Bước đầu, UBND phường Hiệp Bình Chánh xác định, tại khu vực này đang tồn tại 37 căn nhà không phép, trong đó có một số căn nhà 1 trệt, 1 lầu với diện tích 40-60 m²/căn. 37 căn nhà này đã được xây dựng hoàn thiện, nằm trên khuôn viên đất rộng khoảng 5.000m², được quy hoạch đất cây xanh, đường giao thông và hồ điều tiết. Một số căn nhà còn có dấu hiệu xây dựng lấn chiếm đất hành lang bảo vệ rạch. Theo UBND phường Hiệp Bình Chánh, đất này được cấp giấy chứng nhận cho ông Lê Tấn Tài.
Điều đáng nói, UBND phường Hiệp Bình Chánh từng phát hiện và nhiều lần xử lý việc xây dựng công trình không phép tại khu vực này. Trong đó, năm 2015, UBND phường đã cưỡng chế các công trình xây dựng không phép tại đây. Tuy nhiên, các công trình không phép vẫn tiếp tục mọc lên.
Tháng 4-2018 và tháng 6-2019, ông Lê Tấn Tài bị UBND phường Hiệp Bình Chánh xử phạt 1,5 triệu đồng, buộc khôi phục hiện trạng. Đặc biệt, tại khu vực này, UBND phường cho cắm biển thông báo khu vực thuộc đất cây xanh, đường giao thông và nghiêm cấm mọi hành vi xây dựng không phép, mua bán, chuyển nhượng trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích, lấn chiếm sông, kênh rạch.
UBND phường cũng lập một chốt dân phòng tại khu vực đất của ông Lê Tấn Tài và gắn camera giám sát tại đây. Thế nhưng, tại khu đất của ông Tài vẫn mọc lên 37 căn nhà không phép. Phần lớn các căn nhà không phép này đã được bán giấy tay cho người dân và có người vào ở.
UBND phường Hiệp Bình Chánh giải thích, khu đất của ông Lê Tấn Tài có 3 mặt giáp rạch, có cổng duy nhất ra đường số 40. Chủ công trình cho xây tường cao, dùng tôn vây toàn bộ khu đất để che khuất tầm nhìn từ bên ngoài, có xây cổng kiên cố và xua chó berger khi lực lượng chức năng đến làm việc. Do đó, việc kiểm tra, xử lý các công trình này gặp nhiều khó khăn.
Trước diễn biến phức tạp này, năm 2019 lãnh đạo quận Thủ Đức chỉ đạo UBND phường kiên quyết xử lý các công trình không phép. Tuy nhiên, lâu nay UBND phường Hiệp Bình Chánh không vào bên trong kiểm tra, đo vẽ, xác định diện tích công trình không phép để lập phương án xử lý theo quy định. Do đó, UBND phường “đi đường vòng”, bằng cách ra quyết định xử lý hành vi vi phạm về đất đai và xây dựng trên đất nông nghiệp (để xử lý cổng và hàng rào). Từ đó, phường tổ chức cắt khóa cửa rồi vào bên trong khu đất đo vẽ, xác định diện tích, số lượng, kết cấu công trình vi phạm…để lập biên bản vi phạm về hành vi xây dựng không phép. Hiện nay, UBND phường đang hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị UBND quận ra quyết định xử phạt.
Do các công trình này xây dựng không phép trên đất nông nghiệp nên bên cạnh xử phạt tiền đối với chủ công trình, trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ, khôi phục hiện trạng ban đầu.
Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, trường hợp chủ đầu tư không tự nguyện tháo dỡ, quận sẽ ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình không phép. Trong quá trình xử lý, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự, như lừa đảo bán giấy tay cho người dân thì quận sẽ chuyển hồ sơ cho công an và đề nghị xử lý hình sự.