Vô tư niêm yết giá USD

Đầu năm 2011 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tỏ rõ quyết tâm chống "đô la hóa" nền kinh tế thông qua việc ban hành một loạt chính sách đã tác động tích cực đến thị trường ngoại hối, việc niêm yết giá hàng hóa bằng USD giảm hẳn. Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 95 tăng cường quản lý nhà nước về ngoại hối và kinh doanh vàng, ngăn chặn tình trạng "đô la hoá" nền kinh tế… với việc phạt đến 500 triệu đồng hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực này. Thế nhưng, gần đây tình trạng niêm yết giá hàng hóa bằng USD vẫn tồn tại.

Đầu năm 2011 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tỏ rõ quyết tâm chống "đô la hóa" nền kinh tế thông qua việc ban hành một loạt chính sách đã tác động tích cực đến thị trường ngoại hối, việc niêm yết giá hàng hóa bằng USD giảm hẳn. Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 95 tăng cường quản lý nhà nước về ngoại hối và kinh doanh vàng, ngăn chặn tình trạng "đô la hoá" nền kinh tế… với việc phạt đến 500 triệu đồng hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực này. Thế nhưng, gần đây tình trạng niêm yết giá hàng hóa bằng USD vẫn tồn tại.  

Giá dịch vụ vẫn tính bằng USD

Trong vai người tìm hiểu chương trình học Anh văn giao tiếp, chúng tôi tìm đến Trường giao tiếp quốc tế LEECAM cơ sở 5 trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TPHCM). Thy Trúc - cố vấn tuyển sinh tại đây - săn đón: “Để giao tiếp lưu loát, bạn sẽ trải qua 5 cấp học thông thường (Foundation, Targeting, Pre-Intermediate, Advanced) và 1 cấp học chuyên nghiệp (Premier Program). Mỗi khóa học thông thường học phí phải đóng 400USD, khóa học chuyên nghiệp học phí 500USD”.

Tại bảng thông báo kỳ thi chứng chỉ TOEIC và TOEIC BRIDGE dán trên bản tin nhà trường không quên thòng vào nội dung: “Để bảo đảm học viên không bỏ thi, khi đăng ký học viên phải ứng trước 35USD. Số tiền này sẽ trả lại vào ngày có kết quả thi”.

Khi được hỏi vì sao không niêm yết học phí và các khoản thu bằng VNĐ, người này trấn an: “Trường niêm yết bằng USD theo tỷ giá ngân hàng chứ không theo tỷ giá USD chợ đen, đừng lo!”. Tương tự LEECAM, nhiều cơ sở đào tạo Anh văn khác cũng vô tư niêm yết học phí và các khoản thu bằng USD.

Lý do niêm yết bằng USD được giải thích là để thể hiện rõ có yếu tố nước ngoài cho… sang, dễ thu hút học viên. Ngoài ra, nhà trường trả lương giáo viên nước ngoài bằng USD và một số trang thiết bị, tài liệu cũng phải nhập nên phải thu lại bằng USD.

 Các điểm dịch vụ du lịch vẫn vô tư niêm yết giá tour bằng USD. Ảnh: YÊN LAM

 Các điểm dịch vụ du lịch vẫn vô tư niêm yết giá tour bằng USD. Ảnh: YÊN LAM

Đối với các dịch vụ như du lịch sau khi cơ quan quản lý thị trường đẩy mạnh kiểm tra, xử phạt một số đơn vị vi phạm niêm yết giá bằng USD, nhiều cửa hàng đổi bảng giá mới niêm yết bằng VNĐ hoặc niêm yết song song USD và VNĐ. Ở một số nơi chủ cửa hàng đã sử dụng băng keo màu dán đè lên giá USD niêm yết.

Tuy nhiên, đó chỉ là thủ thuật nhằm qua mắt cơ quan kiểm tra. Bởi vì thực tế, dù niêm yết giá bằng VNĐ nhưng nhiều đại lý, cửa hàng báo giá với khách đều bằng USD. Trên đường Đỗ Quang Đẩu, quận 1, có đến gần chục công ty, đại lý cung cấp dịch vụ du lịch và đa số công ty này đều báo giá với khách đặt tour bằng USD.

Chúng tôi vào một đại lý cung cấp tour du lịch của CTCP Du lịch Việt Nam trên đoạn đường này và đề nghị xem giá tour đi Campuchia, nhân viên của công ty đưa ra chương trình du lịch “Chiêm ngưỡng kỳ quan thế giới Angkor - Phnômpênh” với giá 185USD/1 khách. Chương trình còn ghi rõ, khách du lịch phải tự chịu một số chi phí khác, cụ thể visa nhập cảnh Campuchia giá 25USD, visa tái nhập Việt Nam 40USD, mỗi khách phải bồi dưỡng hướng dẫn viên và tài xế 3USD/ngày…

Nhân viên này cho biết, khách có thể trả tiền bằng USD hoặc VNĐ theo tỷ giá lúc đặt tour. Tại Công ty du lịch Phúc Thiên Nhi, chúng tôi cũng được nhân viên ở đây giới thiệu tour đi Thái Lan 6 ngày 5 đêm với giá 325USD.

Điểm giống nhau giữa những đơn vị này là các chương trình du lịch đều được lồng kỹ vào các xấp giấy hoặc các quyển sổ lớn và để trong một góc khuất, một số nơi không ghi giá vào chương trình tham khảo, nhưng khi được yêu cầu in ra để mang về, nhân viên sẽ viết thêm giá tour tính bằng USD.

Theo khảo sát của chúng tôi, tại một số đại lý, showroom ô tô như showroom GM Daewoo (quận 10, TPHCM) vẫn còn niêm yết giá bán bằng USD. Khi được hỏi mua xe, Phương Thu - nhân viên bán hàng tại đây - báo giá thanh toán bằng USD: “Cruze LS 23.600USD (số sàn 1.6), Cruze LT 28.500USD (số sàn 1.8), Cruze LTZ 30.000USD (số tự động 1.8). Giá trên chưa bao gồm thuế trước bạ và phí đăng ký”. 

Báo giá VNĐ, thanh toán USD

Từ trước đến nay, khách mua hàng điện tử đều biết tại thương xá Tax thường bán hàng bằng giá USD. Một số người bán hàng cho biết sở dĩ bán hàng bằng giá USD cho người Việt vì hàng được nhập khẩu nên bán theo giá USD để tránh rủi ro tỷ giá, khi tỷ giá biến động, giá cả cũng không thay đổi nên khách hàng sẽ không nghi ngại về giá bán.

Anh Trần Minh Hùng, khách mua sắm, cho biết vừa mua một máy quay phim SONY HDR-XR160E tại thương xá Tax với giá 697USD, quy đổi ra bằng 15 triệu đồng. Anh cho biết thêm, ở trung tâm thương mại này, các mặt hàng như máy ảnh, máy quay phim… thường được báo giá bằng USD sau đó quy đổi theo tỷ giá hiện hành để khách thanh toán, đây là hình thức bán hàng đã tồn tại rất lâu.

Từ khi có quy định cấm niêm yết giá USD, các bảng niêm yết bằng USD đã biến mất khỏi các gian hàng nhưng việc báo giá bằng USD vẫn chưa chấm dứt.

Trước tình hình này, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết sẽ đẩy mạnh thanh kiểm tra triệt để hơn nhằm thực hiện đúng theo Nghị định 95/2011/NĐ-CP để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về ngoại hối, ngăn chặn tình trạng đô la hóa nền kinh tế, xóa bỏ thị trường ngoại tệ tự do.

Đơn vị nào vi phạm sẽ bị xử phạt nặng theo Nghị định 95 của Chính phủ. Cơ quan chức năng cũng đề nghị khách hàng nên báo khi gặp phải trường hợp trên để có cơ sở xử phạt.

Các tin khác