![]() |
Chỉ cần thêm 3 trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, châu Âu sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu rau quả từ Việt Nam. Con số mong manh này khiến Cục Bảo vệ thực vật công bố 15 mặt hàng tạm ngưng xuất khẩu vào châu Âu, bất chấp thiệt hại cho các doanh nghiệp (DN) làm ăn nghiêm túc.
Sự tình cụ thể như sau: Cuối năm 2011, Bộ Công Thương đưa ra dự báo năm 2012 kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tăng mạnh. Bởi chỉ tính riêng trong 11 tháng năm 2011, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã vượt trên 500 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ.
Riêng thị trường châu Âu, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm 2011 ước đạt 79 triệu USD, tăng 10% so với năm 2010. Thời điểm này, nước ta có tới 84 mặt hàng rau hoa quả xuất khẩu sang châu Âu, tăng 14 mặt hàng so với cùng kỳ năm 2010.
Nhưng niềm vui này không kéo dài khi những ngày cuối tháng 3-2012, không ít DN xuất khẩu như ngồi trên đống lửa bởi Cục Bảo vệ thực vật công bố 15 mặt hàng tạm ngưng xuất khẩu vào châu Âu. Theo đó, cơ quan này cho biết chỉ trong vòng 2 tháng, từ ngày 1-6 đến 31-7-2011, trong số 63 đơn vị xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) đã có tới 50 trường hợp phát hiện không tuân thủ các tiêu chuẩn nhập khẩu.
Tổng vụ Sức khỏe và người tiêu dùng của Ủy ban châu Âu (EC) ra thông báo kể từ ngày 15-1-2012, nếu phát hiện thêm 5 trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, EU sẽ cấm nhập khẩu rau quả của Việt Nam.
Thực tế, trong tháng 3 đã có 2 trường hợp vi phạm và chỉ cần thêm 3 trường hợp vi phạm nữa, rau quả Việt Nam sẽ bị cấm nhập khẩu. Thêm vào đó, Hà Lan đã chính thức cảnh báo cấm mặt hàng bưởi Việt Nam do bị nhiễm sâu bệnh.
Quyết định này của Cục Bảo vệ thực vật đã khiến nhiều DN, nhất là các DN trước nay làm ăn nghiêm túc, chỉ còn biết than trời vì thiệt hại không thể lường trước. Hợp đồng đã ký với khách hàng, hàng hóa cũng chuẩn bị sẵn sàng nhưng không thể xuất do cơ quan chức năng từ chối cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Mất uy tín, mất đối tác và vô vàn các chi phí khác là hệ quả nhãn tiền. Một quan ngại khác là cục sẽ tạm ngưng cấp giấy phép kiểm dịch trong bao lâu? Vì càng kéo dài thời gian mức thiệt hại sẽ càng nhân lên gấp bội. “DN làm ăn không đúng thì không cho xuất đi.
Nhưng chúng tôi trước nay vẫn đáp ứng đủ nhu cầu phía đối tác tại sao lại ngưng cấp phép!” - giám đốc một DN bức xúc.
Quá nhiều câu hỏi được đặt ra trước quyết định này của Cục Bảo vệ thực vật. Bởi lẽ không chỉ vì một vài DN làm ăn gian dối mà lại đánh đồng cả những DN làm ăn nghiêm túc. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nếu nhìn sâu xa vào vấn đề, lỗi có thể không hoàn toàn thuộc về các DN làm ăn gian dối.
Nhìn lại 63 đơn vị xuất khẩu sang EU trong tháng 6 và tháng 7-2011, có tới 50 trường hợp phát hiện không tuân thủ các tiêu chuẩn nhập khẩu. Điều này làm nổi lên vai trò của các cơ quan chức năng, mà trước hết là Cục Bảo vệ thực vật - đơn vị cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng trên.
Nếu sơ suất có thể chỉ vài ba trường hợp chứ không thể sơ suất đến vài chục trường hợp như vậy. Tương tự, trong tháng 3 dù đã có thông báo từ phía châu Âu nhưng ta vẫn để “lọt lưới” 2 trường hợp.
Lỗi này do ai? Phải chăng câu chuyện cấm xuất khẩu rau quả đang lặp lại kịch bản của không ít ngành hàng khác là “không kiểm được thì cấm”. Sự lỏng lẻo của cơ quan kiểm soát gây thiệt hại không chỉ cho phía DN xuất khẩu mà cả uy tín của mặt hàng rau quả Việt Nam trên thị trường thế giới.
Một lý do khác khiến rau quả Việt Nam gặp khó tại thị trường EU được cho cũng xuất phát từ phía cơ quan chức năng: Cục Bảo vệ thực vật vẫn cho lưu hành một số loại thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên rau quả trong khi những chất này lại bị cấm ở thị trường EU. Cơ quan chức năng còn “mù mờ” như vậy, trách sao được DN?
Trong nỗ lực giải quyết, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn đã đề nghị phải xác minh EU cấm mặt hàng nào chứ không thể chung chung. Song song, Bộ cũng yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật lập đoàn kiểm tra những DN đạt Viet Gap, GobalGap, DN được EU chứng nhận...
Nơi nào đáp ứng về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật theo quy định hiện hành của EU thì sẽ cấp giấy phép xuất vào thị trường này. Trên thực tế, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam khi xuất đi thường gặp không ít rào cản và DN nước ta luôn bị thiệt hại, là vấn đề cấp bách cần tháo gỡ.