- PHÓNG VIÊN: Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ có đề cập tới việc xem xét mở lại một số đường bay quốc tế từ 1-7-2020, TCDL nhận định như thế nào về quyết định này?
Bà NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG: Việc mở lại đường bay từ ngày 1-7 là một tín hiệu vui đối với ngành du lịch, bởi lẽ dù chỉ chiếm số lượng nhỏ so với lượng du khách trong nước nhưng khách du lịch quốc tế đóng góp tới hơn 50% doanh thu của ngành.
- Hiện ngành đã lên kế hoạch chuẩn bị như thế nào đối với việc mở cửa này trong thời gian tới?
- Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi là một trong những quốc gia kiểm soát thành công dịch Covid-19 sớm nhất, được truyền thông quốc tế đánh giá cao. TCDL đang xây dựng các kịch bản để đón khách quốc tế khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Nếu dịch bệnh được khống chế ở một số thị trường trọng điểm, TCDL sẽ kiến nghị Chính phủ nới lỏng hạn chế, khởi động lại việc quảng bá, xúc tiến thu hút khách quốc tế trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn về kiểm soát y tế.
Khu vực ASEAN và Đông - Bắc Á có thể là những thị trường cần tập trung thu hút trước tiên. Việc kết nối hành lang an toàn du lịch, đón tiếp khách du lịch quốc tế đến từ những thị trường có thực tế kiểm soát dịch bệnh tốt cũng đang được tính đến.
- Du khách quốc tế đến bằng đường bộ cũng chiếm tỷ trọng khá lớn trong số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong nhiều năm qua. Ngành du lịch có xây dựng kịch bản riêng đối với các nhóm đối tượng du khách đến theo các con đường khác nhau không?
- Khách du lịch quốc tế đường bộ sang Việt Nam bằng cửa khẩu phía Bắc như Lào, Campuchia. Đây là đối tượng khách chiếm tỷ trọng lớn và việc kiểm soát cũng được áp dụng tương tự như đối với đón khách qua đường hàng không. Mọi tiêu chí về an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 được triển khai và kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên, du lịch là một ngành tổng hợp, liên ngành, liên vùng rất phức tạp. Vì thế, để đảm bảo an toàn, đặc biệt là trong phòng chống dịch, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các tổ chức, doanh nghiệp du lịch.
- Sau dịch Covid-19, nhiều nước xung quanh cũng sẽ mở cửa thị trường du lịch quốc tế, việc canh tranh thu hút khách du lịch được xác định sẽ rất khốc liệt. Do đó, để có được các sản phẩm tốt, dịch vụ tốt đáp ứng được nhu cầu du khách, giá cả cạnh tranh thì các doanh nghiệp, hãng lữ hành, hàng không, phải cùng phối hợp chặt chẽ, tập hợp xây dựng được các sản phẩm tốt.
TCDL đã tuyên truyền mạnh mẽ về việc kiểm soát dịch ở Việt Nam và khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng. Chúng tôi cũng làm việc với nhiều đại sứ quán, cùng với các hãng hàng không để có những đề xuất liên quan đến việc đón khách trong nước và quốc tế trở lại. Đồng thời, chúng tôi thực hiện kế hoạch quảng bá, phối hợp các bên, đồng hành cùng các tập đoàn lớn, đối tác trong và ngoài nước để quảng bá về điểm đến Việt Nam.
TCDL cũng yêu cầu sở quản lý du lịch các địa phương, các doanh nghiệp du lịch tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh tại các khu, điểm du lịch, dịch vụ du lịch và đối tượng tham gia hoạt động du lịch. Trong đó, thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn cho khách du lịch, điểm đến và lao động ngành du lịch; sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, không để dịch bệnh lây lan qua đường du lịch.
Các kế hoạch quảng bá, kích cầu du lịch đối với thị trường quốc tế đã được chuẩn bị sẵn sàng. Thời gian vừa qua, các hãng lữ hành, hàng không, lưu trú đã bàn thảo để xây dựng các sản phẩm, các gói du lịch an toàn, phù hợp với nhu cầu của du khách. Khi nào mở cửa bầu trời, được phép đón khách du lịch quốc tế thì chỉ việc tung ra sản phẩm.
- Hiện nay, việc kích cầu du lịch được ngầm hiểu là giảm giá các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Làm thế nào để có thể đảm bảo được môi trường du lịch lành mạnh, giảm giá mà không giảm chất lượng?
- Nền kinh tế bị ảnh hưởng lớn bởi Covid-19, muốn kích cầu du lịch nội địa thì giảm giá là một trong những yếu tố then chốt. Tuy nhiên, chất lượng của ngành du lịch theo tôi phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lực con người, tức là dịch vụ.
Để duy trì dịch vụ tốt, có chất lượng mà không đòi hỏi phát sinh nhiều chi phí, quan trọng hơn cả là cách thức điều hành. Đào tạo, huấn luyện nhân viên ở các điểm cung ứng dịch vụ du lịch để có thái độ phục vụ thân thiện hơn và kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp hơn sẽ rất quan trọng, đặc biệt là tại thời điểm này.
Đây là kinh tế thị trường, vì thế cơ quan quản lý nhà nước bên cạnh việc đưa ra định hướng, chủ trương chung để kêu gọi các doanh nghiệp cùng chung tay vượt qua và nắm bắt thời cơ thì công tác kiểm tra để đảm bảo quyền lợi của khách du lịch cũng sẽ được tăng cường.
Hiện, chúng ta đã có nhiều quy định về quảng cáo, thương mại, niêm yết công khai giá cả, đúng chất lượng, vì thế những hiện tượng quảng cáo không đúng sự thật sẽ bị kiểm soát và xử lý nghiêm để đảm bảo môi trường minh bạch của du lịch.