Tăng nhanh hơn tăng trưởng tín dụng
Thị trường BĐS thời gian gần đây nóng lên tại nhiều địa phương khi giá BĐS có chiều hướng tăng mạnh, đã đặt ra lo ngại về sự trở mình của tín dụng BĐS. Liên quan vấn đề này, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, cho biết tính đến ngày 15-3 dư nợ cho vay BĐS tăng 2,13%, cao và nhanh hơn tốc độ tăng tín dụng của nền kinh tế (2,03%). So với cùng kỳ năm ngoái, tín dụng BĐS đã có sự tăng trưởng tích cực.
Theo phân tích của ông Đào Minh Tú, tín dụng đối với BĐS có 2 lĩnh vực. Thứ nhất, tín dụng vào các đối tượng kinh doanh, đầu cơ, các dự án không có khả năng thanh khoản, hiệu quả đầu tư BĐS trong tương lai không cao. Đối với lĩnh vực này, NHNN kiểm soát chặt chẽ và hạn chế qua những chế tài trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các tổ chức tín dụng (TCTD). Thứ hai, lĩnh vực tín dụng đầu tư để hỗ trợ thanh khoản cho các loại sản phẩm hàng hóa tiêu dùng BĐS, như nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà giá rẻ mang tính chất thương mại phục vụ cho tiêu dùng, nhu cầu sử dụng của người dân. Phần này vẫn được giao cho các NHTM triển khai.
“Trước tình hình BĐS có những dấu hiệu nóng, NHNN đã giám sát và có cảnh báo tới các TCTD. Hiện mức tăng 2,13% chỉ có ở một vài TCTD cho vay, có thể hơn mức bình thường so với trước đây” - ông Tú nói và cho biết NHNN đang theo dõi mức độ tăng trưởng tín dụng của thị trường BĐS trong quý đầu năm nay. Sự quan tâm này là cần thiết, bởi BĐS nằm trong nhóm lĩnh vực rủi ro cao theo phân loại cấp tín dụng của ngành NH nhưng luôn hút vốn vay tốt. Đáng chú ý, năm 2020 tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tín dụng tăng ì ạch, song tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực BĐS vẫn khả quan (9,97%).
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, năm 2020 dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS chiếm 7,2% tổng dư nợ toàn hệ thống. Bộ Xây dựng nhận định, quy định mới về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của NHNN cũng như nhu cầu tín dụng của nền kinh tế nói chung suy giảm do dịch Covid-19, nhưng tín dụng BĐS vẫn giữ được sự tăng trưởng. Thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng cho thấy, dù được kiểm soát nhưng tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh BĐS đã tăng mạnh hơn lĩnh vực phục vụ đời sống trong 2 tháng đầu năm nay. Cụ thể, dư nợ tín dụng BĐS đạt hơn 1,835 triệu tỷ đồng, tăng 2,13% so với 2020. Trong cơ cấu tín dụng BĐS, dư nợ kinh doanh BĐS tăng 2,82%, trong khi dư nợ phục vụ đời sống chỉ tăng 0,14%.
Kiểm soát dòng vốn
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 17-4, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN luôn đặt trọng tâm và điều hành với phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Đối với tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán, thời gian qua NHNN đã sử dụng các công cụ để kiểm soát rủi ro, như giảm dần tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện nay là 40%), áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với vốn điều lệ… Theo đó, tốc độ tăng tín dụng vào lĩnh vực BĐS có xu hướng chậm lại, dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng chung.
Theo các chuyên gia, đặt vấn đề kiểm soát dòng vốn vào BĐS lúc này là phù hợp với Thông tư 03/2021 của NHNN, bởi thông tư bổ sung các điều kiện để cơ cấu lại khoản nợ và kéo dài lộ trình trích lập dự phòng cho nợ tái cơ cấu đến năm 2023. Trong đó, việc kéo dài lộ trình trích lập dự phòng nợ tái cơ cấu sẽ giúp chi phí dự phòng của các NH không tăng quá mạnh trong năm 2021, các nhà băng có dư địa cho thu nhập giữ lại để hỗ trợ tăng cường an toàn vốn và thúc đẩy cho vay. Song năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trên GDP tăng đến 4,1 lần, cho thấy dòng vốn có xu hướng chảy vào các thị trường tài sản rủi ro như chứng khoán, BĐS. Đã có nhiều cảnh báo dòng tín dụng sẽ chệch hướng, khi NH có nhiều vốn rẻ nhưng khu vực sản xuất kinh doanh chưa đủ sức để hấp thụ, sẽ chảy sang các thị trường khác là BĐS, chứng khoán… không hỗ trợ được nền kinh tế.
Thực tế, NHNN đã triển khai nhiều công cụ để kiểm soát, như định hướng giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 30%, tăng hệ số rủi ro đối với các khoản vay phục vụ kinh doanh BĐS từ 150% lên 200%, áp dụng hệ số rủi ro từ 50% đến 150% đối với các khoản cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu mua nhà. Thế nhưng tín dụng BĐS vẫn tăng đều trong các năm qua. Đơn cử, năm 2020 VPBank đạt 28.380 tỷ đồng dư nợ cho vay kinh doanh BĐS, tăng 38% so với 2019; MB đạt 9.395 tỷ đồng, tăng hơn 75%; Techcombank 91.360 tỷ đồng, tăng 80%...
Ngoài ra, Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cũng chỉ ra, trong số 293.750 tỷ đồng dư nợ tín dụng tiêu dùng trên địa bàn TPHCM năm 2020, có khoảng 42% được sử dụng vào các mục đích có liên quan đến lĩnh vực BĐS tiềm ẩn rủi ro về an toàn tín dụng đối với các khoản vay này. Đây là vấn đề được HoREA đánh giá đáng quan ngại.
Trên tổng thể, vẫn phải nhìn nhận dòng vốn vào lĩnh vực BĐS đã được kiểm soát trong khoảng 2-3 năm trở lại đây. Song đi vào những số liệu cụ thể và diễn biến tăng nhanh hơn tốc độ tăng tín dụng của hệ thống NH trong quý I-2021 của lĩnh vực BĐS, việc cần có dữ liệu để đánh giá, kiểm soát dòng tín dụng vào lĩnh vực này đang là yêu cầu cần thiết.
Bởi hiện nay NHNN vẫn chưa thực sự siết cho vay BĐS, chỉ mới tăng cường điều kiện khi các nhà băng cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nói chung, trong đó bao gồm BĐS, chứng khoán, BOT…
Thủ tướng yêu cầu NHNN tổng hợp, phân tích dữ liệu để có đánh giá nhằm kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như tín dụng BĐS và chứng khoán. Đối với tín dụng vào BĐS, quản lý đảm bảo dòng vốn vào tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng BĐS thực sự của người dân, tránh đầu cơ. |