Những khoản lỗ được báo trước
Năm 2020, VNG cũng đặt kế hoạch lỗ 246 tỷ đồng và lợi nhuận dành cho cổ đông công ty mẹ theo kế hoạch là 299 tỷ đồng. Điều này được giải thích là do đầu tư các sản phẩm chiến lược dài hạn, trong đó có ZaloPay.
Hiện VNG đang nắm giữ gần 60% cổ phần của Công ty CP Zion - công ty sở hữu ZaloPay. Do đó, việc đặt kế hoạch lỗ hợp nhất 619 tỷ đồng trong năm nay, bao gồm cả khoản lỗ hạch toán từ công ty chủ quản của ZaloPay.
Mới đây, VNG đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021. Theo đó năm 2021, VNG đặt mục tiêu doanh thu khoảng 7.609 tỷ đồng, tăng 26% so với kết quả năm ngoái, nhưng dự kiến lỗ hợp nhất 619 tỷ đồng năm 2021.
Không chỉ lỗ tại Zalo, VNG bắt đầu rót vốn vào trang thương mại điện tử Tiki kể từ ngày 2-2-2016, với mức đầu tư ban đầu hơn 384 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ sở hữu là 38%. Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ sở hữu của VNG tại đây giảm dần, về mức 22,27% vào cuối năm 2020 với giá trị vốn góp là 510 tỷ đồng.
Báo cáo thường niên năm 2020 của VNG cho biết công ty ghi nhận lỗ 3,84 tỷ đồng trong năm 2020 cho khoản đầu tư vào Tiki, như vậy lỗ luỹ kế của khoản đầu tư này đã lên tới hơn 510 tỷ đồng.
Đầu tư quá dàn trải
Ngoài ra, VNG lại trình làng ứng dụng có tính năng nhắn tin, gọi điện miễn phí trên nền tảng di động- Zalo. Đây được coi là sự thành công của VNG khi cán mốc 100 triệu người dùng.
Không những vậy, Zalo còn ngày càng trở thành một cổng kết nối đắc lực giữa người dân với chính quyền điện tử, cung cấp cho người dùng thông tin thời gian thực về tình hình giao thông, tra cứu lịch tiêm chủng, đăng ký các thủ tục hành chính cơ bản…
Bám theo những lĩnh vực hoạt động trên nền tảng Internet, thương mại điện tử cũng sớm được VNG lấn sân với website đầu tiên là 123Mua.vn (2006), sau đó trang thương mại điện tử 123.vn theo mô hình B2C...
Không phải bước lấn sân nào của VNG cũng mang về thành quả, VNG cũng thừa nhận đã rút ra nhiều bài học khi phát triển kinh doanh một cách dàn trải. Việc tiếp tục dự kiến kế hoạch lỗ ròng hợp nhất năm 2021 cũng đã cho thấy tình trạng khó khăn của VNG.
Một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ nhận xét: "Vốn đầu tư tuy quan trọng nhưng vốn mạnh chưa chắc sẽ giành được thắng lợi trong lĩnh vực công nghệ. Chỉ có ý tưởng và đi đón đầu các xu hướng mới thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực này mới có thể trụ được trong cuộc chiến khốc liệt hiện nay”.
Các chuyên gia cho rằng, nếu VNG vẫn chạy theo hướng đầu tư dài trải và “đốt tiền” như hiện nay, mà không có hướng đi mới, thì sẽ còn tiếp tục bị thua lỗ trong thời gian tới.