(ĐTTCO) - Việc tự do hóa ngành bán lẻ khiến Việt Nam trở thành một thị trường cực kỳ hấp dẫn.
Gần đây, hàng loạt thương hiệu bán lẻ đình đám dồn dập xuất hiện trên thị trường Việt Nam với những cái tên mới như Aeon Mall, Auchan… Cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ ngày càng gay gắt.
Không phải ngẫu nhiên mà các “ông lớn” ngành bán lẻ từ Nhật Bản, Thái Lan, Đức rồi Pháp muốn đi sâu vào thị trường nội địa Việt Nam. Bởi theo phân tích của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt dung lượng 100 tỉ USD vào năm 2016.
Với cơ cấu dân số trẻ, tỉ lệ người dân đến các trung tâm thương mại ngày càng nhiều khiến Việt Nam là mảnh đất nhiều tiềm năng với ngành bán lẻ. Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường bán lẻ Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.
Mới đây, The Economist Intelligence Unit (EIU) công bố báo cáo Triển vọng các ngành kinh tế 2016, nêu bật những phân tích và dự báo về triển vọng các ngành ô tô, bán lẻ, năng lượng, tài chính, y tế và viễn thông.
Theo đó, tính trên phạm vi toàn cầu, doanh số bán lẻ sẽ duy trì tăng trưởng ổn định trong năm 2016. Doanh số bán hàng được dự báo tăng 2,7% trong năm 2016, giống như trong năm 2015. Tuy nhiên, các thay đổi trong thói quen chi tiêu đã tác động tiêu cực đến nhà bán lẻ, làm doanh nghiệp lỗ nhiều hơn do người mua sắm chuyển sang các kênh trực tuyến.
Ở châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn sẽ là nhân tố thúc đẩy doanh số bán hàng khu vực, nhưng các thị trường như Việt Nam và Indonesia mới là tâm điểm của sự chú ý.
The Economist nhận định: Việc tự do hóa ngành bán lẻ khiến Việt Nam trở thành một thị trường cực kỳ hấp dẫn. Bất chấp sự giảm tốc của Trung Quốc, giống như Ấn Độ, tăng trưởng bán lẻ ở Việt Nam sẽ vượt qua hầu hết các nước khác, đặc biệt là thương mại điện tử.