​Vốn FDI đổ vào BĐS: Mừng ít, lo nhiều

(ĐTTCO)-Trong bối cảnh thị trường BĐS TPHCM hết sức ảm đạm trước hàng loạt dự án đắp chiếu do bị thanh tra, vướng mắc thủ tục pháp lý, khiến nguồn cung sản phẩm giảm sút nghiêm trọng. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào lĩnh vực này tiếp tục ghi nhận tăng trưởng trong nửa đầu năm 2019. 
Khách hàng tham quan phối cảnh một dự án BĐS.
Khách hàng tham quan phối cảnh một dự án BĐS.
Dòng vốn ngoại đã sẵn sàng
Theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM, trong 6 tháng đầu năm, TPHCM có 572 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 528 triệu USD; 137 lượt dự án với tổng vốn đăng ký thêm 285 triệu USD. 
Trong đó, kinh doanh BĐS đứng đầu về vốn đăng ký với 26 dự án, đạt 225,9 triệu USD, chiếm 42,7% tổng vốn dự án được cấp phép mới. Ngoài ra, còn có 2.209 lượt nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đạt 2,27 tỷ USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ. Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần của doanh nghiệp FDI vào TPHCM đạt hơn 3 tỷ USD.
Trao đổi với ĐTTC, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), khẳng định vốn FDI rót vào BĐS TPHCM chiếm tỷ lệ cao trong 6 tháng đầu năm, cho thấy mức độ quan tâm, sự hấp dẫn lẫn xu hướng dịch chuyển dòng vốn vào Việt Nam.
Không riêng BĐS nhà ở, các loại hình BĐS công nghiệp, văn phòng - căn hộ cho thuê, giáo dục, y tế, nghỉ dưỡng, thương mại - dịch vụ… cũng sẽ có nhiều cơ hội đón nhận nguồn vốn này. 
Đồng quan điểm, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang nhận định việc nhà đầu tư ngoại tiếp tục cam kết bơm vốn, đã khẳng định sức hấp dẫn của thị trường BĐS lớn nhất cả nước. Trong năm 2018, TPHCM thu hút 7,39 tỷ USD vốn FDI, riêng hoạt động kinh doanh BĐS có vốn đầu tư FDI nhiều nhất, chiếm 42,7%.
Trong bối cảnh thị trường BĐS TPHCM nhiều “biến động” như hiện nay, có thể nói lượng vốn FDI 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, đã góp phần củng cố niềm tin nhà đầu tư.
“Có một thực tế, nguồn cung dự án, sản phẩm trên thị trường giảm 80% so với cùng kỳ, họ muốn rót vốn nhưng không biết rót vào đâu khi đầu ra bế tắc. Vì vậy, thay vì đầu tư trực tiếp phát triển dự án, khối FDI có xu hướng dịch chuyển đầu tư vào thị trường thứ cấp” - ông Trần Khánh Quang chia sẻ. 
Trong khi đó, theo ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Công ty Seaholdings, bức tranh chung của thị trường tuy có phần ảm đạm, nhưng quan sát sẽ thấy tính thanh khoản ở những dự án mới, sản phẩm mới rất cao, giá thành sản phẩm tăng mạnh, nhu cầu về BĐS là có thực.
Chính vì nhu cầu vẫn có, nhà đầu tư ngoại chắc chắn muốn nhảy vào để tìm kiếm cơ hội. Khả năng trong thời gian tới, khi doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, kiệt quệ, khối ngoại với tiềm lực tài chính mạnh sẽ tranh thủ thâu tóm các dự án tiềm năng với giá rẻ. 

Nhìn rõ mặt trái để khắc phục
 Hiện đang có thực trạng một số nhà đầu tư ngoại lợi dụng kẽ hở của pháp luật sở tại để trục lợi, "tay không bắt giặc" huy động vốn từ ngân hàng và khách hàng sau đó cao chạy xa bay.
Ông Lê Hoàng Châu, 
Chủ tịch HoREA
Tuy nhiên, bình luận về dòng vốn ngoại đổ vào BĐS TPHCM, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, lại cho rằng “mừng ít hơn lo”. Mặt tích cực của FDI là đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, bổ sung nguồn vốn, kinh nghiệm, đa dạng loại hình kinh doanh, nhưng mặt trái của FDI cũng rất đáng lo ngại.
“Vốn FDI rót vào BĐS tăng tưởng chừng “ngon” nhưng thực tế không phải vậy. Giá thành BĐS TPHCM hiện nay đã quá đắt đỏ, quá tầm với chi trả của số đông người dân. Nhà nước, người dân muốn thị trường phát triển những dự án, sản phẩm giá thành hợp lý, vừa túi tiền, nhưng hiếm doanh nghiệp nước ngoài nào đến đây làm nhà giá rẻ mà chỉ làm cao cấp. Từ đất, nhân công, nhà thầu xây dựng, bán hàng, người mua… tất cả của chúng ta nhưng lợi nhuận chảy vào khối ngoại” - ông Ngô Quang Phúc chia sẻ. 
Cũng bày tỏ lo ngại tỷ lệ vốn đổ vào BĐS quá cao, chiếm 42,7% trong tổng vốn dự án cấp mới, ông Lê Hoàng Châu phân tích dù BĐS hấp thụ 42,7% tổng vốn dự án được cấp phép mới - tỷ lệ khá cao trong cơ cấu vốn giữa các lĩnh vực - nhưng giá trị đầu tư chỉ vỏn vẹn 226 triệu USD, còn khiêm tốn, chưa đa dạng.
“Trong những năm qua, không thể phủ nhận dòng vốn FDI đã góp phần cải thiện bộ mặt hạ tầng và đô thị. Tuy vậy, tại nhiều địa phương, một thực tế đáng báo động, đó là nhan nhản dự án BĐS vốn đầu tư đăng ký lên tới hàng tỷ USD là ảo, không triển khai hoặc triển khai cầm chừng, giải ngân vốn thấp. Chưa kể, một số nhà đầu tư ngoại lợi dụng kẽ hở của pháp luật sở tại để trục lợi, "tay không bắt giặc" huy động vốn từ ngân hàng và khách hàng sau đó cao chạy xa bay” - ông Lê Hoàng Châu cho biết.
Theo nhiều chuyên gia, TPHCM cần phải rút ra bài học kinh nghiệm trong sàng lọc, đánh giá lại chất lượng dòng vốn FDI vào thị trường BĐS. Tránh tình trạng trải thảm đỏ thu hút vốn FDI bằng mọi giá để rồi kết quả nhận được chỉ là những con số trên giấy, dự án treo, quy hoạch treo.
BĐS là lĩnh vực đặc thù, từ khi đăng ký cấp phép, được cấp giấy chứng nhận đầu tư để triển khai dự án cần nhiều thời gian, thậm chí vài năm… Việc vốn ngoại đổ mạnh vào BĐS cần độ trễ để triển khai thành dự án, không có mâu thuẫn với tình hình thực tế quy mô, nguồn cung sụt giảm trên thị trường.  

Các tin khác