Thực tế, khái niệm “xe chính chủ” không có trong văn bản hành chính, mà được gọi theo thói quen của người dân lẫn giới chuyên môn. Phải gọi chính xác là “xe không sang tên đổi chủ”. Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực từ 1-1-2022, nhấn mạnh phương tiện (gồm cả mô tô, xe máy và ô tô) đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người, nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên đến hết ngày 31-12-2021. Như vậy, việc sang tên chính chủ cho các xe qua nhiều đời chủ mà không đầy đủ giấy tờ, không tìm được chủ gốc sẽ không được thực hiện từ 1-1-2022.
Thực tế, xe không sang tên đổi chủ, khiến người chủ mới và chủ cũ đều gặp rắc rối, và lực lượng chức năng cũng gặp khó khăn trong công tác giải quyết. Cho nên, đòi hỏi “chính chủ” là cần thiết và đúng đắn. Đáng tiếc, do không được phổ cập kiến thức đầy đủ, nhiều người nghĩ rằng “đi xe chính chủ” nghĩa là cá nhân, tổ chức chỉ được điều khiển phương tiện giao thông đăng ký dưới tên của mình, nếu không sẽ bị phạt. Việc hiểu như vậy chưa chính xác. Bởi theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chỉ những trường hợp cá nhân mua, được tặng cho, thừa kế... xe mà không làm thủ tục sang tên mới bị xử phạt.
Theo Nghị định 100/NĐ-CP, lỗi không sang tên đổi chủ với xe máy bị phạt tiền 400.000-600.000 đồng với xe cá nhân, 800.000-1,2 triệu đồng với tổ chức. Với ô tô, mức phạt tương ứng 2-4 triệu đồng với cá nhân và 4-8 triệu với tổ chức. Không có quy định nào xử phạt người đi mượn xe. Trong một nhà, vợ, chồng, con cái, anh em đi xe của nhau chỉ cần cầm đăng ký là được lưu thông bình thường. Có thể khẳng định, trường hợp tham gia đi lại bằng xe đứng tên của người khác do mượn hợp pháp từ bạn bè, người thân sẽ không bị phạt về lỗi "xe không chính chủ".
Do không có văn bản giải thích tường tận về “xe chính chủ” và “xe không chính chủ”, nên không ít người hoang mang vì sợ bị xử phạt. Vì thế, hiểu đúng về “xe chính chủ” rất quan trọng, và làm đúng về xử lý “xe chính chủ” càng quan trọng hơn. Nhiều người lo lắng về việc mượn xe của người khác chạy trên đường có bị xử phạt lỗi đi xe không chính chủ không. Nếu làm đúng thì không. Quy định tại Thông tư 58, cơ quan chức năng, cụ thể là cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông, sẽ không dừng xe đang di chuyển trên đường để xử phạt lỗi “không chính chủ” trong trường hợp mượn xe. Căn cứ Khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, việc xác minh để phát hiện vi phạm về lỗi không sang tên xe sau khi chuyển quyền sở hữu chỉ được thực hiện qua 2 cách là công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông và công tác đăng ký xe.
Điều ấy có nghĩa, nếu trong quá trình giải quyết vụ tai nạn giao thông phát hiện chủ xe đã chuyển quyền sở hữu, nhưng chưa sang tên hoặc đi sang tên sau thời hạn 30 ngày, chủ xe mới bị phạt lỗi "không chính chủ". Do đó, khi tham gia giao thông bị cảnh sát giao thông gọi vào kiểm tra hành chính, người điều kiển chỉ cần xuất trình đầy đủ giấy tờ gồm giấy đăng ký xe, bằng lái xe, bảo hiểm bắt buộc xe máy hoặc xe ô tô, giấy đăng kiểm xe (áp dụng đối với ô tô). Dù thấy tên trên giấy đăng ký xe không phải là người điều khiển phương tiện, cảnh sát giao thông cũng không được phép xử phạt vi phạm lỗi không sang tên đổi chủ. Nếu cố tình xử phạt, cảnh sát giao thông sẽ bị coi là thực hiện trái quy định, và người dân có quyền khiếu nại.
Tuy nhiên, trừ trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, việc xác định “chính chủ” rất khó khăn. Vì lực lượng chức năng không dễ phát hiện “chính chủ” của chiếc xe có quan hệ như thế nào với người đang sử dụng. Cha mẹ, anh em, chú bác, bạn bè... làm sao để chứng minh? Chẳng lẽ phải cầm cả cuốn sổ hộ khẩu ra đường để chứng minh người đi xe có ràng buộc nào đó với người đứng tên chủ xe có trong hộ khẩu. Chưa kể, những biện hộ vu vơ như “xe mượn của đồng nghiệp cơ quan”, hoặc “xe mượn của bà con lối xóm”. Không lẽ, mỗi lần cho mượn xe phải nắn nót viết tờ giấy ủy quyền người khác sử dụng trong vòng 1 giờ, 1 buổi hoặc 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng? Đúng là nhiều tình huống xử phạt không nỡ mà bỏ dở không yên.
Đã đến lúc, lực lượng chức năng cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân về quyền sở hữu và tính trách nhiệm đối với “xe chính chủ”. Vì sao? Vì những chiếc xe máy đã cũ, giá trị rất thấp. Đôi khi chỉ cần vài triệu đồng mua lại được chiếc xe máy cũ để có phương tiện đi lại, nên nhiều người ngại mất thời gian làm thủ tục sang tên đổi chủ. Họ chỉ cần cầm giấy đăng ký xe là yên tâm không sợ ai tranh chấp. Để chấm dứt tình trạng e ngại sang tên đổi chủ, có lẽ nên cân nhắc cải thiện thủ tục sang tên đổi chủ. Một khi căn cước công dân có gắn chip đã được phổ cập toàn dân, nên tích hợp giải pháp đăng ký sang tên đổi chủ cho xe cộ một cách thuận tiện hơn. Tốn thời gian và tốn công sức đi lại với sự nhiêu khê chờ đợi, chính là điều phần lớn người dân đi xe “không chính chủ” e ngại.
Đối với xe “không chính chủ” cũng có góc độ nữa nên lưu ý là sở thích sưu tầm xe, nhất là những chiếc xe từng gắn với người nổi tiếng. Nghệ sĩ Kim Cương khi được một người bạn chở bằng xe máy, đã nói đùa rằng: “Nếu đi không cẩn thận xảy ra chuyện gì, đem chiếc xe ra chợ rao rằng đây là “chiếc xe làm Kim Cương té ngã” bán đắt hơn cả chiếc xe mới”. Chưa hết, ô tô cũ người nổi tiếng từng sở hữu, nếu phải sang tên đổi chủ còn giá trị không? Thí dụ, chiếc ô tô có biển kiểm soát 52M- 8007 có tên người đăng ký xe là Trịnh Công Sơn rất được giới sưu tầm yêu thích. Nếu chiếc xe được sang tên đổi chủ đúng quy định, sẽ mất một kỷ niệm về nhạc sĩ lừng danh để sau này có thể làm “đạo cụ” cho phim tài liệu hoặc hiện vật trưng bày bảo tàng.