Một trường hợp cụ thể là ngư dân Trần Văn Hạo bị ngân hàng giữ sổ đỏ, rơi vào vòng xoáy tín dụng đen, vỡ nợ, phải trả tàu, bỏ trốn.
Năm 2015, ngư dân Trần Văn Hạo (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, Bình Định) ký hợp đồng đóng tàu vỏ thép số hiệu BĐ 99029 TS (940CV) trị giá hơn 18,7 tỷ đồng với Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở tại Hải Phòng). Tháng 8-2015, anh Hạo ký hợp đồng tín dụng với Vietcombank, Chi nhánh Quy Nhơn để vay 17,7 tỷ đồng (94% giá trị con tàu) và thế chấp sổ đỏ. Tuy nhiên, khi tàu đóng xong (năm 2016), anh Hạo mang đầy đủ hồ sơ con tàu đến thế chấp cho ngân hàng để lấy lại sổ đỏ thì phía ngân hàng không chịu.
Tàu vừa hạ thủy thì phát sinh sự cố hư hỏng phải nằm bờ chờ nhà máy đóng tàu khắc phục trong một thời gian dài. Ngư dân Hạo không có tiền trả lãi ngân hàng, dẫn tới nợ quá hạn. Anh Hạo xin vay vốn lưu động 600 triệu đồng để trả nợ, song vì sổ đỏ bị ngân hàng giữ nên anh không thể vay được. Ngư dân này gửi đơn cầu cứu khắp nơi nhưng vô vọng.
Gia đình ngư dân Trần Văn Hạo trốn nợ, bị xã hội đen tìm đến xịt sơn trên cửa nhà uy hiếp.
Áp lực nợ nần, rồi phải lo cho cuộc sống hàng ngày, việc ăn học của con cái khiến anh Hạo đi vay mượn khắp nơi. Đến đầu năm 2019, do việc đánh bắt liên tục thua lỗ, để có kinh phí ra khơi tiếp, anh Hạo phải đi vay nóng tín dụng đen. Số tiền vay nóng đội lên 1,2 tỷ đồng. Nợ nần chất đống, đẩy anh vào cảnh tán gia bại sản. Trước bức bách của các chủ nợ, xã hội đen và ngân hàng, vợ anh Hạo dắt con bỏ đi trước, ít tháng sau, anh này cũng bỏ nhà trốn biệt tích. Trước kia, khi bắt đầu tham gia NĐ67, ngư dân Hạo được phía ngân hàng đánh giá là làm ăn hiệu quả cao, gia đình khá giả!
Ông Trần Mão (75 tuổi, cha của anh Hạo) cho biết: “Thằng Hạo chịu không nổi áp lực nợ nần nên đành bỏ trốn. Trước đó, nó đã làm đơn xin trả tàu vỏ thép lại cho ngân hàng. Mới đây, các cơ quan chức năng và Ngân hàng Vietcombank có giấy mời nó về ký trả tàu, nhưng giờ chủ nợ thuê xã hội đen uy hiếp quá, nó không dám về ký. Hôm rồi, tôi đã gửi đơn cầu cứu đến UBND tỉnh Bình Định, UBND TP Quy Nhơn và đặc biệt là Vietcombank, mong họ trả sổ đỏ, tạo điều kiện cứu lấy mạng con tôi...”.
Ngư dân Hạo bỏ trốn đã 5 tháng, các chủ nợ thuê giang hồ truy lùng ráo riết khắp nơi. Hễ nghe phong thanh anh này trốn ở đâu là giang hồ tìm đến đó. Không tìm thấy, chủ nợ quay sang uy hiếp bố mẹ anh Hạo là ông Trần Mão (75 tuổi) và bà Trần Thị Khảm (69 tuổi). Ông Mão kể lại, ngày 23-9, xã hội đen kéo đến nhà và uy hiếp 7 ngày liên tiếp, khiến gia đình ông suy sụp tinh thần. Có hôm, dân xã hội đen xông thẳng vào nhà vừa hăm dọa, vừa phá tài sản, ném nước mắm, trứng thối, tạt sơn đầy nhà và cuối cùng là xịt sơn đỏ lên cửa sắt, trước hiên nhà… để đòi nợ.
Ông Trần Việt Quang, Chủ tịch UBND phường Đống Đa (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), cho biết: “Địa phương đã nhận được đơn trình báo của gia đình ông Mão. Chúng tôi chỉ đạo công an phường xuống hiện trường nắm bắt tình hình, làm rõ các đối tượng gây rối để điều tra, xử lý theo quy định. Về việc nợ nần của anh Hạo, địa phương không thể can thiệp được, vì đây là giao dịch dân sự”.
Trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Bình Định, nói trên thực tế NĐ67 không có quy định nào cấm ngân hàng giữ sổ đỏ của ngư dân. Trước đây, anh Hạo làm cam kết đồng ý và thỏa thuận cho Vietcombank giữ sổ đỏ. Còn việc anh Hạo làm đơn xin trả tàu, phía Vietcombank sẽ làm việc trực tiếp với ngư dân để giải quyết. Tuy nhiên, bây giờ ngư dân đòi trả tàu, có bán tàu đi cũng không đảm bảo thu hồi đủ nợ. Ở đây, phía Vietcombank có thể khởi kiện ngư dân, nếu không thu hồi đủ nợ.
Đem vụ việc phản ánh với địa phương, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nói vẫn chưa nhận được báo cáo cụ thể của Sở NN-PTNT về sự việc của ngư dân Trần Văn Hạo. Trong vài ngày tới, UBND tỉnh Bình Định sẽ triệu tập ngân hàng, các chủ tàu vay vốn NĐ67, trong đó có các ngư dân bị ngân hàng giữ sổ đỏ để cùng với các đơn vị chức năng họp bàn phương án giải quyết.