Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, những nguyên nhân chính khiến 34 trạm y tế thuộc 13 trung tâm y tế quận, huyện trên địa bàn TP “được” BHXH TP đưa vào danh sách phải tạm ngưng ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT là chưa kịp bổ sung người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật (do người phụ trách đã nghỉ hưu), chưa có người thay thế; biến động nhân sự làm trạm y tế thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, một số trạm y tế đang trong giai đoạn làm thủ tục hành chính để được cấp phép lại do thay đổi vị trí (do được xây dựng mới) và một vài trạm y tế có số lượt khám chữa bệnh BHYT ít nên tự xin BHXH TP ngưng khám chữa bệnh BHYT.
Sở Y tế yêu cầu các giám đốc trung tâm y tế quận huyện khi gặp khó khăn, vướng mắc phải báo cáo ngay với Sở Y tế để được hỗ trợ, không tự ý gửi văn bản đến BHXH TP xin ngưng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT tại các trạm y tế. Các bệnh viện quận huyện phải xem hoạt động hỗ trợ nhân lực, nhất là bác sĩ đa khoa, và cung ứng thuốc khám chữa bệnh BHYT là một nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm đối với công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn.
Sở Y tế yêu cầu giám đốc các bệnh viện đẩy mạnh nghiên cứu và đề xuất chọn các trạm y tế là phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện đặt tại trạm y tế. Các phòng chức năng thuộc Sở Y tế phải triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cho trạm y tế, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc (về nhân lực, thuốc,…) tham mưu lãnh đạo Sở Y tế các giải pháp phù hợp. Sở Y tế yêu cầu đến ngày 15-3, tất cả 34 trạm y tế trên phải hoàn thiện hồ sơ và tiếp tục ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT phục vụ người dân trên địa bàn.
Trước đó, BHXH TPHCM có thông báo 34 trạm y tế phường, xã ngưng đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, kể từ quý 2-2021. Lý do các cơ sở này xin ngưng là để kiện toàn lại nhân lực, cơ sở vật chất, thiếu bác sĩ, hoạt động không hiệu quả…