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và đầu tư lâu dài cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Quan trọng hơn, chính phủ cũng đang tìm cách đẩy nhanh và đơn giản hóa việc phê duyệt thu hồi đất, hợp lý hóa các thủ tục hành chính, nâng cao kỹ năng của nhân viên và cải thiện cơ sở hạ tầng để tăng đầu tư nước ngoài".
Triển vọng nền kinh tế Việt Nam thời gian tới vẫn có những điểm tích cực, nhất là trong trung và dài hạn. Ảnh minh họa.
Trang CNBC của Mỹ trong phỏng vấn với đại diện Công ty Vina Capital về tình hình kinh tế Việt Nam cũng cho biết, tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Việt Nam chỉ là tạm thời, trong quý II/2023 sẽ có thêm các đơn hàng xuất khẩu có thể vực dậy nền kinh tế.
Bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: "Sự tăng trưởng liên tục và ổn định của tổng cầu trong nước, tất nhiên sẽ tạo cơ sở cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Chúng tôi đánh giá cao các cơ quan có thẩm quyền đang cố gắng hỗ trợ tổng cầu bằng cách thúc đẩy đầu tư công và tư nhân. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy rằng về mặt tiền tệ, ngân hàng trung ương Việt Nam đã giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, điều này sẽ hữu ích để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế trong tương lai".
Về dài hạn, tạp chí IFA Magazine nhận định, kinh tế Việt Nam cùng một số nền kinh tế mới nổi châu Á như Philippines, Pakistan, Bangladesh sẽ lọt vào danh sách 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới trước năm 2050.