Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, 8 tháng của năm 2023, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển đạt 565,1 triệu tấn, tăng nhẹ khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hàng container đạt 18,2 triệu Teu, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.
Đà giảm đang chậm lại
Tính riêng trong tháng 8, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 62,7 triệu tấn, trong đó, hàng container đạt 2 triệu Teu.
Số liệu từ Cục Hàng hải Việt Nam cung cấp cũng cho thấy lượng hàng xuất khẩu có xu hướng giảm nhẹ nhưng hàng nhập khẩu có xu hướng tăng. Lũy kế 8 tháng đầu năm, lượng hàng nhập khẩu tăng nhẹ khoảng 4%, đạt 164,6 triệu tấn. Trong khi đó, lượng hàng xuất khẩu giảm 1%, đạt 132,7 triệu tấn.
Sự sụt giảm sản lượng hàng hóa thông qua cảng quốc tế (không tính hàng nội địa) cũng có sự phân hóa giữa các vùng cảng khác nhau.
Theo đó, tại khu vực miền Bắc, tổng sản lượng giảm ít hơn khoảng 6% nhờ hoạt động nhiều với thị trường Trung Quốc và nội Á. Trong khi đó, Cụm cảng Cái Mép Thị Vải ở miền Nam ghi nhận sản lượng giảm khoảng 15%, một phần do khu vực cảng này có nhiều hoạt động hơn với thị trường Mỹ, Châu Âu.
Hiện nền kinh tế toàn cầu vẫn trong tình trạng bấp bênh do chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch Covid-19, xung đột chính trị, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Điều này làm giảm sức tiêu thụ hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường chủ lực của Việt Nam.
Thống kê cho thấy trong 8 tháng/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 436,44 tỷ USD, giảm 12,8%, tương ứng giảm 64,21 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu là 228,17 tỷ USD, giảm 9,8%, tương ứng giảm 24,79 tỷ USD và nhập khẩu là 208,27 tỷ USD, giảm 15,9%, tương ứng giảm 39,42 tỷ USD.
Kim ngạch xuất nhập khẩu suy giảm cũng kéo theo sự sụt giảm về sản lượng hàng hóa vận tải. Những bất ổn nêu trên đã và đang là một thách thức rất lớn đối với hệ thống cảng biển và toàn ngành hàng hải trong thời gian tới.
Dù vậy, khi so sánh với tháng trước, giới quan sát nhận thấy sự cải thiện cả về giá trị xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam so với tháng trước từ tháng 5 đến tháng 7, đây có thể là dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm về giá trị thương mại đã chạm đáy.
Gỡ khó để hút nhà đầu tư, đón thêm tàu lớn
Để hỗ trợ ngành cảng biển vượt khó thời gian tới, chia sẻ tại hội nghị thường niên năm 2023 do Hiệp hội Cảng biển Việt Nam tổ chức vừa qua, lãnh đạo hiệp hội kiến nghị tới cơ quan và ngành hàng hải một số nội dung như: điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển cho sát hợp với quy mô đầu tư và nhu cầu phát triển của từng loại cảng biển.
Liên quan đến vấn đề này, Cục Hàng hải Việt Nam gần đây đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 54/2018, trong đó, đề xuất tăng giá sàn đối với một số dịch vụ trọng điểm tại cảng biển, bao gồm nâng hạ container quốc tế và hướng dẫn tàu thuyền, đề xuất có hiệu lực từ năm 2024.
Cụ thể, đối với hầu hết các cảng, giá sàn xếp dỡ container được điều chỉnh tăng 10% so với giá cũ. Còn đối với một số cảng nước sâu lớn (đón được tàu trọng tải trên 160 nghìn DWT) giá sàn được điều chỉnh tăng thêm khoảng 10%. Điều này sẽ làm tăng biên lợi nhuận và lợi nhuận ròng của các cảng biển với cùng một lượng container thông qua cảng.
Việc tăng giá sàn đối với phí nâng hạ container, vốn thường chiếm 60-70% doanh thu cảng biển được các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong ngành dành nhiều mối quan tâm.
Giảm nhanh mức độ bao cấp cho vận tải nội địa và quốc tế; tiệm cận nhanh với mức giá bình quân của khu vực, hiện còn quá chênh lệch bất lợi cho tiềm năng phát triển để cạnh tranh của toàn khối cảng biển Việt Nam và cũng là điều kiện thiết yếu để thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng cảng biển.
Hiệp hội Cảng biển Việt Nam
Bên cạnh đó, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cũng đề nghị cần khắc phục nhanh tình trạng khó khăn hiện có, tạo điều kiện thuận lợi cho cảng biển nạo vét, duy tu độ sâu trước bến theo nhu cầu bảo đảm an toàn hàng hải của hệ thống cảng biển quốc gia; xem xét nhu cầu nạo vét duy tu độ sâu trước bến cảng; ưu tiên đầu tư cho luồng lạch, giao thông kết nối cảng biển, kể cả đường sắt, đường sông.
Cùng với đó, nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết cho các nhóm cảng biển; có đủ cơ chế đổi mới phát triển cảng biển quy mô vùng miền, có tổ chức đầu mối chịu trách nhiệm về hiệu quả tổng thể, điều tiết thị trường có yếu tố nước ngoài cạnh tranh minh bạch, lành mạnh hơn để tổ chức thực hiện thành công quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo mục tiêu đề ra trong quy hoạch đến năm 2030.
Ghi nhận những khó khăn ngành càng biển đang đối mặt, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười đề nghị các hiệp hội, các doanh nghiệp cảng tiếp tục nghiên cứu, đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước đề xuất đối sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.
Cùng với đó, cần đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, các giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp cảng biển nói riêng và kinh tế khai thác cảng biển Việt Nam nói chung các góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Song hành cùng nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp cảng tiếp tục cần đáp ứng đúng quy định về an toàn lao động, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh thực hiện chương trình hành động của Chính phủ về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quản lý vận hành cảng biển.
Cùng với đó, đẩy mạnh tiến độ thực hiện tiến trình phát triển “cảng xanh”; thực hiện tốt các nội dung quy hoạch cảng biển Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030.
Bên cạnh đó, "loại bỏ sự cạnh tranh thiếu lành mạnh về giá dịch vụ tại cảng biển, tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn để thu hút các hãng tàu lớn trên thế giới vào hoạt động và từng bước đưa hệ thống cảng biển Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng và là đầu mối trung chuyển trong chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế trên thế giới", lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam nhấn mạnh.