Trong số đó, dịch vụ taxi sân bay quốc tế là quan trọng nhất, bởi tài xế taxi được coi là công dân nội địa đầu tiên ngoài nhóm nhân viên chính thức người nước ngoài tiếp xúc.
Taxi sân bay: Vô giá
Sau 2 năm án binh bất động vì Covid-19, sáng 1-1-2022, những vị khách nước ngoài đầu tiên đặt chân xuống Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất TPHCM. Cho đến hôm nay đã có hàng ngàn du khách đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Malaysia, Singapore, và hy vọng năm nay con số sẽ đạt đến 5 triệu khách như Tổng cục Du lịch mong muốn.
Vậy nhưng, bạn tôi, GS.Lee đến từ Seoul đã gặp ngay “quả đắng” khi xuống sân bay. Ông đến Việt Nam rất nhiều lần để tham gia các dự án nghiên cứu và giảng dạy, nên biết những tiêu cực xảy ra ở sân bay, song lần này ông không tránh được.
Loay hoay mất hơn 1 giờ không sao đặt được xe, ông buộc lòng phải chấp nhận lên xe đi rồi tính tiền sau. Cuối cùng ông phải trả hơn 2 triệu đồng cho lộ trình đi taxi từ Tân Sơn Nhất về đến Phú Mỹ Hưng, mà trước đó chỉ 300.000-400.000 đồng.
Ở nhiều nước trên thế giới, việc khách bước lên taxi, tài xế xe bật đồng hồ tính tiền, và khách trả đúng số tiền khi xuống xe là chuyện hết sức bình thường, khách từ nơi xa đến không biết tiếng địa phương cũng yên tâm sử dụng phương tiện công cộng này. Nhưng ở các sân bay Việt Nam thì không như thế (và có thể không bao giờ).
Khách nước ngoài bị “sốc” với những hành động kỳ quặc của tài xế taxi như tắt đồng hồ để ra giá tiền trên trời; bật đồng hồ chạy một đoạn mới ra giá, nếu không thì gây khó dễ; nếu phải dùng đồng hồ thì chạy lòng vòng, đe dọa khách khi không nhận được số tiền mong muốn; bỏ khách ngang đường khi cuộc mặc cả không thành, thậm chí trả thiếu đồ khi lấy từ cốp xe ra cho khách, bỏ chạy không trả lại tiền thừa…
Những điều tệ hại này càng nghiêm trọng hơn với những chuyến bay vào mấy ngày sau Tết Nhâm Dần, do chỗ điều phối xe của các đơn vị tham gia vận tải hành khách sân bay. Hiện tượng này thực ra đã tồn tại dai dẳng lâu nay, ngày càng trở nên phổ biến đến mức trở thành một tệ nạn, khiến các hãng du lịch quốc tế có khuyến cáo du khách của mình khi đến Việt Nam.
Thực trạng này cũng đã được báo chí nhiều lần phản ánh, các cơ quan chức năng cố gắng cải thiện và chỉnh đốn, nhưng kết quả mang lại không được bao nhiêu. Một vài vị quan chức cho rằng dịch vụ taxi không thuộc sân bay, còn quản lý và giáo dục đạo đức tài xế do mỗi công ty. Nếu quả thật như thế cần phải xem lại cơ cấu tổ chức và cách điều hành này.
Đừng nghĩ là chuyện nhỏ…
Với hành khách, cho dù là nước ngoài hay nội địa, tất cả hoạt động trong khu vực cảng hàng không đều thuộc tên gọi thống nhất và hình ảnh chung là “sân bay quốc gia”. Có thể các hãng xe giải thích với từng vị khách nước ngoài rằng hành động xấu đó là “cá biệt”, là “con sâu làm rầu nồi canh”…
Nhưng khách không quan tâm đến những lời thanh minh đó (nếu có). Với họ tất cả chỉ phản ánh một hình ảnh “Việt Nam” và những hệ quả họ phải gánh chịu (có thể không lớn) sẽ đọng lại rất lâu trong ký ức, hơn thế nữa nó được lan truyền sâu rộng trong bạn bè người thân.
Là người làm nghiên cứu lâu năm và đi nhiều nơi trên thế giới, tôi mới hiều được tại sao hơn 70% người nước ngoài đến Việt Nam chỉ 1 lần và không bao giờ trở lại. Rồi tại sao trên các trang web hướng dẫn du lịch quốc tế có hàng chục điều cảnh báo nạn móc túi, "chặt chém" hành khách ở Việt Nam.
Điều này hầu như không bao giờ xảy ra ở các sân bay châu Âu, Bắc Mỹ và một số nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan. Làm ra sự khác biệt này do người Thái, người Mãlai, người Sing ý thức được việc “toàn dân làm du lịch”.
Còn ở Việt Nam từ bà bán phở đến ông taxi, từ hướng dẫn viên du lịch đến chủ khách sạn, từ công ty vận tải đến công ty dịch vụ lữ hành, mặc sức “khai thác” hành khách. Nhưng đã có ai đó nghĩ rằng đến lúc nào đó không ai đến với chúng ta nữa, lấy gì mà “khai thác”.
Còn nhớ hồi tháng 8-2019, cụ ông tên là Oki Toshiyuki 83 tuổi người Nhật Bản, bị tay lái xích lô trấn lột 2,9 triệu đồng cho đoạn đường chưa tới 1km. Ngay sau đó đại diện Sở Du lịch TPHCM đã gặp người nhà cụ Oki Toshiyuki để xin lỗi và tặng cặp vé khứ hồi nhằm gỡ gạc thanh danh của một TP “văn minh thân thiện”.
Đó là việc nên làm, nhưng những hành động được coi là “vớt vát” này không mang lại nhiều ý nghĩa. Bởi thiệt hại về tiền bạc, sức khỏe có thể khắc phục được, còn ấn tượng khó chịu, hình ảnh xấu về Sài Gòn - TPHCM trong tâm trí du khách làm sao xóa được. Hơn thế nữa, không tổ chức nào có đủ sức, đủ tiền bạc đi khắc phục hậu quả tiêu cực như thế, mà quan trọng hơn là làm sao ngăn chặn nó từ trong suy nghĩ.
Để có được hình ảnh đẹp của một quốc gia, một TP cũng như một công ty phải trải qua quá trình dài, mất nhiều công sức của rất nhiều người chăm chút từ những điều nhỏ nhất. Song chỉ cần vài hành động thiếu suy nghĩ, “tham bát, bỏ mâm” của một số ít người, những công sức này đều bỏ sông đổ bể hết.
Những hành động đó không chỉ làm hại cho Nhà nước, cho những người liên đới, mà cả công sức, mồ hôi của hàng ngàn cán bộ công nhân viên dày công vun đắp hình ảnh Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, du khách. Đúng là các cụ nói không sai “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”.
Lâu nay người dân và cơ quan công quyền cho đấy là “chuyện nhỏ”, nên các giải pháp loanh quanh chỉ là nhắc nhở, cảnh cáo hoặc phạt tiền, giam giữ vài ngày lại thả, để rồi mọi chuyện đâu lại vào đấy. Cơ quan công quyền cần nghiêm khắc hơn nữa với những người đang hủy hoại hình ảnh quốc gia, TP và môi trường đầu tư.
Nếu luật hiện nay chưa đủ mạnh để răn đe và chế tài những hành vi này, cần phải sửa đổi theo hướng tăng lên, bổ xung sao cho các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để mạnh tay với họ. Những người có hành vi “xấu xí” cần được dư luận lên án mạnh mẽ hơn, để họ và những người sắp có những hành vi như thế phải suy nghĩ trước khi hành động.