![]() |
Cùng Ấn Độ và Trung Quốc, Việt Nam được Ernst & Young dự báo tăng trưởng đứng đầu khu vực châu Á vào năm 2013.
Trong báo cáo mới nhất về “Các thị trường tăng trưởng nhanh” phối hợp với Trung tâm Oxford Economics thực hiện, Ernst & Young nhận định khu vực các thị trường này sẽ tăng trưởng 5,3% trong 2012. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm nay được dự báo sẽ ở mức 5,7%.
Với tốc độ trên, Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc (8,2%), Indonesia (6,2%) và Ấn Độ (6,1%). Tuy nhiên, cũng theo báo cáo này, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2013 sẽ vượt Indonesia, đạt 7,1%, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ nhờ sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Nền kinh tế Việt Nam đã mở rộng 6% trong quý IV/2011, kéo tốc độ tăng trưởng cả năm lên 5,9%, cao hơn đôi chút so với dự báo bất chấp việc cắt giảm ngân sách và tăng lãi suất được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề lạm phát. Tuy nhiên, theo E&Y, tình hình sẽ thay đổi trong năm nay, khi thị trường châu Âu còn yếu và lạm phát tăng chậm trong nửa đầu năm sẽ tạo điều kiện cho các chính sách nới lỏng tiền tệ.
Xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh hơn dự báo trong năm 2011 nhưng nhập khẩu cũng tăng nhanh có nghĩa là việc giảm giá VND có nhiều tác động lên lạm phát hơn là thu hẹp khoảng cách thâm hụt thương mại. E&Y nhận định dấu hiệu này sẽ giúp các nhà quản lý quyết tâm hơn trong việc làm chậm lại tốc độ giảm giá VND trong năm 2012-2013. E&Y dự báo thâm hụt tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ liên tục giảm từ 2,2% GDP năm 2011 và có thể đạt thặng dư 0,2% GDP vào năm 2015.
Yêu cầu mở rộng không ngừng dự trữ ngoại hối nhằm đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cũng hạn chế khả năng lãi suất có thể giảm. Lãi suất ngắn hạn của Việt Nam được dự báo sẽ chỉ giảm 0,7% trong năm nay, xuống 8,3%.
Ngân hàng Nhà nước đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản vay với mục đích đầu cơ. Tuy nhiên E&Y cho rằng những áp lực mạnh mẽ nhằm đảm bảo nguồn vốn cho các công ty nhà nước đang cản trở nỗ lực giảm nợ của quốc gia. Theo dự báo của E&Y, nợ công của Việt Nam sẽ đứng ở mức 26,9% GDP trong năm nay và giảm dần.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng dù về trung hạn, khi thị trường châu Âu phục hồi, tăng trưởng nền kinh tế vẫn về khoảng 6,5% nhưng những rủi ro suy thoái trong ngắn hạn vẫn còn tồn tại. Một đồng VND yếu có thể sẽ quay lại nếu công cuộc giảm lạm phát và thâm hụt thương mại cũng như ngân sách không đạt được kết quả như mong đợi.
![]() |
Những dự báo chi tiết của E&Y về tình hinh kinh tế Việt Nam tới năm 2015. |