Đó là cuộc gọi đầu tiên bé N.Q. chủ động liên lạc gia sư Lê Hồng Hảo, sinh viên năm 4 khoa Luật, Học viện Cán bộ TPHCM, sau hơn 3 tuần được dạy kèm trực tuyến trong chương trình “Gia sư áo xanh” của Thành đoàn TPHCM.
Kiên trì tiếp cận
Nhận cuộc gọi từ cậu học trò nhỏ, Hồng Hảo vừa bất ngờ, vừa vui. Nhớ lại thời gian đầu tháng 10, khi chương trình mới khởi động, được giao nhiệm vụ dạy kèm N.Q., Hồng Hảo rất hồi hộp. “N.Q. vừa mồ côi cha vài ngày trước do Covid-19. Thằng bé mới 9 tuổi, nỗi đau lớn như vậy thì mình phải nói gì, làm gì. Tôi suy nghĩ rất nhiều để có thể tiếp cận N.Q. và để em ấy có thể mở lòng”, Hồng Hảo tâm sự.
Quả thực, N.Q. vốn nhút nhát, lại phải trải qua mất mát quá lớn nên Hồng Hảo khá khó tiếp cận. Mấy ngày đầu, gần như cô độc thoại, thi thoảng N.Q. tương tác nhưng rất hạn chế. Bằng sự kiên trì, hơn 2 tuần làm quen, trò chuyện, N.Q. dần mở lòng, chia sẻ với cô Hảo về cuộc sống hàng ngày và chủ động nhờ hướng dẫn những bài tập khó.
Khác với dạy kèm trực tiếp, với chương trình dạy kèm trực tuyến, bên cạnh việc hướng dẫn, bổ sung kiến thức, gia sư còn làm nhiệm vụ kết nối, chia sẻ với các em. Mỗi tuần, cô trò có 2 buổi trò chuyện, cùng làm bài tập, cùng ôn lại kiến thức. Hồng Hảo luôn dành thời gian tìm hiểu về chương trình học của các bé và tìm những mẩu chuyện vui, phù hợp với lứa tuổi N.Q để kể nhằm giúp buổi học không nhàm chán.
Nhận nhiệm vụ dạy kèm một hoàn cảnh đặc biệt là bé T.D học sinh lớp 3 (quận 6), bạn Nguyễn Lê Hồng Phúc, sinh viên năm 4 Trường ĐH Kinh tế TPHCM, được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Cuối tháng 8, T.D. mồ côi mẹ vì Covid-19. Hiện T.D. sống với bà, do ba đi làm xa. Biết hoàn cảnh như vậy, Hồng Phúc luôn giữ không khí vui vẻ nhất trong suốt buổi học để T.D cảm nhận được sự gần gũi.
Hồng Phúc cho biết, thành công nhất của cô trong mùa gia sư này là tình cảm cô trò đã trở nên thân thiết như chị em. Ngoài giờ học trực tuyến, hai cô trò thường xuyên trò chuyện qua điện thoại, kể cho nhau nghe những việc đã làm trong ngày. Dĩ nhiên, câu chuyện không thể thiếu tình hình học tập và những câu đố liên quan đến kiến thức T.D. đang học. Nhờ đó, Hồng Phúc nhanh chóng biết được những kiến thức T.D. còn yếu để bổ sung.
Sau hơn 1 tháng được kèm cặp thêm, T.D. đã có nhiều tiến bộ trong học tập, thường xuyên được cô giáo khen trước lớp. Đặc biệt, trước đây bé phát âm chưa chuẩn, được Hồng Phúc rèn luyện, nay bé đã cải thiện được.
“Biệt đội” giải cứu tâm lý
“Hôm nay em thế nào, học có mệt không? Có gì vui kể chị nghe với”, Nguyễn Ngọc Diệu, sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn TPHCM, gợi mở trước khi vào buổi học. Hơn 1 tháng tương tác cùng học trò, Ngọc Diệu đã phần nào nắm bắt được tâm tư, tình cảm của cô học trò nhỏ mình đang trợ giúp.
Ban đầu, N.D. (học sinh lớp 6, ba và ông mất do Covid-19) còn rụt rè, chưa cởi mở, tương tác. Ngọc Diệu hiểu D. chưa sẵn sàng để chia sẻ với người ngoài. Vậy là Diệu kiên nhẫn, tiếp tục các cuộc gọi điện thoại, đôi khi chỉ là hỏi thăm: “Hôm nay em thế nào, học có vui không?”.
Chính sự quan tâm ấy đã dần giúp mối quan hệ gần lại. Ngọc Diệu kể, trước khi tham gia chương trình, Diệu được học qua các lớp tập huấn. Bản thân Diệu cũng chủ động đọc thêm nhiều sách tâm lý, đặt mình vào hoàn cảnh của bé để lắng nghe, chia sẻ, đồng hành nhằm khích lệ, tạo động lực giúp D. sớm vượt qua rào cản tâm lý, lấy lại tinh thần học tập trong thời gian sớm nhất.
Ngọc Diệu là một trong hơn 300 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong chương trình “Gia sư áo xanh”. Theo ông Lê Nguyễn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM, chương trình “Gia sư áo xanh” năm nay có gần 800 tình nguyện viên đăng ký tham gia.
Dịch Covid-19 đã phá vỡ nhiều mái ấm gia đình, khiến nhiều học sinh phải chịu mất mát lớn, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý trong giai đoạn trưởng thành. Hiểu điều đó, chương trình năm nay đưa thêm mục tiêu giúp học sinh chữa lành vết thương, nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống thường ngày thông qua đội hình chăm sóc sức khỏe tâm lý.
Từ mục tiêu trên, đội hình gia sư áo xanh không chỉ làm nhiệm vụ bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh, mà còn theo dõi, tư vấn tâm lý, sức khỏe tâm thần cho các em. Chương trình mở rộng đối tượng thụ hưởng đến toàn bộ con em người lao động khó khăn, chứ không chỉ con công nhân tại các khu lưu trú. Thời gian triển khai dạy học cũng được tiến hành suốt năm, thay vì chỉ tập trung cao điểm vào hè như trước.
“Việc dạy trực tuyến cũng được đẩy mạnh nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, chương trình đã có những phương án mở rộng, thành lập thêm đội hình chăm sóc, ổn định sức khỏe tâm thần cho các bạn thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hoạt động nhằm chăm sóc và ổn định tinh thần cho các em mất cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ, người nuôi dưỡng trong giai đoạn vừa qua”, ông Lê Nguyễn Nam cho biết.