Nhiều ứng viên GS, PGS bị HĐGSNN đánh “trượt” đã bức xúc gửi tâm thư tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cho rằng kết quả không thỏa đáng, không hợp lý.
Theo giới khoa học, việc xét GS, PGS hiện nay thực hiện theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS - gọi tắt là QĐ 37). QĐ 37 có các tiêu chuẩn và điều kiện mới đã tiệm cận với chuẩn của quốc tế.
Theo giới khoa học, việc xét GS, PGS hiện nay thực hiện theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS - gọi tắt là QĐ 37). QĐ 37 có các tiêu chuẩn và điều kiện mới đã tiệm cận với chuẩn của quốc tế.
Chẳng hạn như về tiêu chuẩn đã lấy năng lực nghiên cứu khoa học và năng suất khoa học của đội ngũ nhà giáo cao cấp trong môi trường đại học (GS, PGS) thông qua các thước đo quốc tế (công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín) làm tiêu chí hàng đầu. Thủ tục cũng quy chuẩn hơn, như nhiệm kỳ bổ nhiệm chức danh là 5 năm, chấm dứt tình trạng GS suốt đời. Tiêu chuẩn, điều kiện cũng được áp dụng linh hoạt, không còn lẫn lộn giữa điều kiện cần và điều kiện đủ như trước...
Tuy nhiên, QĐ 37 không thể cặn kẽ, cụ thể và bao phủ được hết những vấn đề mang tính kỹ thuật của việc xét chọn, bổ nhiệm. Giới khoa học đã kỳ vọng vào hướng dẫn xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS do HĐGSNN ban hành; nhưng khi hướng dẫn này được áp dụng thì lại không như mong đợi. Minh chứng rõ nhất là trong đợt xét duyệt năm nay lại tiếp tục bộc lộ những điều tiếng.
Theo các chuyên gia, để có sự đánh giá, xét chọn thuyết phục nhất, cốt yếu nằm ở chất lượng của HĐGSNN - điều lâu nay chưa đề cập đến. Chất lượng ở đây là các thành viên hội đồng phải là những người có thành tích chuyên môn, năng suất khoa học chí ít cũng phải bằng các ứng viên. Đồng thời họ còn phải là những nhà giáo, nhà khoa học có tư cách và phẩm chất được các nhà khoa học cùng chuyên môn ngưỡng mộ. Muốn có được hội đồng chất lượng như vậy, giới khoa học đòi hỏi phải có những tiêu chuẩn rõ ràng để lựa chọn, không thể đặt ra nhiều tiêu chuẩn cho ứng viên còn tiêu chuẩn và điều kiện của các vị “trọng tài” thì lại chung chung (có uy tín chuyên môn khoa học cao, có kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín...).
Ở phương Tây hiện chỉ còn vài quốc gia giữ HĐGSNN, nhưng không quy định bắt buộc chủ tịch HĐGSNN phải là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Đối với nước ta trong điều kiện hiện nay có lẽ vẫn cần duy trì HĐGSNN để quy định những vấn đề chung nhất của việc xét, bổ nhiệm và miễn nhiệm GS, PGS, nhưng không thể cứ kéo dài mãi. Đã đến lúc chúng ta nên thí điểm giao quyền cho các cơ sở giáo dục đại học tự làm công việc xét và công nhận chức danh GS, PGS như cách Chính phủ đang làm với tự chủ đại học.
Điều đầu tiên để Nhà nước có thể tin tưởng giao quyền tự chủ việc xét và bổ nhiệm các chức danh GS, PGS là các cơ sở giáo dục cần phải có dữ liệu khoa học (tiến sĩ, GS, PGS) về đội ngũ giảng dạy đại học của mình, để từ đó các trường xây dựng hệ thống tính điểm xét công nhận GS, PGS. Như vậy, bộ tiêu chuẩn của HĐGSNN chỉ là “khung pháp lý”, còn các trường đưa ra các điều kiện và tiêu chí cao hơn phù hợp với từng ngành, không thể yêu cầu những ngành khoa học xã hội có tiêu chuẩn như các ngành kỹ thuật, công nghệ... Khi ấy, chức vụ GS, PGS mặc nhiên được gắn với tên trường đại học, không còn là GS, PGS “cả nước”; chức danh GS, PGS mới thực sự gắn với vị trí việc làm, các cơ sở đào tạo bổ nhiệm, sử dụng, thể hiện vai trò tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.