Vốn Hàn đổ mạnh vào Việt Nam

(ĐTTCO) - Khép lại năm 2015, Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Bước sang 2016, những chiến lược đổ vốn của người Hàn vẫn tiếp tục nóng.

(ĐTTCO) - Khép lại năm 2015, Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Bước sang 2016, những chiến lược đổ vốn của người Hàn vẫn tiếp tục nóng.

Điểm đến của người Hàn

Trong buổi họp báo công bố khai trương trung tâm thương mại siêu thị thứ 12 của mình sau 8 năm có mặt ở thị trường Việt Nam, ông Hong Won Sik, Tổng giám đốc Lotte Mart Việt Nam, đã chia sẻ thêm với báo giới thông tin Tập đoàn Lotte tiếp tục chi hơn 2 tỷ USD cho dự án ở Thủ Thiêm. Như vậy, Lotte với hơn 20 công ty thành viên đã đưa tổng vốn đầu tư của tập đoàn tại thị trường Việt Nam lên con số hơn 4 tỷ USD. Trong đó, tính riêng mảng bán lẻ (Lotte Mart), tập đoàn này đã đầu tư hơn 600 triệu USD và chắc chắn con số này sẽ tiếp tục tăng. Bởi theo ông Hong Won Sik, Lotte Mart Việt Nam đặt mục tiêu đạt 60 trung tâm thương mại vào năm 2020. Với dự án tỷ đô ở Thủ Thiêm, Lotte cho biết TPHCM đã cam kết trong tháng 5 này sẽ hoàn thiện hồ sơ cho tập đoàn, việc triển khai sẽ diễn ra trong cuối năm nay hoặc chậm nhất vào đầu năm 2017.

Vốn Hàn đổ mạnh vào Việt Nam cũng là một tín hiệu đáng mừng. Thế nhưng cũng có ý kiến lo ngại trong khi các nhà đầu tư Hàn Quốc đang tận dụng tốt FTA thì dường như các DN Việt Nam lại chậm chân ở chiều ngược lại. Điều này sẽ làm cán cân thương mại bị lệch nghiêm trọng trong thời gian tới.

Trước đó hơn 1 tháng, tập đoàn đa ngành CJ của Hàn Quốc cũng công bố với báo chí về việc sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong năm nay để mở rộng kinh doanh, sau khi đã rót khoảng 400 triệu USD trong gần 20 năm qua. Khoản đầu tư mới 500 triệu USD này được dùng để phát triển các dự án trong lĩnh vực văn hóa (như mở thêm rạp phim, sản xuất phim và ca nhạc...); thực phẩm, kho vận và nông thủy hải sản. Thực tế, đây là những lĩnh vực tập đoàn này đã đầu tư và phát triển ở Việt Nam trong những năm qua.

Trong buổi gặp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Tập đoàn Kumho Asiana (Hàn Quốc) cho biết sẽ mở rộng đầu tư sau 20 năm rót vốn vào thị trường Việt Nam. Trước đó, vào cuối năm 2015, Tập đoàn Samsung đã cam kết tiếp tục rót thêm 600 triệu USD vào dự án nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm, thiết bị điện tử gia dụng tại khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), nâng vốn của dự án lên 2 tỷ USD, dù dự án này chưa đi vào sản xuất.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) cách đây không lâu, đa số các công ty Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại thị trường nước ngoài đều chọn điểm đến là Việt Nam. Cụ thể, 49% trong tổng số gần 540 DN Hàn Quốc tham gia khảo sát về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia đều khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Điều này lý giải vì sao Hàn Quốc trở thành nước có vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam.

Nhìn thấy nhiều cơ hội

Việc các nhà đầu tư Hàn Quốc mở rộng vào thị trường Việt Nam đều được họ lý giải do nhìn thấy nhiều cơ hội tại thị trường với hơn 90 triệu dân, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ. Khi được hỏi từ nay đến năm 2020 Lotte Mart đặt mục tiêu có tới 60 trung tâm thương mại-siêu thị (hiện nay có 12) có quá tham vọng? Ông Hong Won Sik cho biết để đạt được mục tiêu, những năm tới Lotte Mart Việt Nam sẽ đẩy mạnh, mở thêm 4-5 trung tâm mỗi năm và đặc biệt sẽ thực hiện những thương vụ M&A những chuỗi bán lẻ khác. Hiện Lotte cũng là một trong những cái tên được nhắc đến trong cuộc đua mua lại chuỗi Big C Việt Nam. Không chỉ đặt mục tiêu ở chuỗi siêu thị, Lotte Mart còn cho biết sẽ triển khai chuỗi cửa hàng tiện lợi, dù chưa rõ thời gian cụ thể. “Với 11 siêu thị tại Việt Nam, mỗi tháng chúng tôi tiếp đón trên 1 triệu khách hàng, lượng khách tăng đều qua các năm. Riêng trong 2015, doanh số 11 siêu thị đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 30% so với 2014. Lượng khách đến siêu thị trong 2015 cũng tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái” - ông Hong Won Sik nói.

Cùng với Lotte, Emart của Hàn Quốc cũng đã có mặt tại thị trường Việt Nam. Emart Gò Vấp có tổng vốn đầu khoảng 60 triệu USD, trở thành một đối thủ lớn đối với các nhà bán lẻ hiện đại đang có mặt ở thị trường trong nước. Đây là thương hiệu siêu thị có hệ thống kinh doanh rộng khắp ở xứ kim chi với khoảng 160 điểm bán và được đánh giá rất thành công, thâu tóm cả chuỗi kinh doanh 16 siêu thị Walmart (Hoa Kỳ) ở Hàn Quốc vào năm 2006. Emart Việt Nam cho biết mục tiêu của công ty là sẽ phát triển đạt 10 điểm bán tại Việt Nam đến năm 2020.

Tập đoàn Lotte rất chú trọng vào mảng bán lẻ tại thị trường Việt Nam.

Tập đoàn Lotte rất chú trọng vào mảng bán lẻ tại thị trường Việt Nam.

Ngoài lĩnh vực bán lẻ, dệt may cũng là một cơ hội đầu tư đang được các nhà đầu tư Hàn Quốc nhắm đến. Lý do được biết đến chính là nhờ FTA Việt Nam - Hàn Quốc. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của 2 quốc gia sẽ được hưởng ưu đãi với thuế suất dần về 0%. Tiêu biểu trong lĩnh vực dệt may, thuế suất từ 3-18% sẽ giảm về 0% ngay khi FTA có hiệu lực. Đó là chưa kể những cơ hội Việt Nam có được từ các hiệp định thương mại tự do như TPP. Vì thế, một loạt dự án ngành dệt may, sản xuất sợi công nghiệp các loại có vốn Hàn Quốc đang tìm đến Việt Nam. Có thể kể đến như dự án 660 triệu USD của Công ty Hyosung tại Đồng Nai (mang danh nghĩa dự án của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng thực chất là vốn của một nhà đầu tư Hàn Quốc); dự án dệt may Panko 30 triệu USD ở Quảng Nam; dự án Việt Pan - Pacific có vốn đầu tư 8,5 triệu USD ở Thanh Hóa. Nông nghiệp cũng là một trong những nhóm ngành các nhà đầu tư Hàn Quốc đang nhắm đến trong thời gian tới.

Các tin khác