Huế với hàng trăm công trình di tích đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Bao quanh TP Huế với nhiều làng quê xinh đẹp và con sông thơ mộng.
Theo GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế, bên cạnh những di sản văn hóa đã được xếp hạng, tỉnh còn nhiều giá trị văn hóa tinh thần khác rất độc đáo, đang có nguy cơ mất đi, nên cần phải gìn giữ và phát huy giá trị.
Chưa tương xứng tiềm năng
Trải qua bao biến thiên lịch sử, Huế vẫn bảo tồn được chân dung “Một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị”, với hàng trăm công trình nghệ thuật tinh vi, phong phú và đa dạng về phong cảnh, đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc, hòa quyện vào cảnh quan kỳ diệu của thiên nhiên, có giá trị đặc biệt về lịch sử và về văn hóa nghệ thuật. Bao quanh Huế còn là hệ thống làng quê xinh đẹp...
Đó là nét đặc thù để xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với bản sắc văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường. Đồng thời giúp Thừa Thiên - Huế phát huy vai trò, vị thế trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Tuy nhiên, 10 năm triển khai thực hiện Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020, Thừa Thiên - Huế dù đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trong tất cả các lĩnh vực, song phát triển vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, quy mô kinh tế còn nhỏ, hệ thống đô thị phát triển chậm, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ… Việc phát triển đô thị Huế còn nhiều hạn chế, trong đó tiêu chuẩn khó khắc phục nhất liên quan đến việc tập trung đẩy mạnh quy mô dân số theo quy định chưa phù hợp với định hướng phát triển của đô thị.
“Nếu áp dụng bộ tiêu chí xét công nhận thành phố trực thuộc Trung ương cho Thừa Thiên - Huế như hiện nay sẽ không phù hợp. Do đó cần phải xây dựng một bộ tiêu chí riêng, để xây dựng đô thị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên” - ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết.
Theo ông Thọ, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận được nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, khoa học đề xuất tiêu chí đánh giá đô thị có tính chất đặc thù về di sản phù hợp với điều kiện của đô thị hiện đại. Cần bổ sung về tính chất đặc thù di sản nhằm thuận lợi, phù hợp với đô thị Thừa Thiên - Huế trong việc đề nghị công nhận đạt tiêu chí đô thị loại I.
Cụ thể, với tiêu chí quy mô dân số và mật độ dân số có thể thấp hơn, nhưng tối thiểu phải đạt 50% mức quy định. Các tiêu chí khác phải đảm bảo mức quy định của loại đô thị tương ứng, đề xuất với Trung ương các cơ chế chính sách đặc thù để quản lý, bảo tồn di sản và đầu tư phát triển hạ tầng đô thị…
Tạo cú hích lịch sử
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa kiến nghị, nếu Thừa Thiên-Huế được công nhận là đô thị di sản trực thuộc Trung ương sẽ là một động lực quan trọng, tạo cú hích lịch sử để bước vào thời kỳ phát triển mới. Song cần lưu ý đến việc cải thiện đời sống, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập người dân theo hướng phát triển kinh tế dịch vụ đô thị, dịch vụ văn hóa du lịch.
Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, việc xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là câu chuyện nói nhiều, bàn nhiều từ 10 năm nay. Nhưng hiện không ít người dân vẫn chưa hiểu rõ chủ trương này nên cần đẩy mạnh tuyên truyền để tạo đồng thuận. Việc tham vấn ý kiến các chuyên gia không chỉ để xây dựng các tiêu chí của một đô thị di sản cho riêng Huế, mà là cơ sở để Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung, sửa đổi tiêu chí phân loại đô thị tại Nghị quyết ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, xem xét lấy Thừa Thiên - Huế làm mô hình điển hình.
“Nếu được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên những tiêu chí về đô thị di sản, thì sẽ thuận lợi rất nhiều trong việc tạo cho Huế một vị thế ngang tầm với 5 đô thị trực thuộc Trung ương hiện nay, và ngang tầm với vị thế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây là cơ sở quan trọng để thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng quay trở lại bảo tồn di sản, cũng là cơ hội để giải quyết những mâu thuẫn muôn thủa giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa trầm lắng của người Huế với sự năng động đổi mới sáng tạo.
Dù việc này mất bao nhiêu thời gian nữa thì cũng luôn khẳng định một quan điểm thống nhất rằng: Thừa Thiên - Huế luôn xuyên suốt một mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống người dân, chất lượng đô thị và bảo tồn các giá trị của di sản văn hóa. Những năm tới, Thừa Thiên - Huế tiếp tục tập trung cho phát triển, đầu tư nâng cao mức sống theo hướng đô thị di sản, văn hóa, thân thiện môi trường và thông minh” - ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh triển khai nghiêm túc và thực hiện hiệu quả nghị quyết... Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan và Thừa Thiên - Huế sớm hoàn thành nghị quyết; trong nghị quyết, sớm cụ thể hóa, xây dựng bộ tiêu chí đặc thù, cơ chế đặc thù, chính sách đặc thù về trực thuộc Trung ương trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế… |