Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng ngư dân Bình Thuận vẫn kiên cường bám biển
Thu nhập ổn định
Ngày cuối cùng của tháng 3, tỉnh Bình Thuận vẫn đang ghi nhận 9 trường hợp mắc Covid-19. Hai tuyến phố sầm uất của TP Phan Thiết vẫn đang cách ly, phố xá vắng vẻ, im lìm. Dưới cảng Phan Thiết, cảng cá lớn nhất của tỉnh Bình Thuận, hàng trăm con tàu cùng những người ngư dân cũng đang lặng lẽ, nhưng để chuẩn bị ra khơi bám biển…
Hơn 7 giờ sáng, anh Trần Quang Sang (phường Lạc Đạo, TP Phan Thiết) cùng bạn thuyền của mình chộn rộn chuyển vật dụng thiết yếu cho chuyến ra khơi dài ngày. Với những ngư dân như anh Sang, cái nắng, cái gió dường như là “người bạn” theo họ suốt những tháng ngày lênh đênh trên biển. Vậy mà, trước sự xuất hiện của dịch Covid-19, những khuôn mặt đen sạm vì nắng, gió ấy, nay đều đã được bịt kín bằng những chiếc khẩu trang. Chỉ tay về con tàu hơn 300 CV của mình, anh Sang chia sẻ: “Thời tiết hiện đang rất thuận lợi để chúng tôi ra khơi. Từ đầu năm tới nay, tàu của tôi đã đi được 2 chuyến và chuyến nào cũng đều đạt kết quả tốt. Sau khi trừ chi phí, mỗi anh em trên tàu đều nhận được hơn 10 triệu đồng cho chuyến đi biển khoảng 30 ngày”.
Cách đây gần một tháng, khi tỉnh Bình Thuận ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên thì ông Võ Văn Sáu (ngụ phường Hưng Long) cùng những người bạn của mình đã ra khơi. Sau gần 20 ngày, con tàu hơn 300 CV của lão ngư này trở về với một khoang đầy ắp cá nục và mực. “Khi chúng tôi trở về đất liền đúng lúc tình hình dịch phức tạp, địa phương tôi ở đã có 9 ca mắc, nhưng hải sản của chúng tôi vẫn bán được giá cao, không hề bị thương lái ép giá. Chuyến này tôi đánh được gần 10 tấn cá nục, trừ chi phí cũng thu lời vài chục triệu đồng”, ông Sáu vui vẻ cho biết.
Thay vì chọn cách ở lại nhà, anh Nguyễn Quang Trường (ngụ phường Hưng Long) cùng những người bạn ra khơi đánh bắt dài ngày để phát triển kinh tế và xem đây như là một biện pháp “cách ly với xã hội” an toàn. “Ngoài biển, chúng tôi hầu như không tiếp xúc với ai nên không có nguồn lây nhiễm dịch bệnh. Chúng tôi cố gắng, kiên trì bám biển không chỉ để đảm bảo cuộc sống gia đình mà còn mong muốn góp phần tạo ra nguồn thực phẩm cung cấp cho các tỉnh thành trong thời điểm khó khăn này”, anh Trường tâm sự.
Đảm bảo an toàn cho ngư dân
Ông Nguyễn Nam Long, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, thông tin, mặc dù dịch Covid-19 đang rất phức tạp nhưng hoạt động đánh bắt thủy hải sản của bà con địa phương vẫn diễn ra bình thường. “Do làm tốt công tác tuyên truyền nên hầu hết ngư dân trước khi lên tàu ra khơi đều đã khai báo y tế, sức khỏe đảm bảo. Ngoài ra, ngư dân địa phương luôn chấp hành việc đeo khẩu trang khi tiếp xúc, giao tiếp ở khu vực cảng. Khi lên tàu đi khai thác, ngư dân chủ yếu giao tiếp nội bộ trên tàu nên hạn chế nguồn lây nhiễm Covid-19”, ông Nguyễn Nam Long nhấn mạnh.
Còn ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, cho biết, để đảm bảo việc khai thác hải sản hiệu quả, đảm bảo sức khỏe cho ngư dân, ngành thủy sản đã liên tục phối hợp với các đơn vị liên quan, yêu cầu ngư dân ký cam kết thực hiện các quy định khi khai thác hải sản. Trong đó, những tàu cá ra khơi phải có giấy phép khai thác, lắp thiết bị giám sát hành trình và phải tuân thủ nghiêm ngặt việc báo cáo khi tàu ra vào cảng. “Trước khi ra khơi, tôi đều yêu cầu anh em phải đi kiểm tra y tế, đảm bảo không ai có những triệu chứng của dịch Covid-19 như ho, sốt, khó thở. Ngoài ra, để an toàn cho mọi người, tôi đã chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn để mọi người dùng trên tàu”, ngư dân Trần Quang Sang vui vẻ chia sẻ cách đảm bảo sức khỏe cho mình và mọi người.
Thống kê của ngành NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, địa phương có ngư trường quản lý khai thác rộng 52.000km2, là 1 trong 3 ngư trường lớn nhất cả nước, trữ lượng khai thác đánh bắt hải sản hàng năm đạt 240.000 tấn hải sản các loại. Với lực lượng lao động thường xuyên làm việc trên biển trên dưới 40.000 người, nên việc đảm bảo sức khỏe cho mọi người sẽ góp phần phát triển kinh tế của địa phương trong tình hình dịch bệnh này.