Không giống như hầu hết các nước đang phát triển, Việt Nam đã cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế trong đại dịch. Dù tốc độ tăng trưởng trung bình chậm lại, và các nhóm dễ bị tổn thương đã có những giai đoạn rất khó khăn, nhưng Viêt Nam đã tránh được sự đảo ngược tiến độ phát triển con người.
Giá trị Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,703 vào năm 2021 về cơ bản không thay đổi so với năm 2019 (0,704) và Việt Nam đã tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu từ 117/189 quốc gia vào năm 2019 lên 115/191 quốc gia vào năm 2021.
Đây là nhận định của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Lễ công bố Báo cáo Phát triển Con người (HDR) toàn cầu 2021/22, "Thời đại bất định, Cuộc sống bất an: Xây dựng tương lai trong một thế giới đang chuyển đổi" tại Hà Nội ngày 9-9.
Lần đầu tiên trong lịch sử 32 năm, Chỉ số HDI đã giảm trên toàn cầu 2 năm liên tiếp, phần lớn là do đại dịch. Phát triển con người đã giảm trở lại mức năm 2016, làm đảo ngược nhiều tiến độ hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Hơn 90% các quốc gia đã ghi nhận mức giảm điểm HDI của họ vào năm 2020 hoặc 2021 và hơn 40% đã giảm trong cả 2 năm.
Báo cáo đưa ra lộ trình thoát khỏi sự bất định, hướng tới sự phát triển mới, bền vững và công bằng. Khuyến nghị các chính sách ưu tiên đầu tư vào năng lượng tái tạo, sự chuẩn bị sẵn sàng và bảo hiểm, bao gồm bảo trợ xã hội...
Việt Nam thuộc vào Nhóm Phát triển Con người Cao từ năm 2019. HDI dựa trên tổng thu nhập quốc dân trên đầu người, tuổi thọ trung bình và số năm đi học trung bình, đưa ra một thước đo tổng quát về sự phát triển của con người.
Việt Nam đã đạt được tiến bộ ổn định trong cả 3 khía cạnh của HDI kể từ những năm 1990. Tốc độ gia tăng HDI chậm lại trong thập kỷ qua, chủ yếu là do Việt Nam đã là nước giàu hơn với mức tuổi thọ và trình độ học vấn tương đối cao so với mức thu nhập.
Trong đó, chỉ số Bất bình đẳng giới của Việt Nam tiếp tục được cải thiện vào năm 2021. Theo UNDP, Việt Nam thực hiện tốt các khía cạnh về giảm tỉ lệ tử vong mẹ, tăng tỉ lệ đi học của trẻ em gái, và phụ nữ tham gia lực lượng lao động, nhưng tỷ lệ đại diện của phụ nữ trong quốc hội vẫn còn thấp.
Về chỉ số áp lực lên hành tinh: Việt Nam chỉ bị trừ 5,8%, do đó tăng 17 hạng so với nếu không điều chỉnh về áp lực lên hành tinh. Tuy nhiên thực ra, con số này được tính dựa trên lượng khí thải CO2/đầu người (theo sản xuất). Việt Nam bị trừ ít không có nghĩa là chúng ta đã làm tốt trong việc giảm khí thái CO2, mà chỉ là chúng ta không có nhiều ngành công nghiệp thải khí so với một số nước khác.
"Việt Nam có đủ khả năng để khôi phục đà phát triển đã bị mất đi do Covid-19 và quản lý những bất ổn liên quan đến các cuộc khủng hoảng phân tầng được mô tả trong HDR"- GS Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP, cho biết. "Việc triển khai nhanh chóng và phổ cập vắc-xin đã giúp đưa cuộc sống trở lại bình thường và giảm áp lực cho các bệnh viện, trạm y tế và trường học. Chính sách linh hoạt và thích ứng của Chính phủ đã giúp các ngành như du lịch và vận tải có thể phục hồi ấn tượng vào năm 2022".
UNDP cũng lưu ý rằng Việt Nam sẽ có nhiều thách thức trong thời gian tới, trong đó biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất.
Thứ hai, sự phát triển kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào xu hướng tăng trưởng ở phần còn lại của thế giới. Chiến tranh ở châu Âu, giá cả tăng cao và sự gián đoạn đối với các mô hình thương mại toàn cầu là những nguyên nhân quan trọng gây ra sự không chắc chắn. UNDP khuyến nghị Việt Nam tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, đào tạo và nghiên cứu để nâng cao khả năng chống chịu của quốc gia và năng lực điều chỉnh nhanh chóng và linh hoạt trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi.
Điều quan trọng là, hệ thống bảo trợ xã hội của Việt Nam cần được hiện đại hóa để giúp mọi người dân có thể ứng phó được với rủi ro kinh tế và thiên tai và duy trì mức sống ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất. Kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 đã cho thấy có những điểm yếu trong hệ thống trợ giúp xã hội và bảo trợ xã hội. Việc số hóa đăng ký và cung cấp trợ giúp xã hội và dựa trên chứng minh nhân dân thay vì nơi cư trú tại địa phương sẽ giúp hệ thống phản ứng công bằng và nhanh chóng hơn trong những thời điểm rủi ro gia tăng.