Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Quốc lộ 1A đến cảng Cửa Việt tỉnh Quảng Trị dài gần 14 km tổng mức đầu tư hơn 440 tỉ đồng từ nguồn vốn dự án “quản lý tài sản đường bộ Việt Nam” vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 – 2022.
Đến tháng 1 năm 2023, do hết thời gian thực hiện dự án và hiệp định vay nên phía Ngân hàng Thế giới (WB) đã không gia hạn hiệp định vay. Từ đó đến nay, dự án này buộc dừng thi công, chờ tìm nguồn vốn khác. Hiện nay, hàng loạt hạng mục cầu, cống đang làm dang dở, vật liệu xây dựng tập kết ngổn ngang bên đường. Một số đoạn, các đơn vị thi công đào, bóc lớp đất mặt để lại những hố sâu nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông.
Gia đình ông Nguyễn Văn An ở mặt tiền Quốc lộ 9, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị thuộc diện giải tỏa cho biết, phần diện tích đất trồng lúa của gia đình đã bàn giao cho dự án, còn lại nhà ở chưa đền bù nên chưa thể bàn giao. “Họ mới bồi thường đất ruộng của bà con, bồi thường xong họ mới làm được mấy cái cống. Giá đền bù quá thấp làm người dân khó tái định cư. Nhà tôi sát đường cần phải tái định cư, nếu không gần đường quá sau này bụi bặm, tiếng ồn, nguy cơ tai nạn”, ông An nói.
Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Quốc lộ 1A đến cảng Cửa Việt bị cắt vốn dừng dự án do chậm giải phóng mặt bằng. Nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng ban đầu dự kiến khoảng 75 tỉ đồng, nhưng do giá đất tăng đột biến và thay đổi thiết kế nhiều lần hiện tăng lên 345 tỉ đồng. Đến nay, tỉnh Quảng Trị mới giải phóng bàn giao được 4,5 km nhưng chủ yếu lất đất trồng lúa, hơn 9,3 km còn lại đang vướng nhà dân, công trình chưa giải tỏa được.
Ông Hoàng Chiến Công, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Gio Linh cho biết, trong quá trình thực hiện dự án bị vướng khung chính sách giải phóng mặt bằng. Trong khi dự án đòi hỏi tiến độ nhanh nên công tác giải phóng mặt bằng không đáp ứng được.
“Dự án đưa ra nhiều phương án giải tỏa, điều chỉnh quy mô thiết kế liên tục từ rộng đến hẹp nên công tác giải phóng mặt bằng làm lui, làm tới rất mất thời gian. Hiện nay, dự án đang tạm dừng thi công và công tác giải phóng mặt bằng. Vừa rồi, tỉnh có văn bản chỉ đạo tái khởi động lại nhưng vẫn chưa biết khi nào”, ông Công cho biết.
Tại tỉnh Quảng Trị, hàng loạt dự án trọng điểm khác cũng chậm tiến độ kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và đi lại của người dân. Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị đang làm chủ đầu tư hơn 20 dự án giao thông trọng điểm, dự án nào cũng chậm tiến độ. Có dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm, thậm chí hơn 10 năm vẫn chưa xong. Cụ thể như Dự án "Đường nối cầu An Mô vào Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn" tại huyện Triệu Phong dài khoảng 6 cây số, qua nhiều lần điều chỉnh triển khai 7 năm nay vẫn chưa xong.
Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Quốc lộ 1A đến cảng Cửa Việt dừng thi công trong khi 1 cầu thi công dang dở.
Dự án đường cứu hộ, cứu nạn đoạn từ thượng lưu cầu Thạch Hãn đến đập Trấm huyện Triệu Phong khởi công từ năm 2010 đến năm 2014 thì dừng thi công do thiếu vốn. Đến năm 2019, tỉnh Quảng Trị tái cấu trúc lại dự án này và tiếp tục thi công nhưng hiện vẫn còn dang dở.
Cầu dây văng bắc qua sông Hiếu cơ bản đã hoàn thành nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng vì đường kết nối hai đầu cầu chưa thi công. Dự án đường Hùng Vương kết nối Hành lang kinh tế Đông Tây và khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị sau gần 2 năm thi công cũng chỉ làm đươc một vài hạng mục.
“Tiến độ không đạt và chậm liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt thời gian gần đât nguồn đất đắp san lấp công trình rất khó khăn, năng lực tài chính hầu hết các doanh nghiệp thi công cũng rất khó khăn. Về giải phóng mặt bằng, đa số người dân đồng thuận, tuy nhiên một số hộ dân còn khiếu nạn và chưa đồng thuận với giá bồi thường, hiện đang kiến nghị giá bồi thường”, ông Võ Phong Luân, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị thừa nhận.