Viettronics Tân Bình: Tìm con đường riêng

Kể từ năm 2013, CTCP Viettronics Tân Bình (VTB) sẽ phải phát triển bằng chính sức sản xuất kinh doanh của mình bởi liên doanh còn lại giữa VTB và JVC đã giải thể hồi cuối năm 2012.

Kể từ năm 2013, CTCP Viettronics Tân Bình (VTB) sẽ phải phát triển bằng chính sức sản xuất kinh doanh của mình bởi liên doanh còn lại giữa VTB và JVC đã giải thể hồi cuối năm 2012.

Sụt giảm lợi nhuận

Ông Vũ Dương Ngọc Duy, Tổng giám đốc VTB, thừa nhận khi VTB còn liên doanh với Sony và JVC, lợi nhuận hàng năm của công ty được đóng góp nhiều từ lợi nhuận được chia của 2 liên doanh này. Nhưng từ năm 2013, lợi nhuận của VTB sẽ chỉ còn từ sản xuất kinh doanh của chính công ty.

VTB phải vươn lên bằng chính nội lực của mình. Khép lại năm 2012, khi kết quả kinh doanh không được như mong đợi, doanh thu đạt 95% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 67% so với kế hoạch đề ra, ban lãnh đạo VTB đã đưa ra khá nhiều nguyên nhân.

Tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng dẫn đến thực tế cùng một mức chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng chỉ chấp nhận chi trả một số tiền cho sản phẩm mang thương hiệu VTB ít hơn từ 10-20% so với thương hiệu ngoại, nên lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh thấp. Ngoài ra, sự đóng băng của thị trường bất động sản cũng ảnh hưởng đến việc kinh doanh văn phòng cho thuê của VTB…

Từ năm 2013, VTB sẽ lại bước sang một chặng đường mới trên hành trình tự khẳng định thương hiệu của mình, con đường phía trước sẽ gặp nhiều chông gai, thử thách.

Từ quý IV-2012, VTB đã không còn khoản thu nhập 3 tỷ đồng từ liên doanh với JVC, nên lợi nhuận cả năm sụt giảm mạnh. Thực tế này đang đặt ra nhiều thách thức cho VTB khi chỉ còn một mình một ngựa.

Được thành lập từ những năm 80 của thế kỷ trước, VTB ban đầu mang tên là Nhà máy Tụ xoay Tân Bình, chuyên sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu sang Tiệp Khắc.

Đến khoảng những năm 90, do cuộc khủng hoảng chính trị tại Liên Xô và các nước Đông Âu, dây truyền sản xuất tụ xoay ngưng hoạt động, đẩy VTB vào tình thế vô cùng khó khăn. Để tồn tại, công ty phải tìm ra hướng đi mới cho mình là kinh doanh sản phẩm điện tử dân dụng, dù đã khá nổi tiếng với những sản phẩm tivi màu lắp ráp.

VTB được đánh giá cao qua việc sớm thành lập những liên doanh với nước ngoài trong lĩnh vực điện tử. Nổi bật nhất chính là liên doanh với Tập đoàn Sony Nhật Bản vào năm 1994 để thành lập Công ty Sony Việt Nam; liên doanh với Tập đoàn JVC Nhật Bản thành lập Công ty JVC Việt Nam năm 1996.

Ông Ngô Văn Vị, nguyên Tổng giám đốc VTB, từng chia sẻ 2 liên doanh này đã góp phần giải bài toán vốn cho VTB, nhất là vào thời điểm cổ phần hóa năm 2004. Nhưng việc lắp ráp các sản phẩm tivi do 2 liên doanh này thực hiện khiến VTB mất đi sản phẩm chủ lực. Và hành trình tìm kiếm sản phẩm mới lại bắt đầu. Từ năm 2000 trở đi được xem là thời điểm VTB tự khẳng định mình khi cho ra những sản phẩm mang thương hiệu VTB như tivi, đầu DVD… tiến tới là máy tính, tủ lạnh…

Tự khẳng định mình

Trở lại thực tế khi không còn liên doanh, ông Duy cho biết: “VTB sẽ phát triển 2 dòng sản phẩm chủ lực là đầu karaoke và tủ lạnh. Đầu tư nghiên cứu phát triển các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Phát triển các sản phẩm internet karaoke trên cơ sở điện toán đám mây.

Ngoài ra sẽ tập trung khai thác tối đa các tiềm lực hiện có của công ty”. Nói về dòng sản phẩm đầu karaoke, hiện nay VTB đang nằm trong nhóm những thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam. Để đẩy mạnh phân phối dòng sản phẩm này, VTB đã cho thành lập 2 công ty con là Vitek VTB Hà Nội và Vitek VTB TPHCM.

Riêng tại khu vực phía Bắc, kết quả kinh doanh dòng sản phẩm này khá tốt, còn trong Nam do phải cạnh tranh với một số thương hiệu khác như Ariang, California nên VTB chưa khẳng định được mình.

Sản xuất máy tính tại VTB. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất máy tính tại VTB. Ảnh: CAO THĂNG

Còn sản phẩm tủ lạnh hiện đã nội địa hóa được 60-70% và trong năm 2012 tiêu thụ nội địa tăng 5%, xuất khẩu sang Cuba được hơn 6.600 chiếc. Trong năm 2013 này công ty sẽ đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới và ban đầu là những thị trường gần như Campuchia.

Ông Duy cho biết: “Hiện tivi chúng tôi phân phối chủ yếu vào các vùng xa thành thị, nơi người dân có thu nhập trung bình, vì ở các khu vực thành thị rất khó đối đầu với các ông lớn”.

Và để bù lại khoản lợi nhuận mất đi từ việc giải thể liên doanh, ngay từ đầu năm VTB đã tiến hành các thủ tục đầu tư mặt bằng Cát Lái cho Công ty Yusen và Sony thuê, dự kiến mức lợi nhuận hàng năm mang lại khá lớn. Ngoài ra, VTB sẽ khai thác hết mặt bằng còn trống tại 2 địa chỉ số 6 Phạm Văn Hai và 284 Nơ Trang Long để cho thuê.

Ngoài 2 công ty con kể trên, VTB còn có JS (phân phối độc quyền sản phẩm JVC và là trung tâm bảo hành sản phẩm JVC được thành lập ngay khi liên doanh giải thể) và VTB IT (chuyên mảng máy tính). Tính riêng trong quý IV-2012, lần đầu tiên VTB được chia 1,8 tỷ đồng lợi nhuận từ các công ty con.

Điều này mang đến tín hiệu tích cực cho thấy các công ty con của VTB đang hoạt động có hiệu quả. VTB kỳ vọng năm 2013 lợi nhuận sau thuế sẽ tăng khoảng 13% so với năm 2012.

Các tin khác