Xóa dự án, đất vẫn treo

Hàng trăm dự án trên địa bàn TPHCM chậm triển khai, triển khai không đúng tiến độ đã bị UBND TP ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, nhiều nơi người dân vẫn không thể ăn mừng thoát treo, vì tình trạng tái treo vẫn diễn ra phổ biến.

Hàng trăm dự án trên địa bàn TPHCM chậm triển khai, triển khai không đúng tiến độ đã bị UBND TP ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, nhiều nơi người dân vẫn không thể ăn mừng thoát treo, vì tình trạng tái treo vẫn diễn ra phổ biến.

Mừng hụt

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, cho biết trên địa bàn xã có 2 dự án, thứ nhất là dự án khu dân cư Phong Phú 2 do CTCP Đầu tư xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư, có diện tích 127.000m2. Năm 2009, UBND TP chấp thuận địa điểm cho công ty làm khu dân cư; đến năm 2013 Sở Tài nguyên - Môi trường ra văn bản chấm dứt chấp thuận địa điểm vì chậm triển khai (chỉ mới bồi thường khoảng 48%, đền bù kiểu da beo).

Dự án thứ hai là khu biệt thự sinh thái xã Phong Phú do Công ty TNHH Dịch vụ Triển Phong làm chủ đầu tư, có diện tích 380.000m2. Năm 2009, UBND TP chấp thuận địa điểm đầu tư; đến năm 2013 Sở Tài nguyên - Môi trường ban hành văn bản chấm dứt dự án, do có tỷ lệ bồi thường dưới 50%. Nhiều người dân sau bao năm vật vờ cùng dự án treo nay nghe dự án bị thu hồi đã rất phấn khởi.

Tuy nhiên, thực tế Sở Tài nguyên - Môi trường chỉ thu hồi chủ trương đầu tư dự án, còn vấn đề quy hoạch của dự án vẫn còn nguyên. Vì vậy người dân lại rơi vào cảnh bất an, do đất đai không thể chuyển mục đích sử dụng, nhà trọ không xây dựng được, đầu tư xây dựng làm ăn lớn càng không dám. Cũng vì vướng dự án nên xã Phong Phú không được đầu tư hạ tầng làm xã nông thôn mới, hệ thống nước sạch cho dân cũng không có.

Dự án Viện trường Y tế TPHCM (huyện Củ Chi) có tổng diện tích 105,98ha (tại 3 ấp thuộc xã Phước Hiệp) có 275 hộ dân bị ảnh hưởng. Dự án Viện trường này được đưa vào quy hoạch từ tháng 5-2006 và tiến hành đo đạc, kiểm kê năm 2007, từ đó đến nay người dân bỏ đất hoang nhưng nhiều năm qua chưa thấy triển khai gì. Người dân kiến nghị 2 phương án: Một là thu hồi dự án trả lại đất cho dân; hai là triển khai dự án, trả tiền đền bù cho người dân tìm kiếm công việc khác, ổn định cuộc sống mới thay vì cứ thấp thỏm chờ đợi.

Cũng ở Củ Chi, dự án nhà vườn và khu du lịch sinh thái do Hợp tác xã nhà vườn sinh thái Phương Đông Đồng Tiến làm chủ đầu tư có tổng diện tích 176ha tại xã Phú Hòa Đông, tổng mức đầu tư 772,8 tỷ đồng chia thành 3 giai đoạn. Sau khi được UBND TPHCM chấp thuận chủ đầu tư không tiến hành triển khai bị TP thu hồi dự án. Tuy nhiên đất của dự án này vẫn tiếp tục bị treo do TP đang tìm kiếm nhà đầu tư mới.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, phần đất đã đền bù nếu không bị da beo có thể điều chỉnh ranh, tiếp tục thực hiện dự án theo quy hoạch; còn nếu tiếp tục đền bù phải tự thương lượng với người dân, khi hoàn chỉnh 100% sẽ chỉ định chủ đầu tư mới theo quy định.

Xóa dự án, đất vẫn treo ảnh 1

Cỏ mọc um tùm tại một dự án bị treo tại phường Tân Hưng Thuận (quận 12).

Cần đổi mới

Thực tế, nhiều dự án trên địa bàn TP tình trạng đền bù kéo dài hàng chục năm, thậm chí gần 20 năm nhưng chính sách đền bù lại không thay đổi. Điều này khiến người dân bức xúc, không đồng ý giá đền bù khiến dự án tắc tỵ. Ông Lê Hùng Thuận, có 2400m2 đất trồng cây lâu năm tại khu phố 5, phường Tân Thới Nhất, quận 12, cho biết mặc dù là đất trồng cây lâu năm nhưng ông đã cư trú trên mảnh đất này hơn 30 năm và xây nhiều nhà, phòng trọ. Khi UBND TP triển khai dự án khu tái định cư đã ban hành đơn giá đền bù vào năm 2002 với mức giá 180.000 đồng/m2 (đất nông nghiệp). Ông Thuận không đồng ý mức giá trên nên vụ việc kéo dài cho đến nay, nhưng mức giá đền bù cộng mức hỗ trợ cũng chỉ tăng lên 400.000 đồng/m2.

Trong khi đó đất ở khu vực lân cận tại thời điểm này giao dịch lên đến 25-30 triệu đồng/m2. Chính vì vậy dự án này bị đình trệ hơn 15 năm qua. Ông Nguyễn Tương Minh, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết quận đã nhiều lần đề nghị Sở Tài chính kiến nghị UBND TP áp dụng chính sách đền bù mới để đảm bảo quyền lợi cho người dân và đẩy nhanh tiến độ dự án nhưng chưa được chấp thuận. Quận cũng đề xuất TP linh hoạt áp dụng chính sách “đất đổi đất” theo một tỷ lệ đất nông nghiệp-đất ở nhất định, nhưng cũng chưa có kết quả.

Thực trạng dự án treo, quy hoạch treo bên cạnh nguyên nhân do chủ đầu tư yếu năng lực còn có nguyên nhân từ chính sách đền bù có nhiều bất hợp lý. Nếu không khắc phục kịp thời người dân vẫn còn khổ và dự án tiếp tục ngưng trệ, gây lãng phí lớn về tài nguyên đất và cả cơ hội phát triển kinh tế-xã hội.

Các tin khác