Sáng qua 21.9, UBND TP.HCM ban hành văn bản khẩn về việc tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét nghiệm của shipper, tiến tới quản lý bằng công nghệ.
Cơ sở y tế quá tải, đẩy về doanh nghiệp tự lo?
Theo chỉ đạo mới nhất của UBND TP.HCM, việc thực hiện xét nghiệm đối với nhân viên giao hàng có ứng dụng công nghệ được tập trung thực hiện tại các trạm y tế lưu động trên địa bàn TP sẽ kéo dài đến hết ngày 21.9.
Trong 2 ngày 22 - 23.9, các doanh nghiệp (DN) và shipper tiến hành tập huấn công tác xét nghiệm và cập nhật thông tin xét nghiệm trên các ứng dụng của DN hoặc sử dụng ứng dụng do Sở Thông tin - Truyền thông hướng dẫn.
Bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ do Sở Y tế cung cấp trên cơ sở số lượng đăng ký của shipper với Sở Công thương theo nguyên tắc mẫu gộp 3 người, 3 ngày/lần. Các DN quản lý shipper nhận bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại Sở Công thương.
Trong thời gian này, các shipper có thể sử dụng kết quả xét nghiệm còn giá trị. Từ ngày 24 - 30.9, các DN quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào Kho dữ liệu dùng chung của TP theo hướng dẫn của Sở Thông tin - Truyền thông để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Theo thông tin từ Sở Công thương, giai đoạn trước ngày 16.9, có 20.000 shipper được đăng ký hoạt động, Sở Công thương sắp xếp các shipper xét nghiệm tại các trạm y tế lưu động, nơi shipper sinh sống với khung giờ từ 5 - 6 giờ sáng. Tuy nhiên, sau khi TP.HCM cho phép các shipper hoạt động liên quận, đã có khoảng 82.000 shipper đăng ký hoạt động trở lại.
Việc gia tăng đột biến khiến các trạm y tế quá tải, shipper xếp hàng chờ, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Để tạm thời giải quyết, Sở Công thương đã làm việc với Sở Y tế, Công an TP.HCM thống nhất bổ sung thành 312 trạm y tế phường, xã và 500 trạm y tế lưu động tổ chức xét nghiệm cho các shipper.
Thời gian xét nghiệm từ 6 - 21 giờ hằng ngày và không nhất thiết phải xét nghiệm trên địa bàn cư trú. Song, tình trạng hàng trăm shipper rồng rắn xếp hàng chờ test từ 3 giờ 30 sáng tại một số cơ sở y tế vẫn tiếp diễn.
Thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP, Sở Công thương và Sở Y tế gợi ý cho DN 2 phương án xét nghiệm cho shipper: Phương án 1 là DN tự bố trí nhân sự đi tập huấn, tổ chức các điểm xét nghiệm cho tài xế; Phương án 2 là DN ký hợp đồng với các cơ sở y tế (Sở Y tế sẽ cung cấp danh sách tất cả trung tâm y tế cả nhà nước và tư nhân có chức năng xét nghiệm).
Với phương án này, các shipper vẫn sẽ phải tự đến cơ sở y tế để xét nghiệm như hiện nay, chỉ khác là chi phí test do DN chi trả, thay vì được miễn phí.
Lo giảm tài xế, giá cước lại tăng
Yêu cầu trong ngày 1, ngày 2 có thể thuần thục kỹ năng xét nghiệm là điều rất khó, rủi ro sai sót có thể xảy ra dẫn đến tình trạng để sót F0 trong Đại diện một hãng gọi xe công nghệ |
Chiều cùng ngày, Sở Công thương và các sở, ngành liên quan tổ chức cuộc họp trực tuyến với các DN cung cấp ứng dụng công nghệ giao hàng để phổ biến phương án tổ chức và tập huấn xét nghiệm nhanh Covid-19 cho lực lượng shipper công nghệ.
Hầu hết các DN tham dự họp đều bày tỏ hoang mang trước phương án triển khai sắp tới của TP. Sau khi nghe vị bác sĩ từ Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn quy trình, cách thức tự xét nghiệm, đại diện một hãng gọi xe công nghệ lo ngại: “Trước giờ, DN chỉ tập trung vào chuyên môn là kinh doanh, toàn bộ nhân sự là những người không có chuyên môn y tế. Do đó, yêu cầu trong ngày 1, ngày 2 có thể thuần thục kỹ năng xét nghiệm là điều rất khó, rủi ro sai sót có thể xảy ra dẫn đến tình trạng để sót F0 trong cộng đồng. Trong khi đó, công văn của UBND TP ràng buộc rất lớn trách nhiệm của DN đối với việc cập nhật kết quả xét nghiệm vào kho dữ liệu. Đây là rào cản tâm lý rất lớn dẫn đến những kết quả không mong muốn trong hoạt động kinh doanh của DN”.
Đồng tình, lãnh đạo một DN dịch vụ giao nhận hàng hóa cũng chia sẻ: Các DN quy mô lớn như Ahamove, Grab có số lượng shipper đăng ký được phép hoạt động từ 10.000 - 20.000 tài xế. Việc tập huấn, tổ chức xét nghiệm cho toàn bộ lực lượng tài xế gần như là bất khả thi. Làm gấp sẽ sai, trường hợp bắt buộc, các DN sẽ có xu hướng tìm tới các trung tâm y tế để ký hợp đồng thuê xét nghiệm.
Danh sách khoảng 800 cơ sở y tế đang thực hiện xét nghiệm nhanh cho tài xế mà Sở Công thương, Sở Y tế tổ chức hiện nay đều đang phải tập trung cao độ phòng chống dịch. Vậy nếu để DN ký hợp đồng với họ, bài toán có thể lại trở về vòng luẩn quẩn quá tải.
Mặt khác, lãnh đạo Sở Công thương yêu cầu DN dù chọn phương án tổ chức nào thì cũng phải tuyệt đối không để xảy ra tình trạng shipper tụ tập xếp hàng đông đúc như giai đoạn vừa qua. Nếu DN có số lượng shipper quá lớn, không đảm bảo được việc xét nghiệm thì chủ động cắt giảm số lượng hoặc thậm chí tạm dừng hoạt động cho đến khi chuẩn bị được công tác hậu cần.
“Những DN lớn mà không thực hiện được đúng theo yêu cầu, phải ngưng hoạt động thì toàn bộ việc giao nhận hàng hóa của TP.HCM sẽ trở lại trạng thái ngưng trệ, hàng chục ngàn tài xế đáng ra đủ yêu cầu hoạt động thì nay phải ở nhà, nhà nước tiếp tục trợ cấp. Số lượng tài xế bị siết, giá cước sẽ lại tăng vọt. Chưa kể chi phí test đẩy lên vai DN tạo gánh nặng rất lớn, DN lo không thể gánh nổi khoản phí này trong bối cảnh đã kiệt sức vì dịch bệnh suốt thời gian vừa qua”, lãnh đạo một DN dịch vụ giao nhận hàng hóa bày tỏ.
Nên tiếp tục tận dụng 800 cơ sở y tế của toàn TP để hỗ trợ shipper, ít nhất là trong giai đoạn từ nay đến hết tháng 9. Với số lượng shipper hoạt động thực tế là 36.000 - 37.000 tài xế/ngày như số liệu từ Sở Công thương, chia cho 800 điểm xét nghiệm thì mỗi ngày, mỗi điểm trung bình chỉ tiếp nhận 45 tài xế, không đến nỗi quá tải. Phía DN có thể hỗ trợ vận hành, dùng nền tảng công nghệ để giúp bố trí, hẹn giờ cho các tài xế, tránh tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, nghiên cứu giảm tần suất test cho tài xế phù hợp với thực tiễn kiểm soát dịch bệnh và tiến độ phủ vắc xin. Có thể chia thành nhóm tài xế tiêm 1 mũi và nhóm tiêm 2 mũi để quy định tần suất xét nghiệm phù hợp, giảm gánh nặng cho tất cả các đối tượng.
Lãnh đạo một DN giao nhận hàng hóa