Tuy nhiên để đạt mục tiêu này, các startup trải qua một hành trình xa xôi.
Bước đầu thành công gọi vốn đầu tư
Trong dịch Covid-19, nhiều startup Việt vẫn công bố huy động vốn thành công hàng triệu USD nửa đầu năm 2020 như Siêu Việt Group, Propzy, OnPoint. Tháng 2 vừa qua, Affirma Capital công bố đầu tư 34 triệu USD vào Công ty nhân sự Siêu Việt (Siêu Việt Group) - đơn vị sở hữu TimViecNhanh, Vieclam24h, MyWork và ViecTotNhat. Propzy, startup trong lĩnh vực proptech (ứng dụng công nghệ vào bất động sản) tại Việt Nam cũng gọi vốn thành công 25 triệu USD trong vòng Series A.
Dẫn đầu vòng rót vốn lần này là Gaw Capital và SoftBank Ventures Asia (quỹ chuyên đầu tư vào startup châu Á của tập đoàn Nhật Bản SoftBank). Hồi tháng 4, OnPoint, nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển thương mại điện tử Việt Nam công bố gọi vốn thành công 8 triệu USD trong vòng Series A từ một số nhà đầu tư, trong đó dẫn đầu là Quỹ đầu tư Kiwoom của Hàn Quốc và Quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Nam DAIWA-SSIAM II... Đây là những tín hiệu vui cho giới startup.
Đáng chú ý, Grab đã công bố 13 startup tham gia chương trình Grab Ventures Ignite, gồm loạt hoạt động đào tạo chuyên nghiệp, cố vấn, gọi vốn và nhiều hỗ trợ khác. Chương trình kéo dài 14 tuần, được thiết kế riêng biệt nhằm xây dựng năng lực cho các startup tại Việt Nam, thông qua các buổi huấn luyện do chuyên gia chủ trì, tư vấn với đội ngũ giám đốc cấp cao, chia sẻ kiến thức và giao lưu với startup khác.
Các startup tham gia gồm Abivin, bePOS, GoDee, Hana, Medici, Emiso, Papaya, Stringee, Sumi, Vbee, WeCare247. Sau đó sẽ chọn 5 startup thắng cuộc - với cơ hội nhận giải thưởng đầu tư trên 1 triệu USD và các dịch vụ hỗ trợ giá trị khác từ Grab và đối tác. Theo ông Hồ Minh Đức, CEO của startup Vbee, đây là cơ hội dành cho Vbee và các startup tiếp cận các quỹ đầu tư, hệ sinh thái Grab tại Việt Nam và Đông Nam Á.
“Covid-19 đã gây nhiều khó khăn và áp lực cho các startup tại Việt Nam. Dù vậy, thách thức có thể biến thành cơ hội nếu startup sẵn sàng đón nhận, nắm bắt những thay đổi. Chúng tôi sẽ tận dụng thế mạnh khởi nghiệp đầu tiên tại Đông Nam Á để nuôi dưỡng các startup Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”, bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam chia sẻ.
Xa nhưng cũng nên nghĩ đến
Không chỉ tìm nhà đầu tư, việc phát hành IPO cũng là mục tiêu tiên quyết mà startup hướng đến với mong muốn mở rộng quy mô và tăng giá trị. Tại hội thảo “Con đường tiến tới IPO: Cơ hội và thách thức cho DN khởi nghiệp và DN nhỏ và vừa” (do Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TPHCM - SIHUB tổ chức), các chuyên gia tài chính, chứng khoán cho hay, thực hiện IPO là một cột mốc quan trọng, tạo cơ hội cho DN thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên, IPO hiện vẫn là một thách thức với DN nhỏ và vừa, càng khó khăn hơn với các startup.
Theo bà Nguyễn Hồng Mai, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Tâm Anh, nếu muốn “lên sàn”, bản thân DN trước tiên phải xem đã sẵn sàng minh bạch công ty mình chưa, đó là sự minh bạch về công nghệ, nhân sự, báo cáo tài chính.
Bà Mai phân tích, khi IPO, những nhân sự chủ chốt, điểm yếu tài chính tạm thời có thể bị lộ và đối thủ sẽ khai thác. Ngoài ra, phải xác định được khả năng tăng giá của cổ phiếu là điều kiện để nhà đầu tư chú ý, bởi họ muốn cổ phiếu phải có khả năng tăng đột phá, đột biến mới đầu tư.
Yeah1 (mã YEG) được xem là startup đầu tiên của Việt Nam thực hiện IPO cách đây ba năm và từ đó đến nay chưa thấy startup nào thực hiện IPO. Để thực hiện điều đó, DN này đã mất một khoảng thời gian rất dài để chuẩn bị và gặp nhiều thách thức.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Yeah1 cho biết, Yeah1 phải chuẩn bị đến 12 năm để thực hiện IPO. Đó là sự chuẩn bị dài hơi, có chiến lược cụ thể. Theo ông Nhượng Tống, muốn IPO thành công, DN phải xác định rõ ai là người mua cổ phiếu của mình.
Và vẫn còn nhớ, một startup “kỳ lân” của Việt Nam là VNG cũng đã có ước mơ niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ. Hơn 3 năm trước, việc VNG ký kết thỏa thuận về việc niêm yết với sàn Nasdaq dấy lên những kỳ vọng lớn lao, nhưng câu chuyện chỉ là… ý định. VNG hiện vẫn chưa tiết lộ gì thêm về thời gian, phương án phát hành, kế hoạch gọi vốn và sử dụng vốn… liên quan đến IPO, nên việc VNG ký thỏa thuận với sàn Nasdaq chỉ là bước đầu tiên trong hành trình dài khó khăn.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB, cho biết các DN nhỏ và vừa sẽ gặp không ít thách thức trên con đường tiến tới IPO. SIHUB đã lên kế hoạch trong 3 năm tới sẽ tổ chức xây dựng một học viện chuyên đào tạo nhằm hỗ trợ các startup tiến tới IPO, hỗ trợ DN khi lên sàn chứng khoán.