VN Index vượt đỉnh, nhưng hiệu suất đầu tư tụt giảm

(ĐTTCO) - Tuần qua thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được chứng kiến thời khắc quan trọng khi VN Index vượt thành công đỉnh cao lịch sử, tương đương mốc 1.420 điểm. Đây là thành công đến quá sớm, vì trong tất cả các báo cáo thị trường cập nhật cho quý III hay cả năm 2021, các CTCK cũng chỉ dám dè dặt đề cập đến đỉnh cao lịch sử này như một đích hướng tới cho thời điểm cuối năm.

“Thời cơ vàng” nhờ CP lớn luân phiên nâng đỡ chỉ số
Chỉ số VN Index tuy vẫn được coi là đại diện cho TTCK Việt Nam, nhưng thực tế chỉ là đại diện cho hơn 400 cổ phiếu (CP) trên sàn HoSE. Dù vậy tính ảnh hưởng của chỉ số này vẫn rất lớn.
Việc VN Index đạt và vượt đỉnh cao lịch sử 1.420 điểm nhìn từ góc độ kỹ thuật là điều không khó dự đoán khi chỉ số này nắm giữ lợi thế rất đáng chú ý.
Kể từ khi chỉ số này đạt đỉnh cao nhất 1.420 điểm ngày 2-7-2021 (theo điểm số đóng cửa), giai đoạn khó khăn nhất kéo dài suốt 3 tháng (đến đầu tháng 10-2021). VN Index điều chỉnh giảm khoảng 5,68%, một mức giảm có phần không tương xứng với rất nhiều CP khác.
Lấy thí dụ VIC giảm trong cùng thời gian này khoảng 16%, VPB giảm 13%, ACB giảm 14%, VHM giảm 13%, MBB giảm 16%, STB giảm 23%, VCB giảm 18%, HDB giảm 19%, CTG giảm 27%, BID giảm 17%...
Không khó để thấy nhóm CP ngân hàng chiếm đa số trong các blue-chips giảm sâu nhất trong giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn của thị trường. Lẽ ra VN Index đã điều chỉnh sâu hơn nhiều so với mức -5,68% và cơ hội phục hồi lại đỉnh cao lịch sử 1.420 điểm là rất xa vời chứ chưa nói tới khả năng vượt đỉnh, nếu không có sự luân phiên nâng đỡ của những CP vốn hóa lớn khác.
Chẳng hạn HPG trong cùng thời gian lại tăng 6,1%, VNM tăng gần 2%, MSN tăng gần 24%, MWG tăng 21,1%, TPB tăng 11,3%, GAS tăng 7,7%, GVR tăng 2,5%...
Mức tăng của các CP này dĩ nhiên còn xa mới bù đắp được các CP lớn giảm giá. Dĩ nhiên vì thế VN Index mới điều chỉnh. Tuy nhiên khả năng nâng đỡ của những CP tăng giá phần nào hạn chế mức thiệt hại ở chỉ số và đây là điều kiện tiên quyết giúp VN Index rút ngắn thời gian phục hồi lại đỉnh cao cũ, và vượt đỉnh thành công trong tuần qua. 
Hành trình tháng 10 VN Index có được khoảng 85 điểm để quay trở lại đỉnh cao cũ. Riêng 5 CP là GAS, VIC, HPG, VHM, GVR đã “cống hiến” cho chỉ số khoảng 35 điểm.
Trong 5 mã này thì trừ GVR, 4 CP còn lại nằm trong Top 5 CP vốn hóa lớn nhất của VN Index. Mã còn lại là VCB, đã dẫn dắt cả nhóm CP ngân hàng tăng giá ở 2 phiên quyết định ngày 27 và 28-10, chính thức đưa chỉ số vượt đỉnh một cách hoàn toàn.
Nói cách khác, từ chỗ giúp VN Index “phòng thủ” thành công suốt 3 tháng trời, các blue-chips đã “chia vai” để nâng đỡ chỉ số đúng thời điểm. Đó là lúc các doanh nghiệp lớn bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý III.
Dù hiệu ứng về xu hướng tăng giá theo kết quả kinh doanh là không rõ ràng, nhưng tính thời điểm mới là quan trọng đối với VN Index. CP ngân hàng là thí dụ, dù tăng đúng lúc để hỗ trợ chỉ số vượt đỉnh, nhưng giá hầu hết vẫn nằm trong xu hướng giảm hoặc chỉ tích lũy đi ngang. 
VN Index vượt đỉnh, nhưng hiệu suất đầu tư tụt giảm ảnh 1
Bức tranh phân hóa
Chỉ số VN Index dù tăng vượt đỉnh lịch sử nhưng điều này hầu như chỉ mang tính biểu tượng. CP cấu thành nên chỉ số này đã có sự phân hóa cực kỳ khắc nghiệt, khi rất nhiều mã đem lại lợi nhuận cao, nhưng cũng rất nhiều mã làm suy sụp cả danh mục đầu tư. Vì thế yếu tố thời điểm tuy quan trọng với chỉ số, nhưng lại không quan trọng đối với hiệu suất đầu tư.
Chỉ riêng sàn HoSE có khoảng 200 CP không quan tâm việc VN Index vượt đỉnh lịch sử đầu tháng 7 hay không, vì so với giá của chính những mã này cùng thời điểm đỉnh của chỉ số, giá đã tăng hàng chục phần trăm, thậm chí 12 mã tăng gấp đôi.
Ngược lại, dù VN Index vượt đỉnh lịch sử, cũng có cả trăm CP giá vẫn “lẹt đẹt” thấp xa so với giá tương đương thời điểm VN Index 1.420 điểm tới cả chục phần trăm. Nói cách khác, VN Index vượt đỉnh không đảm bảo được lợi nhuận đầu tư tương xứng.
Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân rơi vào tình cảnh khó khăn cho danh mục nếu chỉ căn cứ vào chỉ số VN Index. Nhiều quỹ đầu tư lớn cũng phải công bố hiệu suất đầu tư tụt giảm do thị trường phân hóa quá mạnh. Nếu tính đến sự kiên định của niềm tin chỉ số vượt đỉnh, không tổ chức nào “vững lòng” như PYN Elite Fund – quỹ đầu tư đến từ Phần Lan.
Từ cuối năm 2020 đại diện quỹ này đã khẳng định “chắc như đinh đóng cột”, rằng VN Index rồi sẽ tới 1.800 điểm. Đến đầu 2021 quỹ này lại khẳng định chỉ số sẽ đạt 1.500 điểm cuối năm khi chẳng ai tin vào điều đó. Đến tháng 8 khi thị trường lao dốc, đại diện quỹ vẫn kiên trì mục tiêu VN Index 1.500 điểm.
Đến lúc này khi chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm, VN Index đã vượt 1.420 điểm và quãng đường tới 1.500 điểm gần hơn bao giờ hết. Tuy nhiên hiệu suất đầu tư của quỹ này vẫn bị tác động trong ngắn hạn khi tháng 7-2021 sụt giảm 5,5%, tháng 8 giảm 0,19% và chỉ hồi lại 2,1% trong tháng 9.
Hiện tượng phân hóa của CP trong giai đoạn hiện tại không chịu tác động nhiều từ kết quả kinh doanh quý III, mà chủ yếu được dẫn dắt bởi kỳ vọng tăng trưởng tương lai. Điều này giải thích tại sao nhiều CP báo cáo lỗ trong quý III hoặc giảm tăng trưởng nhưng vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng.
Lấy thí dụ các CP bất động sản, xây dựng, bán lẻ chịu ảnh hưởng nặng nề của giãn cách xã hội, nhưng cơ hội sẽ trở lại sau khi hoạt động kinh tế được bình thường hóa. Trong khi đó nhiều CP ngân hàng lợi nhuận tốt nhưng rủi ro nợ xấu gia tăng lại trở nên kém hấp dẫn. 
Theo tổng hợp lợi nhuận quý III-2021 đến 26-10 của CTCK VNDirect, tổng lợi nhuận của các công ty đã công bố kết quả tăng 25% so với cùng kỳ cho quý III-2020 và 46,7% so với 9 tháng năm 2021. Các mã trong VN30 có tốc độ tăng trưởng 22,2%.
Thế nhưng phần lớn CP của rổ VN30 lại không tăng trưởng tương xứng, dù đây chính là những mã đưa VN Index lên đỉnh cao lịch sử mới.  

Các tin khác