Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, đã dành cho phóng viên cuộc trao đổi xung quanh dự án này.
Đồng chí NGUYỄN THỊ LỆ: Việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 là cần thiết, cấp bách và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống không chỉ của người dân TPHCM, mà cả các tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thứ nhất, TPHCM là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế của cả nước, đầu tàu kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng hiện đang có điểm nghẽn do sự phát triển của hệ thống giao thông vận tải chưa đáp ứng yêu cầu.
Chi phí logistics cao, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên tại các đô thị, nhất là TPHCM. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường vành đai, vẫn chưa được đầu tư theo tiến trình quy hoạch. Do vậy, việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của TPHCM mà còn của các tỉnh, thành phố trong vùng và của cả nước nói chung.
Thứ ba, tuyến đường sẽ góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ khu vực, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho tương lai. Bên cạnh đó, khi được đưa vào sử dụng, đường Vành đai 3 sẽ bảo đảm kết nối thế trận khu vực phòng thủ của các địa phương lân cận và TPHCM; tạo điều kiện phát triển các khu vực nông thôn như huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh…
Thứ tư, giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu. Hiện nay, các tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đang khai thác giai đoạn 1) cũng như các tuyến quốc lộ hướng tâm đều quá tải, nhất là vào khung giờ cao điểm ở các cửa ngõ thành phố. Việc đầu tư hoàn thành tuyến đường vành đai này với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn sẽ góp phần làm giảm áp lực đối với khu vực nội đô, hạn chế tình trạng ách tắc giao thông trong thành phố và khu vực.
Đồng thời, việc xây dựng tuyến đường vành đai 3 khép kín cùng với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến sẽ hoàn thành năm 2023, còn góp phần phân luồng giao thông liên tỉnh khi đi qua TPHCM.
Thứ năm, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Khi sử dụng tuyến đường, các phương tiện vận tải liên tỉnh không phải đi qua khu vực tập trung đông dân cư, giảm đáng kể thời gian hành trình, chi phí vận tải; hạn chế ách tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường khu vực nội đô.
-Để thực hiện dự án, dự kiến có gần 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có gần 1.500 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư - riêng TPHCM có 741 hộ. Nhằm hạn chế đến mức tối thiểu tác động tiêu cực đến đời sống của những hộ dân này, TPHCM đã chuẩn bị như thế nào?
-Để đảm bảo tính hiệu quả, tiến độ của dự án, căn cứ các quy định của pháp luật, TPHCM và các địa phương có dự án đi qua đã đề xuất phân chia dự án thành 8 dự án thành phần; tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương.
Theo đó, mỗi địa phương sẽ thực hiện 2 dự án thành phần: 1 dự án xây lắp và 1 dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Các dự án thành phần sẽ được triển khai hoàn thành đồng bộ theo tiến độ chung của toàn dự án.
Như tôi được biết, các địa phương có dự án đi qua đều đã có phương án chuẩn bị các địa điểm, số lượng nền, căn hộ để bố trí tái định cư cho các hộ phải di dời theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng.
Quan điểm của TPHCM - như đã thể hiện rõ trong Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 7-4-2022 của HĐND thành phố, là đảm bảo cuộc sống người dân sau tái định cư nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
-Theo dự kiến, dự án sẽ áp dụng hình thức đầu tư công, trong đó, có nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương tương ứng theo tỷ lệ vốn đầu tư. HĐND TPHCM đã có phương án cho phần vốn địa phương ra sao, thưa đồng chí?
-Hiện nay, Chính phủ đã có tờ trình trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM theo hình thức đầu tư công, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Đối với phần vốn đối ứng của địa phương, TPHCM đã rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao và nguồn vốn dự kiến huy động từ phần dự kiến tăng thu của thành phố (gồm các nguồn: đấu giá quỹ đất dọc tuyến và các nguồn vốn hợp pháp khác khi thực hiện dự án). Trường hợp cần thiết, thành phố sẽ báo cáo Chính phủ về việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án.
TPHCM cũng đã kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cho phép sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương tương ứng theo phần vốn góp đầu tư. Sau khi được Quốc hội thông qua cơ chế thu hồi vốn, TPHCM và các tỉnh sẽ phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các bộ ngành trung ương nghiên cứu chi tiết trong bước tiếp theo của dự án.
-Theo đồng chí, Quốc hội và Chính phủ cần trao những cơ chế, chính sách đặc thù nào cho dự án?
-Với tính chất là dự án quan trọng quốc gia, để bảo đảm tiến độ đầu tư, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai, thực hiện, TPHCM đã báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai đầu tư dự án.
Chẳng hạn như cho phép điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bố trí cho Bộ GTVT về các địa phương để thực hiện theo phương án phân bổ; cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương…
Trong đó, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án, UBND TPHCM được đề nghị chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện. Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, đề nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, đề nghị được áp dụng cơ chế chỉ định thầu và trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.
-Vai trò của HĐND TPHCM sẽ được phát huy như thế nào trong quá trình triển khai dự án, để đảm bảo dự án thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả, chất lượng đầu tư?
-HĐND TPHCM vừa tổ chức kỳ họp chuyên đề thông qua Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 7-4-2022 về thống nhất chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM và Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 7-4-2022 về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM.
Sau khi được Quốc hội chấp thuận thông qua chủ trương đầu tư dự án, đồng thời chấp thuận các kiến nghị về nhóm cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho dự án, Thường trực HĐND, các ban của HĐND, tổ đại biểu và đại biểu HĐND TPHCM sẽ tăng cường giám sát việc triển khai, thực hiện dự án.
Trong quá trình triển khai thực hiện, HĐND TPHCM sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh; tổ chức các kỳ họp để thông qua các nghị quyết của HĐND liên quan đến cân đối phân bổ vốn ngân sách địa phương và các nội dung khác có liên quan theo thẩm quyền, đảm bảo dự án sớm được đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội.
Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm Hôm nay 30-5, Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 3. Quốc hội sẽ dành trọn vẹn ngày làm việc đầu tuần để giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Sau khi nghe báo cáo và xem video clip về vấn đề này, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường. Trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, tuần này Quốc hội sẽ nghe các tờ trình, báo cáo và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; dự thảo nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. |