Chuỗi 3 phiên giảm điểm trước đó đã kéo mặt bằng giá CP xuống thấp. Đây cũng là yếu tố khiến bên bán không còn “mặn mà” đẩy lệnh với kỳ vọng CP đã chạm đáy. Sự kỳ vọng này giúp VN Index lấy lại sắc xanh tăng giá trong phần lớn thời gian của phiên sáng.
Tuy nhiên, diễn biến tích cực này không thể duy trì được trong phiên chiều khi CP T+2,5 được NĐT mua ở phiên 19-12 chính thức về tài khoản. Lệnh bán liên tục được đẩy lên bảng điện lấn áp hoàn toàn so với lệnh mua đối ứng.
VN Index nhanh chóng quay đầu giảm điểm, thậm chí có thời điểm chỉ số này lùi về sát mốc 1.000 điểm trong sự ngỡ ngàng của NĐT. Khi phần lớn NĐT nghĩ đến viễn cảnh tiêu cực là chỉ số này sẽ “thủng” ngưỡng hỗ trợ 1.000 điểm thì lệnh mua bắt đáy được đẩy vào nhóm CP có vốn lớn trong rổ VN30.
Dòng tiền này nhanh chóng kéo VN30 Index chuyển xanh và kết phiên tăng 3,31 điểm lên 1.033,1 điểm. Nhóm CP giúp chỉ số này đảo chiều ghi điểm gồm có: MSN, MBB, PLX, STB, SAB, VNM, VJC, VPB, VRE, VHM, ACB, FPT, BID, HDB.
Theo thống kê, đóng góp nhiều nhất cho VN Index trong phiên hôm nay là STB (2,17 điểm), VPB (1,6 điểm), VNM (0,87 điểm), ACB (0,75 điểm), MSN (0,6 điểm), FPT (0,58 điểm), VHM (0,34 điểm).
Chính sự trở lại của nhóm CP kể trên giúp cho VN Index kết phiên hôm nay chỉ giảm nhẹ 4,25 điểm (0,42%) xuống 1.018,88 điểm. Toàn sàn HoSE có 298 mã giảm (42 mã sàn), 119 mã tăng và 74 mã giữ giá tham chiếu.
Phiên hôm nay, ngoại trừ nhóm ngân hàng có nhiều mã đảo chiều tăng, không có nhóm ngành nào giữ được gam màu tích cực, từ bất động sản, thép, xây dựng cho tới CK. Đáng chú ý là trong danh sách mã “đo sàn” có sự xuất hiện của nhiều mã CP thuộc 4 nhóm ngành kể trên.
Sau nhiều phiên nhường vị trí đầu bảng về khối lượng CP khớp lệnh, mã VND đã trở lại vị trí quán quân với 37,8 triệu CP được chuyển nhượng. Xếp sau VND là các mã STB, NVL, HPG, HAG, SSI, GEX, VIX, VPB, HSG.
So với phiên hôm qua, thanh khoản bất ngờ đi xuống với 857,3 triệu CP được sang tên, tương đương giá trị giao dịch đạt 14.414 tỷ đồng.