Vỡ bong bóng đầu cơ: Học phí chưa bao giờ rẻ

(ĐTTCO)-Thị trường chứng khoán (TTCK) đột ngột xuất hiện cú “hẫng chân”, khi VN-Index sụt giảm tới hơn 100 điểm chỉ trong vài ngày đầu tháng 12. Với không ít nhà đầu tư (NĐT) mới vào thị trường, đây là cú sốc quá lớn. 
Vỡ bong bóng đầu cơ: Học phí chưa bao giờ rẻ
Trên nhiều “room phím hàng” mới thành lập, sự tĩnh lặng bao trùm, thậm chí cả buổi giao dịch không thấy thành viên nào lên tiếng. Hàng chục nhóm chat các loại đã lặng lẽ đóng cửa...
Miền “Viễn Tây” của hoạt động đầu cơ?
Hiện tượng bùng phát đầu cơ trong tháng 11 đã lên đến đỉnh điểm, khi xuất hiện liên tiếp những phiên hàng trăm cổ phiếu (CP) nhỏ tăng giá kịch trần trên cả 3 sàn giao dịch. Đặc biệt sàn UpCoM nơi tập hợp hàng trăm CP của các doanh nghiệp chưa niêm yết (phần lớn là chưa đủ tiêu chuẩn niêm yết) nhưng có mức giá tăng bằng lần. 
Đơn cử như AAS hồi tháng 5-2021 giá chỉ hơn 8.000 đồng/CP, nhưng đến cuối tháng 11 giá có lúc đạt 35.000 đồng/CP, tức là tăng gần 4,4 lần. AGF giá từ 3.000 đồng từ cuối tháng 7 có lúc chạm 5.900 đồng, gần gấp đôi. ALV cuối tháng 8 giá chỉ 2.500 đồng, hiện đã lên 7.700 đồng, tăng hơn 3 lần. ANT cuối tháng 7 giá “lẹt đẹt” tầm 9.000 đồng đến ngày 18-11 giá chạm 29.600 đồng, tăng 3,3 lần. BMS giá hồi tháng 5 còn chưa tới 7.000 đồng, cuối tháng 11 giá có lúc tới 31.000 đồng, tăng 4,4 lần...
Có hàng chục CP trên sàn UpCoM tăng giá vùn vụt như vậy nhờ biên độ dao động tới 15% ở sàn này. Điều quan trọng hơn là gần như không có tổ chức đầu tư nào giao dịch tại UpCoM vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu là tiêu chuẩn công bố thông tin quá kém, cộng với mức thanh khoản quá nhỏ. Tuy nhiên, chính vì không có “dòng tiền dẫn dắt” nên UpCoM được giới đầu cơ ví như “miễn Viễn Tây” của hoạt động thổi giá. Những nhà đầu cơ có vốn vài tỷ đồng cũng có thể trở thành “tay to” và thỏa sức làm giá.
Hiện tượng bùng phát giao dịch với các CP đầu cơ nhỏ, đặc biệt là CP sàn UpCoM gắn liền với làn sóng nhà đầu tư cá nhân mới mở tài khoản. Tháng 11 vừa qua chứng kiến con số kỷ lục hơn 220.600 tài khoản đầu tư cá nhân trong nước mở mới. Chỉ 4 tháng trở lại đây có gần 600.000 tài khoản cá nhân mới.
Thanh khoản trên sàn UpCoM gia tăng đột biến gấp đôi bình thường, với kỷ lục trên 4,9 ngàn tỷ đồng của phiên ngày 19-11 vừa qua. Đó cũng là ngày chỉ số UpCOM-Index đạ đỉnh kỷ lục lịch sử. Chỉ từ đầu tháng 10 đến đỉnh lịch sử tháng 11, chỉ số UpCOM-Index tăng hơn 20%, trong khi chỉ số VN-Index tăng chưa tới 12%.
Sàn HNX tuy tiêu chuẩn cao hơn UpCOM, nhưng cũng chủ yếu tập hợp các CP chất lượng thấp hơn so với HoSE, và cũng không thiếu các mã tăng giá bằng lần. Chỉ số HNX-Index từ đầu tháng 10 tới đỉnh tháng 11 vừa qua cũng tăng trên 31%. Thanh khoản trên sàn này cũng chứng kiến mức tăng gấp đôi, có ngày đạt kỷ lục lịch sử gần 6,4 ngàn tỷ đồng.
Nếu so với mức thanh khoản 30.000-35.000 tỷ đồng mỗi ngày trên HoSE, thì mức thanh khoản của UpCOM và HNX rất nhỏ. Tuy vậy, với nhiều NĐT nhỏ lẻ tài khoản vài trăm triệu tới vài tỷ đồng vốn coi biến động giá CP là điều tối thượng, thì “miền Viễn Tây” này vẫn là nơi thỏa sức đánh cược với rủi ro để tìm kiếm lợi nhuận theo đúng tinh thần “muốn lợi nhuận cao phải biết chấp nhận rủi ro cao”. Cảm giác chiến thắng 100% hay 300% so với hiệu quả chỉ 15-20% của các quỹ đầu tư chuyên nghiệp là một cách thể hiện “bản lĩnh”.
Cuộc chơi phân bổ lại tài sản
Cơn bùng phát đầu cơ đã bắt đầu trả giá cuối tháng 11, đầu tháng 12 ở rất nhiều CP. Khi TTCK chứng kiến những phiên bốc hơi 2-3% ở VN-Index thì không một hoạt động đầu cơ nào có thể đi ngược dòng. Biến động cực mạnh những ngày qua xuất hiện ở thời điểm các CP đầu cơ đã tăng cực nóng và góp phần đẩy nhanh hơn sự sụp đổ ở nhiều mã dạng này.
Đối với VN-Index hay các CP niêm yết chất lượng cao, mức điều chỉnh giá vài phần trăm tới cả chục phần trăm vẫn chỉ như diễn biến tăng giảm thông thường theo chu kỳ, nhưng với nhiều mã nhỏ quá nóng thuần túy do đầu cơ, đây có thể là màn kết thúc vì thường dòng tiền rút ra, thanh khoản sẽ không còn để mà tháo chạy.
Một bằng chứng rất rõ là thanh khoản trên sàn UpCoM đã trở lại bình thường như giai đoạn đầu tháng 9, khi giao dịch chỉ khoảng 1.300-1.400 tỷ đồng mỗi ngày. Quy mô giao dịch co lại chỉ bằng một phần ba thời kỳ đỉnh cao, cũng có nghĩa là hai phần ba lượng vốn đó nằm kẹt ở CP và những người chiến thắng đã “một đi không trở lại”.
Vỡ bong bóng đầu cơ: Học phí chưa bao giờ rẻ ảnh 1 Biểu đồ: Tỷ trọng (%) giá trị giao dịch của nhóm CP smallcap sàn HoSE và UpCoM (màu xanh) so sánh với tỷ trọng giao dịch của rổ VN30 (màu đỏ) trong tổng giá trị thị trường hàng ngày. Vùng hội tụ trong tháng 11-2021 thể hiện quy mô đạt đỉnh của dòng vốn đầu cơ.
Ở một góc độ có phần “tàn nhẫn” của hoạt động đầu cơ, là những nhà đầu cơ thông minh đã thành công trong việc “gom tiền” của các nhà đầu cơ thiếu kinh nghiệm. Những đồng tiền non nớt mới gia nhập thị trường sẽ được phân bổ đúng hướng hơn sau đó, vì các làn sóng đầu cơ sau mỗi lần sụp đổ sẽ mất rất nhiều thời gian để lặp lại, vì cần chờ “lứa” nhà đầu cơ non nớt mới.
Điều này là đúng với mọi TTCK, khi hoạt động đầu cơ luôn là quá trình tái phân bổ tài sản, do tiền chạy từ túi “kẻ ngốc” sang túi của những nhà đầu tư thông minh. Chỉ có hoạt động đầu tư dài hạn vào giá trị doanh nghiệp mới là bền vững và gia tăng tài sản tích lũy theo thời gian.
Nhìn vào thị phần của sàn UpCoM và nhóm smallcap sàn HoSE (xem biểu đồ), có thể thấy từ đầu tháng 9 tỷ trọng đã gia tăng mạnh trong khi thị phần của các blue-chips VN30 lại giảm dần. Tỷ trọng giao dịch của các nhóm CP này hội tụ vào nửa cuối tháng 11 vừa qua, là giai đoạn dòng tiền vào VN30 ở mức tối thiểu và dòng tiền vào các CP nhỏ cùng với UpCoM ở mức tối đa.
Tỷ trọng giao dịch các nhóm CP này đã phân kỳ trở lại sau đó và giao dịch ở các mã nhỏ giảm xuống rõ rệt. Việc phân kỳ này mới là điều tốt cho thị trường, vì dòng tiền cần hoạt động mạnh hơn ở các blue-chips, vốn là trụ cột cho xu hướng tăng trưởng, cũng như đại diện cho dòng tiền đầu tư lớn.
Hiện tượng bùng phát giao dịch với các CP đầu cơ nhỏ, đặc biệt là CP sàn UpCoM gắn liền với làn sóng nhà đầu tư cá nhân mới mở tài khoản.

Các tin khác