Những tháng gần đây, mặc dù tình hình thế giới, nhất là các quốc gia thuộc EU-đối tác của Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đang có nhiều biến động, nhưng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tăng trưởng. Đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, đó là vấn đề trước mắt, do các đơn hàng cũ để lại, do nhu cầu thực tế của thị trường, không phải là cách làm mang tính bền vững.
Thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam sẽ nâng cao uy tín, thương hiệu ngành chế biến gỗ xuất khẩu được khẳng định, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu. Xây dựng chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp gắn với quản lý rừng bền vững là đòi hỏi của thị trường quốc tế, đây cũng là bài toán mang tính sống còn cho các doanh nghiệp ngành gỗ, càng giải sớm, càng có lợi.
Vì mục đích phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, Hiệp định VPA/FLEGT tạo điều kiện để Việt Nam giải quyết tận gốc vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp, quản lý rừng bền vững, thương mại gỗ có trách nhiệm, thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về lâm nghiệp, xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với qui định quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia Hiệp định còn vì mục đích đối ngoại, nhằm thực hiện các cam kết quốc tế về quản lý rừng bền vững, các mục tiêu thiên niên kỷ, hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu do mất rừng trên toàn cầu, thực hiện cam kết COP 26.
Thực hiện mục tiêu này, các doanh nghiệp gặp rất nhiều thách thức trước mắt, nhưng sẽ đem lại lợi ích lâu dài. Do đó, các doanh nghiệp cần nhanh chóng đầu tư nguồn lực (nhân lực và tài chính) vào cải tiến sản xuất, điều kiện lao động, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu.
Phân tích một số nội dung quan trọng liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam Nguyễn Tường Vân cho biết, Hiệp định VPA/FLEGT là một trong những nội dung cam kết trong Chương 13: Thương mại và phát triển bền vững của Hiệp định Thương mại tự do VN-EU (EVFTA).
Đây là điều kiện bắt buộc nhằm đáp ứng quy định về gỗ hợp pháp của EU và các thị trường khác có quy định tương tự như Mỹ, Australia, Nhật, Hàn Quốc nhằm tăng cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam vừa là quốc gia sản xuất, vừa là quốc gia tiêu thụ gỗ.
Thị trường xuất nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đa dạng (hiện Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ gần 80 quốc gia), vì thế Việt Nam cũng dễ bị ảnh hưởng khi một trong các thị trường xuất nhập khẩu chủ lực thay đổi quy định pháp luật và chính sách về quản lý và thương mại gỗ.
Chuỗi cung ứng gỗ dài và phức tạp với nhiều nguồn gỗ, đa dạng về thị trường có sự tham gia của nhiều bên liên quan (hơn 10.000 doanh nghiệp và khoảng 1,4 triệu hộ gia đình trồng rừng). Hạn chế lớn nhất hiện nay là ngành gỗ đã và đang phát triển rất nhanh nhưng chưa bền vững do chưa có thương hiệu quốc gia, chưa có thương hiệu doanh nghiệp mang tầm cỡ quốc tế; sức cạnh tranh còn kém, năng lực quản trị doanh nghiệp chưa cao.
Ông Lưu Tiến Đạt (Tổng cục Lâm nghiệp) chia sẻ, thực hiện cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Theo đó, quy định rõ việc quản lý gỗ nhập khẩu thông qua xác định loại gỗ và quốc gia xuất khẩu gỗ; vùng địa lý tích cực và không tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam; phân chia loại gỗ thuộc loại rủi ro hoặc không thuộc loại rủi ro; yêu cầu giấy phép CITES hoặc giấy phép FLEGT đối với gỗ xuất khẩu...
Như vậy, Nghị định 102 áp dụng như một bộ lọc cho các doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ xuất khẩu, nhằm loại thải rủi ro và không tích cực ra khỏi “cuộc chơi” của sàn thương mại lâm sản.
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), hằng năm, thế giới mất đi khoảng 100 triệu hecta rừng, trong đó chủ yếu là rừng nhiệt đới.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, chính phủ các nước đang mất khoảng 10 tỷ đến 15 tỷ USD/năm do khai thác gỗ bất hợp pháp, số tiền lẽ ra được dành để cải thiện cuộc sống của người dân. Với việc mua gỗ và sản phẩm gỗ “không quan tâm đến nguồn gốc”, các quốc gia đã vô tình cung cấp tài chính cho các hành vi vi phạm rừng và làm cho việc thực thi luật pháp ở một số nước sản xuất gỗ trở nên suy yếu, tăng chi phí, tác động đối với giá buôn bán gỗ trên toàn cầu, làm suy thoái rừng và trong một số trường hợp còn gây ra xung đột chính trị.
Trước tình hình đó, chính phủ các nước tiêu dùng gỗ lớn như EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản đã đưa ra các quy định mới về gỗ hợp pháp để góp phần chống lại nạn khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp ở các nước sản xuất.
Năm 2008, Mỹ sửa đổi đạo Luật Lacey (tháng 4/2010 có hiệu lực với mặt hàng gỗ) đã quy định cấm nhập khẩu gỗ bất hợp pháp vào thị trường nước này, doanh nghiệp nhập khẩu phải khai báo nguồn gốc gỗ hợp pháp, quy định về các hình thức xử phạt.
Năm 2010, EU ban hành qui chế gỗ hợp pháp (EUTR 995) có hiệu lực vào tháng 3/2013 đã cấm nhập khẩu gỗ bất hợp pháp vào EU; các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ vào EU phải làm trách nhiệm giải trình, nhà nhập khẩu EU có trách nhiệm truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Năm 2012, Australia ban hành Luật chống khai thác gỗ bất hợp pháp, có hiệu lực từ 30/11/2014, buộc các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ vào Australia sẽ phải khai báo nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Năm 2016, Nhật Bản ban hành “Luật gỗ sạch”, khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản sử dụng gỗ hợp pháp.
Năm 2018, Hàn Quốc cũng ban hành Luật sử dụng gỗ bền vững yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu phải khai báo và nộp bằng chứng, giấy tờ gỗ hợp pháp cho tổng cục lâm nghiệp Hàn Quốc trước khi thông quan.
Như vậy, cùng với EU, nhiều thị trường quốc tế cũng đã ban hành các đạo luật riêng nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ và các sản phẩm gỗ vào thị trường của mình và đặt các điều kiện để áp dụng chính sách kiểm soát hàng hóa nhập khẩu hiệu quả.
Để tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp ngành gỗ cần rà soát lại chiến lược kinh doanh để có nguồn lực tốt nhất, tiếp tục cơ cấu lại ngành hàng của mình theo hướng hiện đại bền vững.
Về quản lý nhà nước, hiện các cơ chế chính sách của nhà nước cũng đang hướng tới mục tiêu mở rộng xuất khẩu, do đó, cơ chế, chính sách cần phải tạo ra những tác động tích cực từ khâu cung cấp gỗ nguyên liệu đầu vào cho đến khâu xuất khẩu sản phẩm.
Chính phủ khuyến khích tạo nguồn nguyên liệu theo hướng tăng nguồn cung gỗ nội địa có nguồn gốc hợp pháp (chủ yếu là gỗ rừng trồng), đồng thời tạo cơ chế thông thoáng cho hoạt động nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Nguồn vốn của các tổ chức tín dụng cũng cần được ưu đãi khuyến khích trồng rừng gỗ lớn nhằm tạo nguồn cung nguyên liệu phù hợp. Diện tích rừng trồng có chứng chỉ cần tiếp tục gia tăng.
Cùng với đó, các doanh nghiệp chế biến gỗ phải cải tiến, nâng cao công nghệ sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu. Để chinh phục thị trường khó tính EU, các doanh nghiệp chế biến gỗ cần chú trọng đầu tư, áp dụng tự động hóa trong sản xuất, áp dụng công nghệ quản lý mới, nâng cao chất lượng, tay nghề công nhân để giảm giá thành, tăng năng suất lao động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm và bắt kịp xu hướng tiêu dùng của thị trường này.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, tạo lập và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng, thông qua việc tập trung nguồn lực thực hiện chuyên môn hóa, giảm chi phí giao dịch và chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh... Để nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp gỗ cần phải bắt tay ngay vào việc xây dựng chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp gắn với quản lý rừng bền vững...