Những dự án tỉ USD đón đầu cơ hội
Ngày 16.1, Công ty CP điện gió Trung Nam Trà Vinh 1, thành viên của Trungnam Group đã tổ chức buổi lễ khánh thành Nhà máy điện gió Đông Hải 1 tại H.Duyên Hải (Trà Vinh) với tổng mức gần 5.000 tỉ đồng.
Dự án có tổng công suất 100 mW, quy mô 25 trụ gió và sẽ bổ sung khoảng 330 triệu kWh năng lượng xanh hằng năm cho lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Đáng chú ý, toàn bộ quá trình thi công gần 10 tháng của Nhà máy điện gió Đông Hải nằm trọn trong giai đoạn căng thẳng nhất của dịch bệnh. Quá trình tập kết, vận chuyển gần 70.000 tấn thiết bị nguyên vật liệu gặp không ít gián đoạn vì dịch bệnh, nhưng dự án về đích đúng tiến độ.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) mà Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa tham dự cuối năm 2021, lần đầu tiên VN chính thức công bố cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Với Nhà máy điện gió Trung Hải, dự kiến đến năm 2025, doanh nghiệp (DN) này sẽ nâng mức công suất sở hữu lên thành 3,8 GW năng lượng tái tạo và 1,5 GW điện khí LNG để đóng góp vào tiến trình giảm phát thải carbon tương đương hơn 13 triệu tấn carbon so với điện than, chung tay cùng chiến lược lớn của Chính phủ đối với ngành năng lượng.
Cũng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, UBND tỉnh Quảng Trị và tổ hợp nhà đầu tư gồm Tập đoàn T&T Group, Công ty CP năng lượng Hanwha (HANWHA), Tổng công ty điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS) vừa khởi công hợp phần kỹ thuật dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Quy mô giai đoạn 1 là 1.500 Mw với tổng vốn đầu tư hơn 2,3 tỉ USD (gần 54.000 tỉ đồng), đây là dự án điện khí lớn nhất tại tỉnh Quảng Trị hiện nay. Cùng với việc sử dụng nhiên liệu LNG sạch, dự án sẽ góp phần giảm thiểu những tác động ảnh hưởng đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Tân Long cũng đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc với quy mô lớn nhất châu Á tại xã Lương An Trà, H.Tri Tôn, tỉnh An Giang. Có diện tích 161.000 m2, nhà máy vận hành 100% giải pháp công nghệ được nhập khẩu từ châu Âu, nâng tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày.
Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long, cho biết Nhà máy gạo Hạnh Phúc đã được quy hoạch từ 3 năm trước, khi chưa xuất hiện Covid-19, nằm trong chiến lược dài hạn của tập đoàn hướng tới sản xuất gạo cao cấp cho thị trường nội địa.
Tuy trong giai đoạn dịch bệnh, việc vận chuyển, phân phối, giao thương đôi lúc gặp khó khăn, nhưng phía Tân Long nhận định thực phẩm là ngành hàng thiết yếu, có thể bị gián đoạn trong 1 thời điểm đột biến, thực tế sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, mọi hoạt động giao thương, buôn bán trở lại bình thường thì thị trường cũng sẽ nhanh chóng khôi phục và tiếp tục phát triển.
Khởi động loạt dự án hạ tầng nghìn tỉ
Ngày 18.1, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh An Giang đã khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến nối QL91 - tuyến tránh TP.Long Xuyên hơn 2.100 tỉ đồng. Đây là một trong hơn 10 dự án hạ tầng giao thông lớn sẽ được khởi công trong năm 2022.
Ngoài 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 sử dụng vốn đầu tư công đã nhận được cái gật đầu của Quốc hội, dự kiến sẽ khởi công một số đoạn tuyến ngay cuối năm 2022; nhiều dự án hạ tầng theo hình thức PPP (đối tác công - tư) cũng sẽ được khởi động trong năm nay.
Cụ thể, dự án Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) thuộc dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dự kiến khởi công vào cuối năm nay. Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài hơn 200 km, chia thành 3 đoạn đầu tư, trong đó Chính phủ giao UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện 2 đoạn H.Tân Phú - TP.Bảo Lộc và TP.Bảo Lộc - Liên Khương (H.Đức Trọng); đoạn Dầu Giây - Tân Phú do Bộ GTVT triển khai.
Riêng đoạn Tân Phú - Bảo Lộc dài 66 km, tổng mức đầu tư hơn 16.200 tỉ đồng, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có sự góp vốn của nhà nước. Đoạn Bảo Lộc - Liên Khương (nối TP.Bảo Lộc với cao tốc Liên Khương - Prenn) tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ 11.300 tỉ đồng, theo phương thức PPP.
Doanh nghiệp đã an tâm hơn
TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, cho rằng cần nhìn nhận những dự án lớn mà các DN bắt đầu làm hoặc tăng tốc trong giai đoạn này đều đã nằm trong kế hoạch chung và có sự chuẩn bị từ trước, không phải cho đến khi nhìn thấy cơ hội hay tiềm năng sau dịch mới bắt đầu triển khai.
Tuy nhiên, điều này khẳng định gói hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa được Quốc hội thông qua trước mắt đã có tác động về mặt tâm lý cho DN, giúp họ an tâm hơn, tin tưởng hơn để mạnh dạn tiếp tục triển khai các dự án đầu tư.
Theo ông Lịch, ý nghĩa lớn nhất của gói hỗ trợ kinh tế là tháo gỡ điểm nghẽn và thể chế để tăng khả năng hấp thụ vốn của tất cả thành phần kinh tế. Trong mọi trường hợp, khu vực vốn tư nhân vẫn là động lực để phục hồi kinh tế.
Đơn cử như ở TP.HCM, hằng năm vốn nhà nước chỉ chiếm 10 - 12%, phần còn lại chủ yếu là vốn tư nhân, xã hội hóa. Tuy có nhiều “mất mát” sau đại dịch nhưng đến nay, các DN đầu đàn ở từng lĩnh vực vẫn bám trụ được.
Ngoại trừ du lịch có nhiều gãy đổ, hoạt động của các ngành khác vẫn duy trì và đang phục hồi. Mặt khác, về cơ bản hạ tầng kinh tế chung vẫn ổn định, nền tảng của nền tài chính tương đối tốt.
Vì thế, các quyết định quan trọng liên quan cải cách môi trường đầu tư được áp dụng, cùng loạt dự án hạ tầng đầu tư công được triển khai với vai trò vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân sẽ trở thành đòn bẩy cho sự phục hồi, vực dậy mạnh mẽ của kinh tế VN trong năm 2022.
“Những tín hiệu trên là triển vọng bước đầu cho một môi trường kinh doanh không quá nhiều biến động trong năm nay. Những gãy đổ về chuỗi cung ứng giờ đã phục hồi. Xuất khẩu vẫn tăng mạnh, khu vực công nghiệp, chế biến chế tạo vẫn phát triển….
Những khu vực dịch vụ như TP.HCM sau thời gian đóng cửa cũng đã phục hồi. Cùng với sự sát cánh của khu vực kinh tế tư nhân, mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% trong năm 2022 là hoàn toàn khả thi” - TS Trần Du Lịch dự báo.
Đôn đốc phân bổ vốn đầu tư công
Sáng 19.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp phiên thứ 7 cho ý kiến về điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021 - 2025 cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương (đợt 2), và bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài từ số vốn chưa phân bổ. Theo đó, Chính phủ trình UBTVQH cho ý kiến việc phân bổ số vốn hơn 96.307 tỉ đồng, trong đó 88.009 tỉ đồng vốn trong nước cho 340 dự án và hơn 8.208 tỉ đồng vốn nước ngoài cho 49 dự án chuyển tiếp, khởi công mới. Trong báo cáo thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết hiện vẫn còn tới 542.753 tỉ đồng vẫn chưa được Chính phủ phân bổ, trong đó bao gồm 225 dự án khởi công mới của các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương với số vốn hơn 154.065 tỉ đồng chưa được hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Theo ông Cường, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng tiến độ giao vốn của Chính phủ như vậy là chậm, ảnh hưởng lớn đến thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn; Chính phủ cần có sự đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt để phân bổ hết số vốn còn lại. Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, “điểm nghẽn” của giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua là do khâu chuẩn bị đầu tư rất chậm. Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải cá thể hóa trách nhiệm để giải quyết căn bệnh này. Cũng trong chiều 19.1, UBTVQH đã bế mạc phiên họp thứ 7 hoàn tất chương trình đề ra.