Zhang Xuen, ông chủ người Trung Quốc vận hành một khu khai mỏ ở tỉnh Gweru, miền Trung Zimbabwe, đã bị cáo buộc tội danh âm mưu giết người sau vụ nổ súng gây thương tích. Trước đó, Zhang đã bắn một công nhân khai mỏ 5 phát và làm bị thương một người khác khi xảy ra xung đột liên quan tới vấn đề tiền lương.
Vụ ông chủ người Trung Quốc bắn hai công nhân Zimbabwe là biểu hiện tình trạng lạm dụng "có hệ thống và trên quy mô lớn" tại các khu khai mỏ do Trung Quốc vận hành, Hiệp hội Luật sư Môi trường Zimbabwe (ZELA) cáo buộc, theo CNN.
Nổ súng vì bất đồng chuyện trả lương
Vụ việc xảy ra hôm 21/6, khi công nhân khai mỏ Kenneth Tachiona tìm tới ông Zhang để bày tỏ sự phản đối liên quan tới chuyện trả thù lao. Zhang được cho là đã từ chối trả lương cho Tachiona bằng USD như thỏa thuận trước đó, hồ sơ tòa án cho biết.
Khi bị công nhân người Zimbabwe đuổi theo đòi quyền lợi, ông chủ họ Zhang đã rút súng và nổ súng 5 lần vào chân của Tachiona.
Cảnh sát Zimbabwe cho biết Zhang cũng nổ súng thêm một lần nữa vào đám đông công nhân. Một viên đạn đã sượt qua cằm và làm bị thương một công nhân khác. Hai công nhân bị thương đang được điều trị tại bệnh viện.
Một đoạn video được cho là diễn biến vụ việc đã được đăng tải và lưu truyền rộng rãi trên mạng xã hội tại Zimbabwe, gây ra làn sóng phẫn nộ và kêu gọi nhà chức trách đánh giá lại hoạt động khai thác mỏ của các công ty Trung Quốc tại nước này.
Ông chủ công ty mỏ Trung Quốc Zhang Xuelin bị buộc tội tìm cách giết người sau khi bắn hai công nhân gây thương tích. Ảnh:Twitter. |
Đại sứ quán Trung Quốc ở Zimbabwe miêu tả vụ nổ súng là tình huống cá biệt và cho biết đang hỗ trợ nhà chức trách địa phương tiến hành cuộc điều tra công khai, minh bạch.
"Bất cứ hành động trái pháp luật hay cá nhân nào vi phạm pháp luật đều không được bao che. Trung Quốc và Zimbabwe có tình hữu nghị và hợp tác lâu dài. Chúng tôi kêu gọi tất cả bên liên quan kiềm chế và hành động cẩn trọng", Đại sứ quán Trung Quốc đăng tải một tuyên bố trên Twitter.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các công ty nước này ở Zimbabwe tiến hành hoạt động kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật nước sở tại, mang lại "đóng góp tích cực cho nền kinh tế và phát triển xã hội Zimbabwe".
"Chúng tôi tôn trọng việc Zimbabwe xử lý vụ việc theo khuôn khổ pháp luật, nhưng đồng thời hy vọng Zimbabwe bảo vệ sự an toàn, các quyền hợp pháp và lợi ích của công dân Trung Quốc", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Theo các thông tin do truyền thông địa phương đăng tải, phiên tòa xét xử Zhang hiện chưa bắt đầu bởi chưa có phiên dịch chính thức được tòa phê chuẩn. Zhang sẽ bị tạm giam ít nhất tới ngày 7/7.
Các công ty Trung Quốc và lịch sử tai tiếng
Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Zimbabwe, đồng thời có lợi ích lớn trong ngành khai thác mỏ ở quốc gia châu Phi.
Năm ngoái, công ty Tsingchan của Trung Quốc đã ký một thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD với Bộ Khoáng sản Zimbabwe để khai thác chrome, quặng sắt, nickel và than, những khoáng sản thiết yếu cho nền sản xuất tại Trung Quốc.
Hiện có ít nhất 10.000 người Trung Quốc đang cư trú dài hạn ở Zimbabwe, theo báo cáo của Viện nghiên cứu Brookings. Nhiều người Trung Quốc đang làm việc trong ngành khai mỏ, viễn thông, xây dựng. Tuy nhiên, sự hiện diện của người Trung Quốc đang gây ra tranh cãi ở quốc gia châu Phi.
Hoạt động khai thác tại các mỏ do người Trung Quốc điều hành, cũng như ở các mỏ do nhà nước Zimbabwe sở hữu, đã vướng vào các cáo buộc vi phạm quyền con người hay biện pháp an toàn lao động không bảo đảm.
Công nhân tại một mỏ quặng của Trung Quốc ở Zimbabwe. Ảnh:Reuters |
Hồi tháng 2, một nhóm công nhân khai mỏ ở tỉnh Matabeleland đã nộp đơn khiếu nại tới tòa án sau khi họ bị sa thải bởi giới chủ Trung Quốc.
Cuối tháng 4, các công nhân tại một khu mỏ khác do công ty Trung Quốc điều hành tại tỉnh Matabeleland cũng nộp đơn khiếu nại vì bị trả lương thấp và không được cung cấp quần áo bảo hộ khi làm việc.
Theo ông Shamiso Mutisi, phó giám đốc của ZELA, nhiều vụ việc giới chủ Trung Quốc từ chối trả lương hay không cung cấp quần áo bảo hộ cho công nhân bản địa, đặc biệt trong thời gian đại dịch Covid-19, đang được tổ chức này điều tra.
"Tình trạng này diễn ra đã trở thành hệ thống. Chúng tôi có những vụ việc công nhân khai mỏ bị lạm dụng, đánh đập, phân biệt đối xử bởi giới chủ và công nhân Trung Quốc", ông Mutisi nói.
Trong thông báo đưa ra hôm 1/7, ZELA cho biết công nhân địa phương tại các khu mỏ do các công ty Trung Quốc sở hữu phải làm việc trong điều kiện "nguy hiểm, khắc nghiệt, mạng sống bị đe dọa" nhưng mức lương nhận được rất thấp.
ZELA cho rằng vụ nổ súng hôm 21/6 là lý do tiếp theo để chính phủ Zimbabwe đánh giá lại quan hệ hợp tác chính trị và kinh tế với Trung Quốc.
"Tại nhiều khu vực ở châu Phi, trong đó có Zimbabwe, các nhà đầu tư ngành khai mỏ Trung Quốc đã có lịch sử tai tiếng về tiêu chuẩn an toàn lao động, sức khỏe, môi trường, và nhân quyền", tuyên bố của ZELA lên án.
Sau khi vụ nổ súng xảy ra, cộng đồng người Hoa ở Gweru đã lên tiếng hứa hẹn chi trả hóa đơn y tế cho hai công nhân bị thương, cũng như hỗ trợ gia đình họ xử lý vụ việc.
Trong một tuyên bố đưa ra, cộng đồng người Hoa cho biết vụ nổ súng không phản ánh hành vi của thành viên cộng đồng, đồng thời khẳng định đã tác động để thuyết phục công ty liên quan trong vụ việc bồi thường cho các công nhân bị thương.
"Chúng tôi chân thành hy vọng tình bạn và sự hợp tác giữa hai nước, hai dân tộc, sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự cố cá biệt này", tuyên bố có đoạn.
Trung Quốc đã tài trợ và cung cấp các khoản vay cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng trên khắp châu Phi trong những năm gần đây, bao gồm cả tòa nhà quốc hội mới ở Zimbabwe.
Căng thẳng về sự hiện diện lớn của Trung Quốc cũng đã sôi sục ở nước láng giềng Zambia, nơi ba ông chủ nhà máy Trung Quốc thiệt mạng được cho là do các nhân viên bất mãn sát hại hồi tháng trước.