Vui chơi, giải trí dịp lễ 2-9: Ý nghĩa và hoài niệm

(ĐTTCO) - Dịp lễ 2-9 năm nay, TPHCM không tổ chức bắn pháo hoa mà để dành kinh phí chăm lo người nghèo. Thay vào đó, sáng 2-9, tại khu vực bến Bạch Đằng, lá cờ Tổ quốc rộng 1.800m2 bay lên bầu trời bằng khinh khí cầu và có nhiều hoạt động văn hóa giải trí ý nghĩa khác.

Nhiều hoạt động dịp Quốc khánh 2-9 tại Đường sách TPHCM

Nhiều hoạt động dịp Quốc khánh 2-9 tại Đường sách TPHCM

Nhiều chương trình ý nghĩa

Tối 2-9, tại sân khấu chính trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, chương trình nghệ thuật đặc biệt Tết độc lập - Bừng sáng khát vọng dân tộc trình diễn các tiết mục ca múa ca ngợi quê hương đất nước và các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Vào tối 3-9, tại tiền sảnh Nhà hát thành phố, sẽ có chương trình biểu diễn ca múa nhạc truyền thống cách mạng Mùa thu và mãi mãi với chủ đề Tình ca đất nước. Chương trình do Hội Âm nhạc TPHCM phối hợp Trung tâm Tổ chức và Biểu diễn TPHCM thực hiện.

Vào các ngày 2, 3 và 4-9, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam tổ chức 4 suất diễn chương trình xiếc đặc biệt tại rạp xiếc Công viên Gia Định. Khán giả sẽ được thưởng thức các tiết mục xiếc đã đoạt các giải thưởng trong và ngoài nước như: trượt patin, Sắc sen, Ký ức, dây lụa, lướt ván, uốn dẻo, xiếc thú, ảo thuật… Ở điểm biểu diễn múa rối nước của nhà hát tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM, sẽ phục vụ liên tục từ ngày 1-9 đến 4-9, mỗi ngày 2 suất (10 giờ 30 và 14 giờ 30) vở Anh hùng Nguyễn Trung Trực.

Tại Đường sách TPHCM, từ nay đến ngày 4-9, Sở TT-TT TPHCM phối hợp NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, NXB Tổng hợp TPHCM, NXB Thông tin và Truyền thông, NXB Trẻ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - Cục Văn thư Lưu trữ (Bộ Nội vụ) và Đường sách TPHCM tổ chức đợt hoạt động kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Các đơn vị giới thiệu sách, tư liệu tiêu biểu về thắng lợi lịch sử - Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cùng với đó là triển lãm Cách mạng Tháng Tám - Mốc son lịch sử do Sở TT-TT phối hợp Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - Cục Văn thư và Lưu trữ thực hiện, được xem là điểm nhấn của hoạt động năm nay.

Chia sẻ những ký ức đẹp

Phát sóng sáng 4-9 trên VTV1, chương trình Thanh xuân tươi đẹp là những ký ức đẹp về thời kỳ đầu sử dụng internet tại Việt Nam của thế hệ 7x, 8x, 9x. Khách mời chia sẻ xúc cảm về thời điểm internet “bước chân” vào Việt Nam cách đây hơn 20 năm.

Xuất hiện trong Thanh xuân tươi đẹp tháng 9 trên chiếc ghế hồi - đáp, TS Mai Liêm Trực kể câu chuyện về ông và đồng nghiệp, vượt qua bao khó khăn để đưa “mạng” về. Ông cũng đặc biệt chia sẻ về ước mơ của thế hệ ngày ấy, đưa internet về Việt Nam - “đưa được thế giới về nước ta”, đồng thời bày tỏ mong muốn thế hệ trẻ ngày nay dùng internet để “đưa Việt Nam ra thế giới”. Cũng ở vị trí đặc biệt này, NSND Thanh Ngoan trình bày câu hát chèo về internet do chính cô sáng tác, đem lại tiếng cười cho khán giả. Nữ nghệ sĩ còn chia sẻ về câu chuyện lập Fanpage cho Nhà hát chèo Việt Nam, ngày ngày livestream kêu gọi mọi người nghe chèo, tham gia cuộc thi hát chèo online...

Với sự kết hợp hài hòa cả về nội dung, hình ảnh và âm nhạc, Thanh xuân tươi đẹp tháng 9, chủ đề Khi nhà có mạng sẽ mang đến ký ức chung về những câu chuyện đầy hoài niệm và thú vị của quãng thời gian đón internet vào cuộc sống của thế hệ 7x, 8x và cả 9x, đồng thời giúp chúng ta nhận ra, trân trọng hơn sự kết nối dù là trên internet hay ngoài đời thực.

Sau hai năm gián đoạn vì dịch Covid-19, chương trình Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi 2022 do Bộ TT-TT chỉ đạo sẽ trở lại vào ngày 2-9 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Với chủ đề Khát vọng Việt Nam, chương trình nhằm tôn vinh đội ngũ y bác sĩ sau thời gian dài chống dịch căng thẳng, đồng thời thể hiện khát vọng mãnh liệt của dân tộc Việt khi đi qua gian khó: Sống, hồi sinh và xây dựng đất nước trở thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng.

Từ ngày 1-9, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) tổ chức chuỗi hoạt động Vui Tết độc lập, trong đó có chương trình Sắc màu xứ Tuyên, tái hiện không gian văn hóa dân tộc vùng Đông Bắc với chương trình dân ca dân vũ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc.

Tại Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội), trong hai ngày 3 và 4-9 cũng diễn ra nhiều hoạt động giao lưu với các nghệ nhân làm đồ chơi truyền thống.

Ngày 31-8, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế khai mạc triển lãm chuyên đề Từ Ngọ Môn đến Ba Đình lịch sử giới thiệu hơn 200 tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý giá.

Trong đó, thu hút khán giả tham quan là bộ sưu tập vũ khí thô sơ mà nhân dân Thừa Thiên - Huế sử dụng trong những ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám; 13 trang báo Quyết chiến, Chiến sĩ phát hành năm 1945 đưa tin về Cách mạng Tháng Tám ở Huế và sự kiện vua Bảo Đại thoái vị; Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại; bản thảo Tuyên ngôn độc lập in và phát hành năm 1945; một số hiện vật gốc về phong trào Bình dân học vụ…

VĂN THẮNG

Các tin khác