Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, trong vòng 10 năm qua, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng đến chóng mặt.
Nếu năm 1992, trung bình 1 người Việt Nam chỉ tiêu thụ 2,5 lít/năm, năm 2012 tỷ lệ này đã tăng lên 31,9 lít/người/năm. Theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International năm 2011, Việt Nam tiêu thụ 2,6 tỷ lít bia, đứng đầu Đông Nam Á, vượt xa 2 nước đứng ở vị trí tiếp theo là Thái Lan và Philippines thì năm 2012 đạt 2,8 tỷ lít (tăng 8% so với năm 2011).
Chính mức tăng trưởng này đã tạo sức hút mạnh cho thị trường bia Việt Nam. Hiện có khoảng 350 cơ sở sản xuất bia trong nước, nhưng thị phần chính thuộc về 3 "đại gia": Sabeco (47,5%), Habeco (7,3%) và VBL (Công ty Bia Việt Nam - 18,2%).
Trong đó Sabeco dẫn đầu dòng bia phổ thông, còn VBL chiếm lĩnh phân khúc cao cấp. Hiện Anheuser-Busch InBev (AB InBev), hãng sản xuất bia lớn nhất thế giới, cũng đang lên kế hoạch tiến vào Việt Nam cuối năm và sẽ xây nhà máy sản xuất.
Để chuẩn bị "tiếp đón" những ông lớn từ nước ngoài, Sabeco cũng đang đẩy mạnh đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất. Tháng 9-2012, Sabeco đã khởi công xây dựng nhà máy bia công suất 50 triệu lít/năm tại thành phố Vĩnh Long, với vốn đầu tư 600 tỷ đồng. Trước đó, tháng 6-2012, công ty này cũng xây dựng một nhà máy công suất tương đương tại Ninh Thuận.
Dự kiến cả 2 nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Tương tự, VBL cũng liên tục đầu tư nhằm tăng công suất tại các nhà máy của mình. Cuối tháng 3-2013, Công ty TNHH VBL Tiền Giang tổ chức lễ khởi công dự án mở rộng công suất nhà máy bia từ 65 triệu lít bia/năm lên 150 triệu lít bia/năm. Dự án được đầu tư hơn 50 triệu USD và dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 6-2014.
Bia nhập khẩu tuy còn chiếm một vị trí khiêm tốn, nhưng cũng là đối thủ đáng gờm cho các DN sản xuất trong nước vì mức độ gia tăng nhanh của các thương hiệu cũng như sự yêu chuộng của người tiêu dùng dù mức giá không hề rẻ. Hiện những thương hiệu như Budweiser, Bit Burger, Leffe Brown, Hoegaarden White, MOA, Cooper, Bavaria... đều đã có mặt tại Việt Nam.
Sức hút của bia tại Việt Nam cũng đã từng làm nhiều DN lấn sân và đã thất bại. Đơn cử như Công ty Tân Hiệp Phát với sản phẩm bia tươi Laser. Với mức đầu tư lên tới 200 triệu USD, Tân Hiệp Phát đã từng rất tự tin khi tung ra thị trường dòng sản phẩm bia tươi đóng chai đầu tiên tại Việt Nam. Thế nhưng, sản phẩm này thất bại chỉ sau 8 tháng tung ra thị trường.
Một thất bại khác thuộc về CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), với tham vọng tận dụng kênh phân phối sữa để phân phối bia. Năm 2006, Vinamilk quyết định liên doanh với Tập đoàn Bia SABMiller xây dựng nhà máy sản xuất bia công suất 100 triệu lít/năm với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD.
Năm 2007, nhà máy đi vào hoạt động và tung ra dòng sản phẩm bia Zorok. Thế nhưng, thực tế không được như mong muốn nên năm 2009 Vinamilk đã chuyển nhượng toàn bộ vốn của mình lại cho SABMiller.